Cha tôi, Trung tá phi công hải quân Walter Eugene Wilber, một sĩ quan chỉ huy phi đội bay từng tham gia vào cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Tháng 6-1968, chiếc máy bay F4 do ông điều khiển đã bị Không quân Việt Nam bắn rơi. Ông đã nhảy dù thoát khỏi chiếc máy bay đang cháy và bị bắt ngay khi vừa tiếp đất.
Trong nhà giam Hỏa Lò, cha tôi bắt đầu suy ngẫm sâu sắc về những hành vi đáng báo động và đầy thất vọng mà Chính phủ Mỹ, trong đó có ông và nhiều người lính Mỹ khác đang tiến hành chống Việt Nam. Ông đã đi tới một kết luận: Cuộc chiến tranh của Mỹ là bất chính. Ông tự nguyện thông báo với những người Mỹ khác rằng, Hoa Kỳ nên rời khỏi Việt Nam ngay lập tức. Ông đã đề nghị ghi âm những phát ngôn của mình từ nhà tù Hỏa Lò. Những điều cha tôi nói được phát công khai trên làn sóng phát thanh từ Hà Nội để quân đội Mỹ ở Đông Nam Á và cộng đồng quốc tế nghe.
    |
 |
Ông Thomas Wilber tại Trưng bày chuyên đề "Thang âm cuộc chiến" diễn ra tại Hà Nội, tháng 12-2023. Ảnh: MINH THU |
Trong 5 năm bị bắt giam, cha tôi được đối xử rất nhân đạo. Theo điều khoản quy định của Hiệp định Paris, các tù binh, trong đó có cha tôi được Chính phủ Việt Nam trao trả. Nhưng tại quê nhà, ông bị chỉ trích nặng nề vì đã phát ngôn chống lại cuộc chiến tranh mà Mỹ gây ra ở Việt Nam. Bất chấp điều đó, ông không lùi bước trước lập trường vững chắc rằng, Mỹ là kẻ xâm lược trong cuộc đấu tranh giành độc lập lâu dài và gian nan của nhân dân Việt Nam.
Cha tôi luôn giữ sự tôn trọng và niềm tin đối với Việt Nam, khuyến khích quan hệ ngoại giao bình thường giữa hai nước. Cho đến khi qua đời năm 2015, ông luôn chia sẻ những ký ức tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam và chính sách nhân đạo của Việt Nam. Tôi vô cùng biết ơn cha tôi vì ông đã nói thẳng chính kiến. Qua đó, ông đã giúp tôi thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với nhân dân Việt Nam, niềm kính trọng sâu sắc đối với cuộc đời và sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tôi nhớ bức thư đầu tiên của cha mà gia đình tôi nhận được vào dịp năm mới, đúng 18 tháng sau khi ông sang Việt Nam. Lúc nhận bức thư, gia đình tôi đều bất ngờ và lo lắng. Chúng tôi không biết ông như thế nào, còn sống không và đang ở đâu, bởi lúc đó, Chính phủ Mỹ chưa hề cung cấp bất cứ thông tin gì cho gia đình.
Trong thư, cha tôi dặn: “Các con hãy giữ tình yêu thương và đừng lo lắng, bởi cha vẫn ổn, ăn uống đầy đủ và vẫn tập thể dục, thể thao”. Ông bảo chúng tôi hãy kiên nhẫn chờ đợi, hòa bình sẽ sớm đến. Và điều đặc biệt là bức thư được viết một ngày trước khi máy bay do cha tôi điều khiển bị bắn rơi. Bức thư cùng nhiều kỷ vật khác của cha, tôi đã giữ gìn cẩn thận nhiều năm với mong muốn tìm cho chúng nơi “lưu trú” thật phù hợp. Cuối cùng, tôi quyết định trao các kỷ vật tặng Ban Quản lý Di tích nhà tù Hỏa Lò. Tôi thấy vui vì những thông tin, tư liệu mình cung cấp đã góp phần cho công chúng biết thêm về câu chuyện của các tù binh Mỹ tại Việt Nam và phong trào phản chiến của họ.
    |
 |
Ông Thomas Wilber (giữa) và ông Bùi Bác Văn (bên trái) ở Nghệ An, năm 2015. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Tôi đã đến Việt Nam hàng chục lần. Nhiều chuyến đi tập trung vào các địa bàn của tỉnh Nghệ An. Cha tôi đã nhảy dù khỏi máy bay đang cháy xuống xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, để rồi được đưa ra Hà Nội theo đường Trường Sơn (còn gọi là Đường Hồ Chí Minh). Cách nơi máy bay của cha tôi bị bắn rơi không xa là quê hương Nam Đàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi chứng kiến thời thơ ấu của Người. Trong những chuyến đi đầu tiên tới Nghệ An, nhận thức về sự đơn sơ, giản dị bao trùm quãng đời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhen nhóm trong tôi cảm nhận ngày một sâu sắc về ý nghĩa câu nói của Người, những câu từ mà hồi còn ở Mỹ tôi không để tâm. Đó là: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Ông Bùi Bác Văn, sống ở xã Thanh Tiên năm 1968, là người tham gia bắt sống bố tôi. Khi chúng tôi gặp nhau lần đầu vào tháng 3-2015, ông Văn sống ở thành phố Vinh (Nghệ An). Không hề có thái độ thù địch, ông đã ôm tôi như một người bạn. Ông còn dành thời gian hướng dẫn tôi thăm nhiều địa danh lịch sử ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Không chỉ cùng tôi tham quan những vùng từng chịu bom đạn trong cuộc chiến tranh của Mỹ, ông còn giải thích cho tôi về những danh nhân đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng người Việt Nam khỏi ách kìm kẹp của chủ nghĩa thực dân. Có ông Bùi Bác Văn đồng hành, những chuyến thăm Việt Nam càng giàu ý nghĩa hơn đối với tôi.
Ngoài ra, nhờ các mối liên hệ, tôi đã tìm đến gặp gia đình phi công Đinh Tôn, người đã lái máy bay MiG bắn rơi chiếc F4 của cha tôi. Rất tiếc, do mắc bệnh hiểm nghèo, ông đã qua đời từ năm 1980. Qua gặp gỡ các cựu chiến binh phi công Việt Nam và trò chuyện cùng bà Trần Thị Diên Hồng, phu nhân của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Tôn, tôi được biết ông là một trong những phi công chiến đấu giỏi, thuộc thế hệ đầu tiên của Không quân Việt Nam. Ông có mối tình thật đẹp với bà Diên Hồng-một sinh viên y khoa Hà Nội. Là hàng xóm cạnh nhà nên hai người yêu nhau từ rất sớm.
Trong điều kiện đất nước chiến tranh, người phụ nữ Việt Nam ấy đã kiên nhẫn chờ đợi chàng trai của mình nhập ngũ, đi học lái máy bay ở nước ngoài mấy năm đằng đẵng. Khi ông mải miết với nhiệm vụ chiến đấu thì bà kiên trì ủng hộ, lặng lẽ làm công việc chữa bệnh cứu người, đồng thời cầu mong ông sau mỗi chuyến bay sẽ an toàn trở về mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Năm 1965, họ quyết định tổ chức đám cưới.
Trong thời gian chuẩn bị, bất ngờ ông nhận lệnh gọi về đơn vị có nhiệm vụ gấp. Đám cưới tạm hoãn. Một cán bộ cấp trên của ông nói đùa rằng nếu Đinh Tôn bắn rơi được 3 máy bay Mỹ thì sẽ cho cưới vợ. Dù biết đó chỉ là câu nói đùa, nhưng phi công Đinh Tôn vẫn hạ quyết tâm thực hiện. Liên tục 3 tháng liền trong năm 1968, phi công Đinh Tôn lập công và bắn rơi 3 máy bay Mỹ, trong đó có chiếc F4 của cha tôi rơi ở vùng trời Thanh Chương. Đó là một kỷ lục hiếm có trong lịch sử Không quân Việt Nam. Và ngay sau trận chiến đấu thắng lợi trên bầu trời Khu 4 ấy, ông được phép về cưới vợ. Do lúc đó không có không chiến nên đơn vị ông đã cử một biên đội về chúc mừng...
    |
 |
Ông Thomas Wilber bên các bức ảnh chụp về cha mình trưng bày tại Khu di tích nhà tù Hỏa Lò, năm 2021. Ảnh: TUYÊN HÓA |
Những năm qua, tôi đã có nhiều hoạt động ở Việt Nam. Là một nhà nghiên cứu độc lập, tôi từng tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Hà Nội. Đến năm 2023, tôi vinh hạnh trở lại Việt Nam lần thứ 44. Từ những nơi tôi đến và những con người được tiếp xúc, tôi luôn cảm nhận thấy sự lạc quan, yêu đời. Dù khó khăn đến mấy, người Việt Nam vẫn hướng tới những điều tích cực. Họ luôn nỗ lực tìm giải pháp vượt qua hoàn cảnh.
Với những điều bản thân được biết và trực tiếp trải nghiệm, tôi và cộng sự của mình đã hoàn thành cuốn sách “Từ Hỏa Lò tới nước Mỹ hôm nay: Tù binh bất đồng chính kiến” (khi tái bản, cuốn sách có tên mới là “Tù binh Mỹ vì hòa bình: Cuộc chiến trong lòng nước Mỹ”). Tôi thường khuyến khích bạn bè, đặc biệt là người Mỹ, tìm hiểu thêm về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, về thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến và vai trò của Việt Nam trong quan hệ quốc tế hôm nay. Tôi muốn nói, tôi yêu Việt Nam!
Ông Thomas Wilber là con trai thứ hai của một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Từ hành động phản chiến và những câu chuyện, kỷ vật của cha mình, Thomas Wilber quyết định trở thành nhà nghiên cứu độc lập về Việt Nam. Từ năm 2015 đến nay, ông đã trao nhiều kỷ vật chiến tranh của các cựu binh Mỹ tặng Ban quản lý Di tích nhà tù Hỏa Lò làm hiện vật trưng bày. Đồng thời, ông cũng là khách mời truyền cảm hứng khi tham gia nhiều cuộc triển lãm, trưng bày chuyên đề và chương trình giao lưu nhân vật tại Di tích nhà tù Hỏa Lò. |
THOMAS WILBER (kể) - BẢO LINH (ghi)