Trước sự áp bức của thực dân Pháp và giới chủ, tay sai của Pháp, từ giữa năm 1942 đến 1943, ở Sài Gòn đã có 24 cuộc đấu tranh của công nhân, người lao động. Tháng 4-1944, một hội nghị gồm hơn 20 đại biểu công đoàn họp tại Hãng thuốc lá Mic để bầu Ban Chấp hành Tổng công đoàn Nam Bộ. Trong hồi ký của mình, đồng chí Huỳnh Văn Tâm (công nhân Công ty Điện nước CEE, cán bộ lão thành cách mạng), một trong 20 đại biểu dự hội nghị cho biết: "Gọi là Tổng công đoàn Nam Bộ, nhưng thực ra lúc đó mới chỉ có đại biểu ở vùng Sài Gòn-Chợ Lớn và vài ba vùng cao su miền Đông".  

Đầu năm 1945, trong lúc hai triệu đồng bào miền Bắc chết đói thì tại Nhà máy Đèn Chợ Quán Sài Gòn, mỗi ngày Nhật cho đốt 5-7 ghe chài lúa thay than đá để chạy máy phát điện. Điều đó gây công phẫn trong anh em phu khuân vác lúa. Sáng 8-2-1945, có 51 người chuyển lúa từ ghe chài lên định tổ chức cướp lúa. Nhận thấy việc đấu tranh cần phải kiên trì, khôn khéo, tránh bị khủng bố vô ích và cần phải giữ gìn lực lượng cho những cuộc đấu tranh lớn hơn, 8 cán bộ của công hội bí mật phải xuất hiện ở hiện trường, vận động anh em công nhân khác trong nhà máy cũng đấu tranh hạn chế số lúa bằng cách kiếm cớ máy phát điện bị hư, tạm ngừng để sửa chữa từng đợt.

leftcenterrightdel
Nhân dân Sài Gòn biểu tình giành chính quyền ngày 25-8-1945. Ảnh tư liệu. 

Từ sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, đã xuất hiện một thời cơ mới cho sự phát triển cả về bề rộng và chiều sâu của phong trào công nhân, lao động ở Sài Gòn-Chợ Lớn. Thời kỳ này, phong trào công nhân, lao động không chỉ giới hạn ở các xí nghiệp. Một số ngành nghề tự do như thợ đóng giày, thợ may, thợ mộc hay chị em tiểu thương ở nhiều chợ trong thành phố như: Bến Thành, Cầu Ông Lãnh, Phú Nhuận... cũng tập hợp thành tổ chức. Do đó, để bồi dưỡng lực lượng, các lớp huấn luyện đào tạo cán bộ công đoàn do Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu phụ trách được mở ra khẩn trương hơn trước, phát triển theo lối dây chuyền tới tận nơi chưa có cơ sở hoặc cơ sở còn yếu. Nội dung huấn luyện lúc bấy giờ rất ngắn gọn nhưng thiết thực cho cán bộ công đoàn như: Thông tin tình hình thế giới, trong nước; những nhiệm vụ cần kíp của cách mạng Việt Nam; vấn đề vận động công nhân...

Cho đến tháng 3-1945, tại Sài Gòn-Chợ Lớn, công hội bí mật đã được tổ chức trong khoảng 70 xí nghiệp với hơn 3.000 đoàn viên. Một sự kiện diễn ra cuối tháng 3-1945 đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của công đoàn Nam Bộ là việc Tổng công đoàn Nam Bộ tổ chức lại hội nghị đại biểu ở khu vực chợ Trương Minh Giảng do đồng chí Hà Huy Giáp chủ trì. Hội nghị đã bầu ban chấp hành mới, trong đó có những cán bộ nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động như Lê Văn Lương, lại có những cán bộ trẻ như đồng chí Trần Bạch Đằng (sau này là Bí thư Thành ủy Sài Gòn). Lúc sinh thời, đồng chí Trần Bạch Đằng từng kể lại: "Đây được coi là đại hội thành lập Tổng công đoàn Nam Bộ. Khi anh Hà Huy Giáp tới, anh được mời ngồi ghế đầu, mà nói cho đúng anh không thể đứng nổi. Những năm tháng lao tù ở Trà Khê cướp của anh phần sức khỏe quan trọng. Người báo cáo là anh Hoàng Văn Đôn, người phát biểu chỉ đạo là anh Hà Huy Giáp. Đại hội bầu ban chấp hành, Tổng thư ký là đồng chí Hoàng Văn Đôn, Phó tổng thư ký là đồng chí Nguyễn Lưu, ủy viên là đồng chí Lưỡng... Tôi, 19 tuổi có lẽ là đại biểu trẻ nhất, được bầu vào ban chấp hành với tư cách là đại diện cho nghiệp đoàn thợ may Nam Bộ và nghiệp đoàn thợ rèn Dainan Koosi. Hội nghị hôm ấy phải tiến hành thật nhanh, kết thúc ngắn gọn bởi đồn lính Nhật ở ngay phía đối diện căn nhà nơi diễn ra hội nghị”.

Sau hội nghị này, phong trào công nhân, lao động không dừng lại ở mục tiêu kinh tế mà tích cực chuẩn bị lực lượng chính trị, đón thời cơ cách mạng. Nhớ lại những ngày tháng sôi nổi hoạt động này, trong cuốn "Giai cấp công nhân Việt Nam" xuất bản năm 1963, đồng chí Trần Văn Giàu kể: “Từ tháng 7 trở đi, hầu như không có buổi sớm mai, buổi trưa hay buổi chiều nào mà ở cửa xí nghiệp này hay xí nghiệp nọ không có những cuộc mít tinh chừng 15-20 phút của công nhân viên chức; hầu như không có buổi tối nào mà không có hội họp công nhân và nhân dân lao động ở trụ sở này hay khu phố nọ. Hết giờ làm việc, nếu không nghe bài hát từ một cơ quan này vọng ra thì sẽ nghe bài ca của một đoàn người khác đi rập chân, hát những bài yêu nước. Không khí rất náo nhiệt. Công hội chẳng những phát triển ở Sài Gòn mà cũng phát triển ở hầu hết các tỉnh lỵ và đồn điền cao su”.  

leftcenterrightdel

Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: NGUYỄN TRUNG TRỰC

 

Một nhiệm vụ hết sức quan trọng của công đoàn lúc đó là khẩn trương tổ chức những đội công đoàn xung phong có hiểu biết về kỹ thuật quân sự và được trang bị tốt. Đây là lực lượng xung kích đáng tin cậy làm nòng cốt cho đội quân chính trị hùng mạnh trong tổng khởi nghĩa. Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, chỉ riêng đồng chí Huỳnh Văn Nghệ đã chuẩn bị được một số súng trường, trung liên, đại liên đủ trang bị cho hai đại đội. Số vũ khí này được giao cho đồng chí Nguyễn Văn Giỏi cất giấu tại nhà đồng chí Bảy Mùi ở xóm Kinh, gần chợ Trương Minh Giảng để trang bị cho các đội công đoàn xung phong trong tổng khởi nghĩa. Đồng chí Trần Bạch Đằng viết trong hồi ký: “Đêm 24 rạng ngày 25-8-1945, tại rạp Nguyễn Văn Hảo, anh Nguyễn Lưu và tôi chịu trách nhiệm như các đồng chí tuyên truyền xung phong sau này chịu trách nhiệm. Khi anh Trần Văn Giàu kêu gọi xuống đường giành chính quyền về tay Việt Minh thì tôi và anh Lưu căng khẩu hiệu trên rạp Nguyễn Văn Hảo. Tôi cắm cờ Đảng, anh Lưu cắm cờ Việt Minh”.

Ngay trong đêm khởi nghĩa 24-8-1945 ở Sài Gòn, một mặt Thanh niên Tiền phong và công đoàn trong từng xí nghiệp, cơ quan tự chiếm lấy cơ sở của mình và treo cờ đỏ sao vàng, mặt khác, các đội công đoàn xung phong từ nửa đêm tiếp thu và chiếm giữ các công sở, đơn vị chủ chốt. Các công đoàn ở các đơn vị phục vụ sinh hoạt đều bảo đảm hoạt động tốt trong đêm khởi nghĩa cũng như trong những ngày tiếp theo. Báo Điện tín Sài Gòn số ra ngày 27-8-1945 đã đăng toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu tại cuộc mít tinh trước dinh đốc lý Sài Gòn ngày 25-8. Bài phát biểu có đoạn: “Chúng tôi tuyên bố không thừa nhận chính phủ Nam triều và cương quyết chống chế độ thực dân bất cứ từ đâu đến. Không một ngoại bang nào có thể viện một lý do gì mà bác bỏ được điều quyết định long trọng của đồng bào ta hoài bão lâu nay: Nước Việt Nam hoàn toàn độc lập!”.

Và với tư cách là người chủ thực sự của đất nước, công nhân, lao động Sài Gòn cùng toàn thể nhân dân thành phố bắt tay ngay vào dựng xây chính quyền cách mạng non trẻ, tích cực chuẩn bị đánh trả thực dân Pháp xâm lược trở lại...

(*) Bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp và hồi ký của các đồng chí lão thành cách mạng được tập hợp trong cuốn “Mùa thu rồi, ngày hăm ba”, NXB Chính trị Quốc gia, 1995.

NGUYỄN QUANG HƯNG