Trong ngôi nhà rộng hơn 60m2 được Ban liên lạc cựu chiến binh Đoàn tàu Không số hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh xây tặng, vợ chồng ông Lê Văn Hòa-bà Nguyễn Thị Liên hằng ngày sum vầy bên các cháu nội Đại, Đoàn, Kết. Ngôi nhà cũng là nơi để con cháu ở xa đi về; nơi neo đậu những ký ức hào hùng về Đoàn tàu Không số; nơi minh chứng cho tình  đồng chí, đồng đội thủy chung, cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

Ông Hòa kể: “Tôi đi biển từ nhỏ nên sớm “cứng sóng” và thành thạo công việc của một thủy thủ trên tàu. Năm 1968, tôi nhập ngũ và vinh dự được chọn tham gia Đoàn 125. Từ đó, tôi và đồng đội đã có hàng chục chuyến tàu chở trang bị, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam qua Đường Hồ Chí Minh trên biển lịch sử. Trong đó, chuyến tàu vào khoảng tháng 4-1970 là kỷ niệm mà tôi nhớ nhất. Chuyện là, sau 20 ngày vừa đi vừa tránh sự lùng sục, tuần tra gắt gao của địch, tàu chúng tôi vào vị trí tập kết ở Cà Mau. Lúc đó khoảng 17 giờ nhưng không bắt được liên lạc với bên nhận hàng nên tàu phải quay ra. Khi bắt được liên lạc, quay vào thì tàu bị mắc cạn. Lúc này, tàu khu trục, máy bay của địch tuần tra, bắn pháo sáng, tình thế rất nguy hiểm. Nhưng bằng lòng dũng cảm, sự mưu trí tuyệt vời, thuyền ba lá của quân dân miền Nam vây quanh tàu không số của chúng tôi, ngụy trang như một rừng đước làm cho kẻ địch không phát hiện ra”.

leftcenterrightdel
 Vợ chồng ông Lê Văn Hòa khi còn trẻ. Ảnh chụp lại

Ngồi cạnh chồng, bà Nguyễn Thị Liên nói: “Ông kể cho chú nghe chuyện đám cưới của vợ chồng mình đi!”. Ông Hòa cười, rồi kể với chúng tôi: “Sau nhiều năm làm nhiệm vụ trên biển, tháng 2-1974, tôi được đi phép và gia đình đã giới thiệu cho cô công nhân quốc phòng Nguyễn Thị Liên cùng quê xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà để làm quen, tìm hiểu. Trước khi trở lại đơn vị, tôi và Liên nhờ các tổ chức đoàn thể làm đám cưới. Cưới buổi trưa thì buổi chiều tôi mang ba lô trở lại đơn vị, để lại người vợ trẻ ngay trong ngày đầu về nhà chồng”. Bà Liên tiếp chuyện: “Bạn bè tôi cũng có người nói, sao lại cưới người làm nhiệm vụ ở Đoàn tàu Không số. Mỗi lần thực hiện nhiệm vụ là một lần cảm tử, các anh ấy gần như có đi mà không có về. Nhưng tôi không hề lung lay quyết tâm. Lấy ông ấy, ngoài tình yêu đôi lứa còn là tình yêu đất nước, vì miền Nam ruột thịt, là nhiệm vụ và trách nhiệm với bộ đội ở tiền tuyến”.

Tình yêu đó đã giúp ông bà gồng gánh nuôi 7 người con, trong đó có 3 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin (1 người đã mất, 1 người không lập gia đình, 1 người cưới vợ nhưng sinh con bị dị tật và mất). Các cháu Đại, Đoàn, Kết là con của anh Lê Văn Hiệu (con trai thứ ba của ông bà) và hiện sống cùng với vợ chồng ông. Nhìn các cháu chơi đùa, ông Hòa rưng rưng nói: “Nhìn bề ngoài các cháu phát triển bình thường vậy nhưng tâm lý và trí não không được như các bạn cùng trang lứa, học trước quên sau, có nhiều lúc không nhớ gì cả. Chiến tranh qua lâu rồi nhưng gia đình tôi và hàng triệu gia đình khác không may còn bị “bóng ma” chiến tranh đè nặng. Tuy nhiên, nhờ có sự quan tâm hỗ trợ, chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chia sẻ, đùm bọc của đồng chí, đồng đội, bà con lối xóm mà gia đình tôi vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống”.

leftcenterrightdel

Vợ chồng ông Lê Văn Hòa ôn lại kỷ niệm thời trẻ. Ảnh: LOAN SƠN 

Ngôi nhà của vợ chồng ông Hòa được xây trên mảnh đất đẹp ngay tại trung tâm thị trấn Lộc Hà do chính quyền địa phương cấp. Mỗi viên gạch xây lên đều từ sự hỗ trợ của Ban liên lạc cựu chiến binh Đoàn tàu Không số hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên, hội phụ nữ các cấp. “Ngày trước, sức mạnh đại đoàn kết giúp chúng ta đánh thắng quân xâm lược, thống nhất đất nước thì nay giúp làm lành những vết thương, những nỗi đau chiến tranh”, ông Hòa khẳng định.

NGUYỄN ANH SƠN