Năm 1967, sau khi được đào tạo nghề thợ tiện, chàng thanh niên Dương Thế Việt chuyển vào làm việc tại xưởng máy tiện, Nhà máy V125 (nay là Nhà máy Z125, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng). Tĩnh vào nhà máy sau Việt một năm, khi ấy cô mới 19 tuổi.
Tĩnh được sắp xếp vào làm chung tổ, chung xưởng máy tiện với Việt. Khi mới vào làm, cô chưa quen với những việc yêu cầu kỹ thuật cao, tay chân còn lóng ngóng. Vốn là người nhiệt tình, tốt bụng, Việt hướng dẫn cô từng chi tiết trên bản vẽ, sau đó dạy các kỹ thuật mài, cắt, tiện. Thời điểm ấy, Nhà máy tăng cường sửa chữa, khắc phục nhiều trường hợp súng, pháo bắn thiếu chính xác hay hỏng hóc đòi hỏi công nhân quân giới phải có tay nghề cao. Vì vậy, ngoài giờ làm việc, Việt lại giúp Tĩnh tìm hiểu thêm các kiến thức, kỹ năng phục vụ công việc.
    |
 |
Vợ chồng ông Dương Thế Việt và bà Bùi Thị Tĩnh. Ảnh: TRẦN QUÝ
|
Ông Việt kể rằng, thấy hai người đẹp đôi lại hay đi cùng nhau, đồng nghiệp cũng bắt đầu gán ghép họ. Ban đầu hai người còn ngại ngùng, e thẹn, đi làm cùng xưởng không dám nhìn nhau, có lần vô tình chạm ánh mắt rồi phải vội vã bước đi ngay. Ấy vậy mà “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, tình cảm nam nữ giữa hai người nhen nhóm từ lúc nào không hay.
Biết được chuyện tình cảm của đôi trẻ, cán bộ Nhà máy ủng hộ, động viên họ tiến đến hôn nhân. Ông Việt nhớ lại: “Chúng tôi cùng chung lý tưởng, cùng cảnh xa quê, tôi ở Ninh Bình, bà ấy ở Hà Tĩnh, cứ vậy nương tựa, đùm bọc lẫn nhau. Tôi mến bà ấy lắm nhưng chưa có cơ hội để thổ lộ, may mà được mọi người trong xưởng và cán bộ Nhà máy động viên, tôi mới dám ngỏ ý: “Lấy anh rồi sinh con đẻ cái, lập nghiệp ở đây nhé? Chúng mình không về quê nữa!”. “Tôi khẽ gật đầu, vừa buồn cười vừa thương anh, bởi biết tính anh ấy vốn thật thà, tốt bụng, chỉ dám hỏi cưới tôi vậy thôi”, bà Tĩnh cười tươi, tiếp lời.
Tháng 8-1970, đám cưới đơn giản của đôi uyên ương Dương Thế Việt-Bùi Thị Tĩnh được chỉ huy đơn vị tổ chức ngay tại xưởng máy tiện của Nhà máy V125. Lễ cưới chỉ có vỏn vẹn vài cây thuốc lá, vài ba gói trà nhưng đầm ấm bên những tràng pháo tay của đồng chí, đồng đội trong đơn vị. Đặc biệt, có sự chứng kiến, những lời chúc phúc của bố mẹ, họ hàng hai bên gia đình ở quê lên.
Đám cưới xong, hai người lại tiếp tục công việc tại xưởng, còn về phía đơn vị, cán bộ Nhà máy cử người đi chặt tre, nứa, mang về xây “tổ ấm” làm quà cưới tặng vợ chồng trẻ. Chỉ một năm sau, cuối năm 1971, “tổ ấm” của ông bà đón thêm niềm vui mới, đó là cô con gái đầu lòng Dương Thị Tuyết Dung.
Có con, bà Tĩnh vừa mừng vừa lo. Vui vì con đã đến với vợ chồng nhưng lo vì chẳng biết phải gửi con cho ai nếu vợ chồng làm cùng ca khi gia đình nội, ngoại đều ở xa, bạn bè thì đều làm ở Nhà máy. Sau nhiều lần bàn bạc, vợ chồng bà xin chỉ huy Nhà máy tạo điều kiện cho ông đi làm chuyên ca đêm, bà thì chuyên làm ca ngày để thay nhau chăm sóc con.
Có lần, chồng đi làm ca đêm ở xưởng không có nhà, nghe thấy tiếng máy bay Mỹ oanh tạc trên bầu trời, bà chỉ kịp ôm con chạy xuống hầm sau nhà mà ông đã đào sẵn. Nhưng xuống đến hầm thì thấy nước ngập quá đầu gối, bà lại đành ôm con chạy sang hầm nhà hàng xóm trú nhờ. Nhiều đêm liên tục như vậy, con ốm, quấy khóc, chẳng thể đi làm, hai người đành xin đơn vị nghỉ phép đưa con về quê nội ở Ninh Bình nhờ ông bà chăm sóc.
Năm 1973, ông bà có với nhau thêm một người con gái là Dương Thị Thái Hòa. Ông Việt cho biết, cái tên của con gái do ông nghĩ ra khi đang sản xuất súng, thuốc nổ tại xưởng. Ông Việt giải thích thêm: “Bởi tôi tin chắc rằng những người chiến sĩ trên tiền tuyến sẽ làm nên lịch sử, tôi cảm nhận được hòa bình nên đã đặt tên con là Thái Hòa”. Giờ đây, hai người con gái của ông bà lại nối nghiệp cha mẹ, họ đều là quân nhân phục vụ trong Nhà máy Z125.
Trong căn nhà nhỏ, vợ chồng cựu chiến binh Dương Thế Việt và Bùi Thị Tĩnh vẫn hạnh phúc, vui vẻ như thuở nào. Ở tuổi xế chiều, ông Việt vẫn luôn dành tình yêu thương cho người vợ của mình. Họ cùng nhau nấu cơm, tập thể dục... hằng ngày. “Chia sẻ, thấu hiểu, tôn trọng và yêu thương” là bí quyết giữ gìn cuộc hôn nhân hạnh phúc 55 năm của ông bà.
NINH NHI