Ông Nguyễn Văn Bồi, 87 tuổi, hiện sinh sống tại thôn Thọ Khương, xã Tam Hiệp, là một trong những học sinh được đưa ra miền Bắc sớm nhất của huyện Núi Thành. Cha của ông là Nguyễn Văn Tắc, Bí thư chi bộ, mẹ của ông là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Sa. Ông nhớ lại, khi Hiệp định Geneva được ký kết, cả gia đình ông tập kết ra Bắc. Nguyễn Văn Bồi và người em ruột được tổ chức đưa đi vào tháng 8-1954, lúc đó ông 16 tuổi. Đến năm 1955, cha và người anh ruột của ông mới ra Bắc. Ông được học tại Trường học sinh miền Nam số 10 ở Thường Tín, Hà Đông (nay là Hà Nội), sau đó chuyển xuống Hải Phòng học Trường học sinh miền Nam số 11. Học xong phổ thông, ông vào học Trường Cao đẳng Đường sắt, rồi Trường Đại học Giao thông vận tải. Nguyễn Văn Bồi được kết nạp Đảng khi học đại học. Ra trường, ông làm cán bộ ngành đường sắt Việt Nam.

Sau ngày chiến thắng 30-4-1975, ông chuyển về thành phố Đà Nẵng tiếp tục công tác trong ngành đường sắt, đến năm 2000 thì nghỉ hưu. Năm 2020, ông rời thành phố Đà Nẵng về quê nhà Thọ Khương sinh sống. Ông bồi hồi nhớ lại: “Tôi ra miền Bắc được bà con đón tiếp nồng hậu. Tuy lúc bấy giờ đời sống kinh tế của miền Bắc còn rất khó khăn nhưng bà con đã dành cho học sinh miền Nam những gì tốt đẹp nhất. Chúng tôi chỉ biết cố gắng học và công tác để không phụ lòng Đảng và nhân dân, để cha mẹ, người thân trong Nam yên lòng. Ngày non sông thống nhất, hòa trong niềm vui chung của dân tộc, cán bộ, học sinh miền Nam chúng tôi còn có thêm niềm vui nữa là được trở về quê hương, gặp lại người thân sau bao nhiêu năm xa cách, thương nhớ, đợi chờ. Nhưng cũng có một số cán bộ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc do đặc thù công tác và hoàn cảnh phải tiếp tục ở lại, xem miền Bắc như quê hương thứ hai của mình. Nhiều người trong số họ đã thành đạt, trở thành nghệ sĩ, nhà văn, thầy giáo... đóng góp công sức cho công cuộc xây dựng nước nhà. Phải nói rằng, không có đồng bào miền Bắc đùm bọc, hy sinh, tận tình nuôi dưỡng thì sẽ không có những thế hệ học sinh miền Nam thành tài như ngày nay”.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Văn Bồi kể lại những ngày học tập ở miền Bắc. Ảnh: VĂN LÊ 

Ông Nguyễn Kim Thịnh, sinh năm 1964, hiện là công chức Kho bạc huyện Núi Thành, hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam, nguyên là học sinh miền Nam ra Bắc học tập cho hay: “Năm 1974, tôi được đưa ra miền Bắc để học tập. Chúng tôi đã đi bộ hơn ba tháng vượt Trường Sơn để ra Bắc. Trong những năm tháng ấy, nhờ có đồng bào miền Bắc thương yêu, đùm bọc, nuôi nấng nên tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ cha, chăm lo học tập, chờ ngày chiến thắng trở về miền Nam. Ngày 30-4-1975, được tin miền Nam giải phóng, chúng tôi vui mà mắt lệ dâng trào. Vậy là ngày trở về với quê hương yêu dấu đã đến!”.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975, dòng sông Bến Hải không còn là giới tuyến chia cắt hai miền, đôi bờ Nam-Bắc được nối liền, non sông từ Bắc vô Nam liền một dải. Những người con của quê hương Núi Thành tập kết ra Bắc nô nức trở về quê nhà, sau hơn 20 năm xa cách, tiếp tục chung sức đồng lòng với đồng bào thi đua xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như ước nguyện của Bác Hồ kính yêu.

LÊ VĂN HUÂN