Ký ức không quên

Người phụ nữ dáng người mảnh khảnh, nhanh nhẹn đón chúng tôi với nụ cười hiền, ánh nhìn thân thiện và giọng nói ấm áp. Bà cởi mở chia sẻ về cuộc đời mình và luôn miệng bảo, bà coi những công việc vì cộng đồng của mình là việc bình thường, không có gì to tát, là trách nhiệm của mình với quê hương, khu phố.

Bà Bình cho biết, bố mẹ bà từ Đan Phượng lên khu An Dương sinh cơ lập nghiệp từ những năm 40 của thế kỷ trước. Bà là con út trong nhà, được sinh ra ở đây và gắn bó với mảnh đất này 74 năm qua. 19 tuổi, bà được vào làm việc tại Xí nghiệp đá hoa An Dương. Cô gái trẻ năng nổ, nhiệt tình với các hoạt động phong trào được kết nạp Đoàn ngay sau đó và vào đội tự vệ của Xí nghiệp để bảo vệ Thủ đô. Cơ duyên để bà gắn bó với những hoạt động chữ thập đỏ, hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng bắt nguồn từ những ngày tháng ấy.

leftcenterrightdel

 Bà Phạm Thị Bình. Ảnh: KHÁNH AN

Đó là những ngày tháng không quên của tháng 12-1972 lịch sử, khi Thủ đô chìm trong khói lửa đạn bom. Bà Bình vẫn nhớ, 5 giờ 15 phút ngày 21-12-1972, bà đang ôm đứa cháu 5 tuổi trong nhà thì nghe tiếng kẻng báo động dồn dập. Ngay sau đó, hàng loạt bom đã ném trúng khu phố của bà. Dù bị mảnh đạn sượt qua tay làm bị thương, bà vẫn vùng dậy cõng cháu giao lại cho anh chị ở gần đó rồi ôm súng và túi cứu thương đi cứu người.

Bà sững sờ khi thấy cả khu vực tan hoang bởi bom Mỹ rải thảm. Giữa khói bụi, bà lao đến nơi có người kêu cứu, cứu chữa và băng bó cho họ. Bà choáng váng khi thấy nhiều gia đình bị thương vong. Nhiều người đã mãi mãi không thể trở về, trong đó có cả người yêu-mối tình đầu của bà, đêm ấy, người yêu bà đến chơi và ngủ lại nhà người bạn học trong khu. “Sau này, cứ nghĩ đến những ngày tháng ấy là tim tôi quặn thắt, tiếc thương những người xấu số mới hôm qua còn trò chuyện, lao động cùng mình. Tôi đã may mắn sống sót và cảm thấy cần có trách nhiệm chăm lo cho những hoàn cảnh yếu thế, bất hạnh trong cuộc sống. Và tôi đã bắt đầu làm công tác nhân đạo, chữ thập đỏ (khi ấy là hội hồng thập tự) ngay từ những ngày tháng ở Xí nghiệp đá hoa An Dương. Năm 1993, khi về nghỉ hưu, tôi càng có điều kiện chuyên tâm với những hoạt động vì cộng đồng”, bà Phạm Thị Bình bộc bạch.

Bắt đầu với công tác ở Chi hội Chữ thập đỏ tổ dân cư, rồi thành lập Chi hội tán trợ Tâm-Thanh-Bình của tổ dân phố số 6, tham gia chi hội khuyến học, thành lập nhóm “Phế liệu xanh”, tham gia sơn sửa tường bao, làm đẹp khu phố... ở bất cứ hoạt động nào, bà Bình cũng xông xáo, đi đầu.

Say mê hoạt động vì cộng đồng

Bà Phạm Thị Bình tâm niệm, để làm tốt công tác chữ thập đỏ, phải luôn đi sát cơ sở, nắm rõ những hoàn cảnh yếu thế nhằm kịp thời tương trợ, giúp đỡ. Vì thế, ở khu dân cư, khi có bất cứ ai gặp chuyện không may hay có khó khăn gì là bà lại đến thăm hỏi và tìm cách hỗ trợ. Bà đặc biệt quan tâm đến những đối tượng người khuyết tật, người có công, người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, thiếu may mắn... Những năm qua, bà đã trực tiếp giúp và vận động cộng đồng giúp đỡ, nuôi dưỡng thường xuyên hàng chục trường hợp khó khăn ở khu phố.

Nói rồi bà kể về trường hợp bệnh binh Lê Văn Hảo ở tổ dân phố số 6, khu An Dương. Là bộ đội đặc công tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong một trận đánh, do sức ép của bom đạn, ông Hảo bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, trí nhớ suy giảm và không nghe được nữa. Không còn người thân thích, hằng ngày, ông Hảo kiếm sống bằng việc làm thuê, làm mướn ở chợ. Công việc không ổn định, sức khỏe ngày càng kém nên ông cũng chẳng có việc làm thường xuyên. Trước hoàn cảnh của ông, từ năm 2007, bà đã nhận trực tiếp nuôi dưỡng, hỗ trợ số tiền 1,2 triệu đồng/tháng để bệnh binh Lê Văn Hảo có thêm tiền sinh hoạt, chữa bệnh.

Từ năm 2022, bà Bình lại nhận về nuôi dưỡng tại nhà anh An Quang Anh, 45 tuổi, là người tàn tật, quê ở Hải Dương. Bà kể, Quang Anh có hoàn cảnh rất đáng thương, cha mẹ mất sớm, sau một lần tai biến, chân tay anh bị co quắp, không thể làm việc như người bình thường, hằng tháng anh đều phải lên Hà Nội châm cứu để phục hồi chức năng. Bà Bình biết hoàn cảnh của anh qua người con dâu, cũng chính là em gái của An Quang Anh. Bà cứ nghĩ, từ trước đến nay mình đều làm việc thiện giúp người, vậy sao lại không cứu giúp người có mối quan hệ ruột thịt với con cháu mình? Vậy là bà đón anh về, sắp xếp để anh ở ngay tầng 1 để thuận tiện sinh hoạt và hỗ trợ anh 2 triệu đồng/tháng.

leftcenterrightdel
Bà Phạm Thị Bình (giữa) trong lần đi phát cháo tặng bệnh nhân tại các bệnh viện. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Hằng ngày, nghe thông tin trên đài, báo, rồi thấy những trường hợp trẻ em gặp tai nạn do người nhà bất cẩn hay đuối nước do không biết bơi, bà rất xót xa. Rồi bà đề nghị với các cấp hội cho mình đi đào tạo và cứ đến dịp hè là đảm trách việc hướng dẫn các cháu thiếu niên, nhi đồng ở phường học bơi, biết cách sơ cứu ban đầu, phòng tránh tai nạn, thương tích. Nhiều năm qua, sau mỗi đợt sinh hoạt hè, đội tuyển thiếu niên phường Yên Phụ do bà phụ trách tham gia Hội thi sơ cấp cứu ban đầu trong thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ cấp quận đều đạt thành tích cao, thường xuyên giành giải nhất, nhì...

Là một người tích cực hoạt động ở tổ dân cư, khu phố nên bà Bình biết, có những việc người ta thấy ngay ích lợi thì ủng hộ, nhưng cũng có những việc không phải đã được thuận tình ngay. Ví như khi bà vận động mọi người tham gia vệ sinh đường phố, vẽ tranh tường, xây dựng đội phụ nữ tự quản để làm đẹp cảnh quan môi trường, bà luôn là người đứng lên làm trước. Nhiệt tình trong mọi hoạt động, bà trở thành người có uy tín và luôn nhận được sự tin tưởng của mọi người. Sau này, khi thành lập nhóm “Phế liệu xanh”-một sáng kiến vì môi trường nhằm phân loại rác thải tại gia đình và thu gom phế liệu để gây quỹ cho các hoạt động cộng đồng, bà đều được đông đảo chị em ủng hộ. Rồi mới đây là việc lắp đặt hệ thống đèn LED chiếu sáng tại ngõ 130 và ngõ 242 Nghi Tàm.

Bấy lâu nay, các con ngõ nhỏ chưa được lắp đặt hệ thống chiếu sáng nên khi đêm xuống luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự. Khi bà đề xuất, cũng có ý kiến phản đối vì lo không có kinh phí bảo đảm. Vậy là bà xin phép lãnh đạo, các cấp chính quyền và vận động ủng hộ để mua thiết bị về lắp đặt. Sau đó, bà liên hệ và được cơ quan điện lực ủng hộ, hỗ trợ kinh phí thực hiện. Khi người dân trong tổ biết được việc làm của bà, họ cũng bảo nhau hưởng ứng. Dịp Tết Ất Tỵ 2025 vừa qua, các con ngõ nhỏ đã chan hòa ánh sáng với hệ thống đèn trang trí khiến người dân rất phấn khởi.

Bà Phạm Thị Bình cho biết, ở tuổi 74, bà chưa khi nào hết đam mê và thấy “hết việc” để làm với những hoạt động vì cộng đồng. Mấy năm nay, bà còn đăng ký tham gia Đội tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ quận Tây Hồ để tổ chức các hoạt động trao quà, giúp đỡ những hoàn cảnh thiếu may mắn. Thường xuyên cùng các hội viên Hội Chữ thập đỏ quận đi trao quà tặng người khó khăn, hay phát cháo cho bệnh nhân và người nhà ở các bệnh viện, bà thấy vui bởi được trao tận tay những món quà ý nghĩa đến họ và luôn mong muốn giúp đỡ được thật nhiều người. Ghi nhận những đóng góp cho cộng đồng của bà, UBND TP Hà Nội đã biểu dương và trao tặng bà danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2024.

Nhắc tới bà Phạm Thị Bình, bà Dư Thị Bình, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ tổ dân phố số 6 cho biết: “Có chị Phạm Thị Bình, các hoạt động phong trào của chúng tôi luôn sôi nổi và thu hút được đông đảo người dân tham gia. Là người gương mẫu, trách nhiệm và giàu lòng nhân ái, chị là tấm gương sáng ở tổ dân cư của chúng tôi!”.

THỦY TIÊN