Năm 1978, ông Lã Văn Nho là Trung đội trưởng Trung đội trinh sát thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 271. Ông kể: “Chiều 31-12-1978, sau nhiều ngày ta đánh trả quyết liệt vào trận địa phòng ngự của quân Pol Pot ở khu vực biên giới Lò Gò (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), địch bỏ chạy tán loạn. Ngay trong đêm đó, các đơn vị của Sư đoàn thừa thắng tiến công địch. Đến chiều 1-1-1979, Sư đoàn tới tỉnh Kampong Cham, người dân địa phương được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, hồ hởi chào đón Quân tình nguyện Việt Nam”.
Chế độ Khmer Đỏ sụp đổ vào ngày 7-1-1979, tàn quân Pol Pot vẫn ngoan cố chống trả lực lượng cách mạng Campuchia và Quân tình nguyện Việt Nam. Lã Văn Nho cùng đồng đội tiếp tục truy quét địch. Trên đường làm nhiệm vụ, ông thường gặp cảnh hàng đoàn người dân Campuchia dìu dắt nhau về quê, nhiều người mệt lả, ngất xỉu do đói, khát. Đơn vị ông phải dừng lại cung cấp lương thực, thuốc men cứu dân rồi tiếp tục truy quét địch.
|
|
Đồng chí Lã Văn Nho hồi còn công tác. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Thời gian sau đó, Trung đoàn 271 là đơn vị cơ động của Sư đoàn 302 và Mặt trận 479, đảm nhiệm tác chiến dọc biên giới Campuchia - Thái Lan. “Từ năm 1981 đến 1987, đơn vị chúng tôi đứng chân ở huyện Varin, một huyện vùng sâu của tỉnh Siem Reap. Chúng tôi giúp bạn xây dựng chính quyền, hệ thống chính trị, xây dựng, huấn luyện dân quân tại các phum, khum (thôn, xã) và tuyên truyền, vận động các gia đình có chồng, con theo địch trở về. Chúng tôi tham gia giúp nhân dân địa phương khắc phục hậu quả chiến tranh, sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống. Khi ấy, đơn vị tôi đóng quân trong khuôn viên nhà chị Sa Nuôn tại khum Varin, huyện Varin. Chị và bà con trong khum thường xuyên nấu cơm, mang thức ăn chia sẻ với bộ đội. Mùa nào thức nấy, họ mời chúng tôi dừa, xoài, có khi là con cá, nắm rau, người dân cũng lặn lội đường xa mang tới. Trước những tình cảm của nhân dân Campuchia, chúng tôi rất xúc động.
Hồi đó, y tế nước bạn chưa phát triển, người dân vẫn còn nhiều hủ tục. Quân tình nguyện và chuyên gia y tế Việt Nam đã phối hợp tổ chức khám, chữa bệnh cho nhân dân, phòng, chống dịch bệnh đang hoành hành trên đất nước bạn. Tôi nhớ một đêm đông tháng 12-1986, vợ anh Chay ở khum Varin bị vỡ ối từ tối nhưng gia đình giữ tại nhà, không đưa đi trạm xá. Sau khi được bộ đội vận động, đến 22 giờ cùng ngày, anh Chay vượt quãng đường 11km đưa vợ tới trạm xá Trung đoàn để cấp cứu. Nhận thấy tình hình khẩn cấp, tôi huy động các chiến sĩ đứng soi đèn pin để cán bộ quân y mổ gấp trong đêm, nhưng không cứu được người con”, ông Nho nhớ lại.
Năm 1987, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trên đất nước chùa tháp, ông về nước và được cử đi học tại Học viện Lục quân, tiếp tục đảm nhiệm nhiều vị trí công tác đến khi nghỉ hưu năm 2008. Năm 1995, Đại tá Lã Văn Nho tham gia Ban liên lạc cựu chiến binh Mặt trận 479 (nay là Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia cựu Quân tình nguyện Mặt trận 479).
Ông đã trực tiếp chỉ đạo nhiều hoạt động ý nghĩa như: Giao lưu giữa quân đội và du học sinh Campuchia tại Việt Nam, tổ chức các đoàn thăm lại chiến trường xưa, tìm thông tin liệt sĩ, phối hợp với Ban liên lạc cựu chiến binh Mặt trận 479 phía Nam và các cơ quan chức năng di chuyển gần 100 hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang quê nhà. Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia cựu Quân tình nguyện Mặt trận 479 đã tích cực hưởng ứng Phong trào “Ươm mầm hữu nghị” do Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia phát động, nhận nuôi 18 du học sinh Campuchia đang học tập và sinh sống tại Việt Nam. Riêng gia đình ông Nho nhận đỡ đầu 4 sinh viên Campuchia đang theo học tại Việt Nam. “Tôi đã hai lần thăm lại đất nước Campuchia. Tôi cảm nhận rõ sự hồi sinh và phát triển của đất nước chùa tháp. Mỗi khi đoàn Việt Nam đến thăm, nhân dân Campuchia đều dành cho chúng tôi những tình cảm rất đặc biệt...”, ông Nho cho biết.
PHƯƠNG NINH