Vươn lên trong gian khó
Mới chào đời 3 tháng thì cha Tôn Thất Tùng-Tổng đốc tỉnh Thanh Hóa-đã vội về với tổ tiên. Mẹ ông đưa cả gia đình về Huế. Lên 9 tuổi, Tôn Thất Tùng ra Hà Nội, ở nhà của bác sĩ Hồ Đắc Di để đi học. Tôn Thất Tùng là một trong những sinh viên y khoa người Việt đấu tranh đòi chính quyền thực dân phải tổ chức thi nội trú cho các bệnh viện ở Hà Nội. Với tư chất thông minh, ham suy nghĩ, quan sát, suy luận, bác sĩ trẻ Tôn Thất Tùng đã phát hiện trong gan bệnh nhân có hàng chục con giun chui trong đường mật. Từ năm 1935 đến 1939, trong điều kiện thiếu thốn cả về tài liệu khoa học lẫn y cụ, BS Tôn Thất Tùng đã nghiên cứu và bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp “Cách phân chia mạch máu của gan”, được Trường Đại học Tổng hợp Paris (Pháp) tặng huy chương bạc.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông cùng một số cộng sự xây dựng Trường Đại học Y Dược Hà Nội, làm Thứ trưởng Bộ Y tế nhưng ông vẫn có mặt tại chiến trường Điện Biên Phủ trực tiếp cứu chữa thương binh. Trong điều kiện chiến tranh thiếu thốn, ông cùng GS Đặng Văn Ngữ đã nghiên cứu thành công cách sản xuất thuốc kháng sinh penicillin cứu sống nhiều bệnh nhân nặng-được coi là kỳ tích. Sau ngày Hà Nội giải phóng (1954), để có điều kiện nghiên cứu, ông xin từ chức Thứ trưởng về làm Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngày nay), trực tiếp làm Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, Trường Đại học Y Dược Hà Nội. Thập niên 1960, ông nghiên cứu thành công phương pháp “mổ gan khô”, còn gọi là “phương pháp Tôn Thất Tùng” hoàn toàn mới trên thế giới. Phương pháp này khắc phục trường hợp bệnh nhân có thể chết do chảy máu hoặc hoại tử gan nên được giới y học rất chú ý. Ông còn chẩn đoán và mổ thành công trường hợp viêm tụy cấp do giun chui ống mật; cũng là người tiên phong trong lĩnh vực mổ tim mạch ở Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, GS Tôn Thất Tùng đã sớm có những nghiên cứu đầu tiên về hậu quả lâu dài của chất độc da cam/dioxin mà đế quốc Mỹ đã sử dụng trên chiến trường Việt Nam. Qua nghiên cứu trên 836 trường hợp, GS Tôn Thất Tùng phát hiện ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin tới thế hệ sau trên các phương diện thần kinh học, phôi thai học, di truyền học và bệnh lý thần kinh... Công trình có ảnh hưởng sâu sắc tới quốc tế, buộc Chính phủ Mỹ phải chính thức đặt vấn đề nghiên cứu các tác hại của chất diệt cỏ đối với những cựu binh sĩ Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. GS Arthur H.Westing (Thụy Điển) cho xuất bản cuốn sách “Chất diệt cỏ trong chiến tranh-những hậu quả lâu dài về mặt sinh thái học và đối với cơ thể con người” (1984), có lời đề từ trang trọng: Cuốn sách này xin được tặng vong linh GS Tôn Thất Tùng (1912-1982).
Trong hồi ký “Đường vào khoa học của tôi”, GS Tôn Thất Tùng cho biết bước ngoặt nghiên cứu của mình khi được “đến chữa bệnh cho một lão đồng chí”-Bác Hồ: “Từ cuộc gặp lần đầu tiên đó, tâm hồn tôi đã chuyển biến theo cách mạng Việt Nam, dưới ánh sáng của đôi mắt Bác Hồ”. Thấu hiểu một tài năng trác việt, thấu cảm một tâm hồn yêu nước, yêu nghề, yêu người, Bác Hồ rất quý mến, tin tưởng ông. Một buổi tối tại Việt Bắc, Bác mời Hội đồng Chính phủ họp để trao huân chương cho BS Tôn Thất Tùng. Người nói: “Chú Tùng là một cidevant mà nay được Chính phủ ta tặng huân chương. Chú phải cố gắng hơn nữa!”. “Cidevant”-danh từ mà Cách mạng Pháp năm 1789 dành ca ngợi các nhà quý tộc yêu nước. Bác dùng từ này với nhiều ẩn ý: Một là ca ngợi tài năng, nhân cách của “chú Tùng”; hai là “chú Tùng” từng là “một nhà quý tộc” Pháp, có công với nước Pháp, nay được Chính phủ ta tặng huân chương, có nghĩa là Chính phủ rất biết trọng dụng nhân tài. Còn toát lên một ý khuyến khích “chú Tùng” hãy đúng là “một cidevant” của cách mạng Việt Nam. Sinh thời, GS Tôn Thất Bách, con trai GS Tôn Thất Tùng từng kể: Khi biết tin cha tôi có con trai đầu lòng, Bác đã đặt tên cho tôi là Bách. Bác nói rằng trong tên của cha tôi có bộ mộc, vì vậy tên con trai cũng có bộ mộc... Năm 1953 (khi đó tôi 7 tuổi), Bác gửi cho tôi một vỏ lựu đạn quả na vì lúc đó tôi rất thích đi thiếu sinh quân để được đeo vũ khí”. Tùng, bách trong tiếng Hán chỉ những cây quý. Bác đặt tên với mong muốn người con nối tiếp sự nghiệp, tài năng, nhân cách của người cha.
Trong suốt cuộc đời mình, GS Tôn Thất Tùng đã cống hiến 123 công trình nghiên cứu y học, thực hiện hơn 700 ca cắt gan. “Mổ gan khô” trở thành một trong những phương pháp cắt gan tiên tiến trên thế giới. Ông là người có công lao to lớn trong việc góp phần xây dựng nền y học Việt Nam hiện đại, đào tạo đội ngũ thầy thuốc có y đức, giỏi chuyên môn, mẫu mực, trung thực, say mê khoa học. Quan điểm “học và hành thống nhất” trong giảng dạy và nghiên cứu của GS Tôn Thất Tùng có ảnh hưởng tới y học thế giới.
Thế giới nghiêng mình
Năm 1963, GS Tôn Thất Tùng trình bày phương pháp cắt gan mới trên The Lancet-tạp chí nổi tiếng thế giới về phẫu thuật (đặt ở London, Anh). Chỉ một tháng sau khi công bố, hơn 100 nhà phẫu thuật từ Mỹ, Australia gửi thư sang Hà Nội xin ông tài liệu. Công trình được đưa vào Bách khoa thư Nội thương-Phẫu thuật (Pháp), chọn in trong “Chọn lọc các tài liệu sản khoa và phẫu thuật” (Mỹ)... GS Tôn Thất Tùng được mời tham gia nhiều hội nghị khoa học y học quốc tế, được mời giảng ở nhiều trường đại học y khoa lớn, được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Liên Xô, hội viên Hội quốc gia những nhà phẫu thuật Cộng hòa Dân chủ Đức, hội viên Hội những nhà phẫu thuật Lion (Pháp)... Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng GS Tôn Thất Tùng Huy chương phẫu thuật quốc tế mang tên Lannelongue (1977). Theo GS Hồ Đắc Di: “Trong giới phẫu thuật thế giới, số người được giải thưởng Lannelongue... quá hiếm, hiếm hơn cả số nhà vật lý được Giải thưởng Nobel hay số nhà toán học được Giải thưởng Fields”. GS Daniel Jaeck, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Phẫu thuật châu Âu (ESA) ca ngợi GS Tôn Thất Tùng là “một trong những ông tổ nổi tiếng nhất, tiêu biểu nhất của phẫu thuật hiện đại về gan”.
Ngày GS Tôn Thất Tùng qua đời (7-5-1982) là sự kiện làm giới y học thế giới bàng hoàng. Nhiều chính khách, GS, BS đầu ngành ở các trường đại học y khoa, các bệnh viện lớn trên thế giới thể hiện niềm tiếc thương vô hạn đối với một tài năng lớn. BS Jean-Michel Krivine, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Trung tâm Bệnh viện Émile Roux, Paris (Pháp) khẳng định: “Không ai có thể thay thế GS Tôn Thất Tùng. Không một nhà phẫu thuật nào có tầm cỡ như GS Tôn Thất Tùng trong thế hệ hiện nay. Nhưng GS Tôn Thất Tùng vẫn sống với trường phái do ông sáng lập...”. GS Tôn Thất Tùng là niềm tự hào của khoa học y học Việt Nam và thế giới!
Với những cống hiến đặc biệt xuất sắc cho khoa học, cho đất nước, GS Tôn Thất Tùng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật, cùng nhiều huân chương, huy chương khác... Trở thành một biểu tượng về y đức, y thuật của nền y học Việt Nam hiện đại, các học trò tài năng của GS Tôn Thất Tùng, như: GS Tôn Thất Bách, GS Đặng Hanh Đệ, GS Đỗ Đức Vân, GS Bùi Đức Phú... đã làm vẻ vang thêm sự nghiệp vinh quang của người thầy thuốc vĩ đại. Những ai được vinh dự là học trò của GS Tôn Thất Tùng đều trân trọng, tự hào khắc ghi hình ảnh người thầy tận tụy với bệnh nhân, quan tâm, lo lắng đến cả bữa ăn trực đêm cho sinh viên. Ghi nhớ công ơn người anh hùng, nhà khoa học lớn, nhiều địa phương: Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Tháp. Long An... có đường mang tên Tôn Thất Tùng.
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ