Cựu chiến binh Nguyễn Văn Vấn sinh năm 1938 tại vùng quê nghèo ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Đời sống khó khăn, năm 1947, gia đình ông phải rời quê hương vào Thanh Hóa kiếm kế sinh nhai. Năm 1952, mới 14 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Vấn đã sớm nuôi chí lớn, tự nguyện viết đơn tham gia lực lượng thanh niên xung phong.
Năm 1954, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức bắt đầu, ông được điều về Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Tại đây, ông nhận nhiệm vụ đào hào phục vụ chiến dịch. Để hoàn thành được những đoạn hào chiến đấu, người lính đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của mình. Hầu như ngày nào cũng có đồng đội ngã xuống giữa chiến trường khốc liệt. Ông xúc động kể: “Những ngày đầu, mỗi đại đội được phát khoảng 100 cái cuốc, xẻng. Nhưng chỉ sau vài ngày, quân số đã hao hụt đáng kể. Sau một thời gian, lại mất thêm vài chục đồng đội. Cuốc, xẻng vẫn còn đó nhưng người thì cứ thưa dần...”. Kể đến đây, giọng ông nghẹn lại, ánh mắt ông lặng đi và đôi tay run rẩy phải lau vội những giọt nước mắt để tiếp tục câu chuyện.
Không chỉ có sự hy sinh của những người lính trực tiếp chiến đấu, ông Vấn còn nhắc đến các “anh nuôi”-những người thầm lặng góp phần không nhỏ vào chiến thắng. Họ đảm nhận nhiệm vụ nấu cơm, đun nước ngay sát chiến trường, bất chấp hiểm nguy từ bom rơi đạn lạc. Sau khi chuẩn bị xong, họ gánh cơm, nước men theo những chiến hào ngang dọc để kịp thời đưa đến cho đồng đội. Trên con đường ấy, nhiều người đã anh dũng hy sinh, để lại những câu chuyện cảm động về lòng quả cảm và tinh thần hy sinh cao cả.
    |
 |
Ông Nguyễn Văn Vấn. Ảnh: HOÀI PHẠM
|
Kể đến đây, ông đưa tay lên sườn, nơi có vết sẹo-dấu tích một lần bị thương trong khi đang thực hiện nhiệm vụ. Chuyện là, vào đợt 2 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Vấn cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ đào hào trên đồi. Bất ngờ, ông nghe thấy một tiếng nổ lớn vang lên gần đó. Chỉ vài giây sau, một mảnh đạn từ vụ nổ văng vào mạn sườn của ông. Cơn đau dữ dội ập đến, máu bắt đầu tuôn ra, ông gục xuống. Đồng đội lập tức chạy đến sơ cứu và nhanh chóng đưa ông đến trạm quân y gần nhất. Nhờ sự ứng cứu kịp thời, ông đã được cứu sống trong gang tấc. Sau thời gian điều trị, ông trở về đơn vị, tiếp tục cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ, phục vụ chiến dịch đến ngày thắng lợi.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Vấn tiếp tục công tác ở Trung đoàn 165 cho đến năm 1962 rồi chuyển ngành về công tác tại công ty xây dựng. Ông Vấn được đồng nghiệp đánh giá là cán bộ có chuyên môn tốt, gương mẫu trong các hoạt động của công ty. Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, năm 1972, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Nhà máy Nước Thái Nguyên. Năm 1997, ông về nghỉ hưu tại địa phương nhưng tinh thần cống hiến trong ông vẫn luôn cháy bỏng. Ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: Hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh... tiếp tục đóng góp cho cộng đồng.
THU HOÀI