Lê Hoàng Anh sinh năm 1932, nguyên quán ở Bình Hòa, Gò Vấp, Gia Định (nay là quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Ông tập kết ra Bắc, học trung cấp mỹ thuật khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957), sau đó được cử đi học tại Học viện mỹ thuật quốc gia Moscow mang tên Surikov (Liên Xô). Về nước, Lê Hoàng Anh được bổ sung về Phòng Hội họa giải phóng miền Nam trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Lê Hoàng Anh hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Trên con đường làng đất đỏ, vây quanh bởi những khóm chuối, rặng dừa, cuộc gặp gỡ giữa những chiến sĩ Quân giải phóng và những người mẹ, những nữ du kích Nam Bộ diễn ra sum vầy, thấm đẫm tình thân. Nhóm chính gồm 4 nhân vật, trong đó tập trung hình ảnh bà má miền Nam đang vỗ vai động viên một chiến sĩ trẻ. Đôi tay má ghì chặt đôi vai dạn dày sương gió của đứa con chinh chiến dặm trường. Bút pháp hoạt mà chắc chắn, dù thể hiện má quay lưng lại nhưng Lê Hoàng Anh đã truyền tải tới người xem cảm xúc vừa vui mừng vừa xúc động, là sự kỳ vọng, là giây phút lặng đi của người mẹ nhớ đứa con xa, là nỗi niềm chung của bao bà má miền Nam trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Anh lính trẻ tuổi nở nụ cười rạng rỡ. Chiếc áo xanh pha màu nắng sáng bừng lên. Chiếc mũ cắm đầy lá ngụy trang cũng rung rinh sắc nắng. Lê Hoàng Anh lúc này chính là “người trong cuộc”, sau bao năm xa cách, ta như tưởng được niềm vui, niềm hân hoan của ông khi được “trở về nhà”, trong vòng tay má.

leftcenterrightdel

Bức tranh "Tình quân dân" của họa sĩ Lê Hoàng Anh.

Đứng ngay bên trái, cạnh hai má con chiến sĩ là một cô du kích trẻ. Cô mặc trang phục bà ba màu đen, đầu quấn khăn rằn, vai khoác súng, quần xắn dưới đầu gối để lộ hai bụng chân thon, chắc khỏe, tay phải giữ chắc khẩu súng, tay trái của cô đưa lên cầm bông sen hồng. Đó có lẽ là món quà cô tự thưởng cho mình sau khi vượt bưng biền đưa Quân giải phóng về vùng an toàn. Gương mặt tròn đầy, nước da bánh mật, cô gái xinh đẹp, khỏe khoắn là hiện thân của những nữ du kích miền Nam gan dạ, tháo vát, giỏi giang. Một thiếu nữ thanh tân xuất hiện bên phải hai má con làm không khí cuộc gặp thêm tươi sáng, rộn ràng. Cô mặc áo trắng, đội nón, tay cắp rổ trái cây nhiều màu sắc, tham gia vào cuộc gặp gỡ bằng nụ cười tươi, ánh mắt ngưỡng mộ dành cho những người chị làm du kích. Tiền cảnh có một chị gái đang chặt những trái dừa non, lấy nước cho chiến sĩ uống. Bên trái, một chiến sĩ Quân giải phóng đang ngồi bên vệ đường tận hưởng vị ngọt mát của trái dừa tươi. Cạnh chàng trai là một cô du kích trẻ đang cúi người, duyên dáng hạ ống quần xuống. Có vẻ như cô cũng vừa cùng đồng đội của mình vượt bưng biền dẫn đường cho bộ đội giải phóng. Cái nắng nóng khắc nghiệt của mùa khô Nam Bộ được xoa dịu bởi tình cảm thân thương, trìu mến của đồng bào ruột thịt. Phía xa, một đoàn bộ đội vẫn đang hối hả, mải miết hành quân.

Lê Hoàng Anh nắm bắt trạng thái tinh thần của mỗi nhân vật bằng một bút pháp linh hoạt, phóng khoáng. Những vệt bút đầy đặn, tự tin và giàu tình cảm. Bên cạnh những mảng màu đen đậm, chắc, họa sĩ đã sử dụng hiệu quả những màu tương phản, bổ túc, tạo nên sự linh động cho tác phẩm. Nền đất đỏ tươi chia tách không gian, làm tăng “kịch tính” của sự kiện. Màu xanh áo lính hòa với màu xanh của trời, cây cỏ, tan ra trong đủ các sắc xanh. Bên cạnh các anh Giải phóng quân can trường, gan dạ, một điểm đáng lưu ý là hình ảnh những nữ du kích, nữ Giải phóng quân luôn được họa sĩ Lê Hoàng Anh ưa thích thể hiện. Những người phụ nữ trong tranh của ông mang vẻ đẹp khỏe khoắn, kiên trung mà vẫn nền nã, dịu dàng, kín đáo nét duyên thầm.

“Tình quân dân” là câu chuyện về cuộc sống, chiến đấu của đồng bào và các chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam. Để lại sau lưng chiến tranh ác liệt, Lê Hoàng Anh dẫn dắt người xem trở về với ngọn nguồn cảm xúc là tình nghĩa đồng bào, tình yêu quê hương, đất nước. Chiến thắng vẻ vang của dân tộc không chỉ nằm ở tinh thần, nhuệ khí của Quân đội mà còn ở tinh thần chiến đấu và sự yêu thương, tiếp sức không giới hạn của nhân dân.

VIỆT HÀ