Ghi dấu chiến công
Ngày 29-7-2014, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Quân chủng Hải quân khởi công xây dựng Đài Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964 tại cửa biển Lạch Trường, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đây là công trình ghi dấu chiến công đánh thắng trận đầu chống Mỹ đánh phá miền Bắc nước ta của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân, dân tỉnh Thanh Hóa.
Đài Chiến thắng trận đầu được xây dựng trong khuôn viên rộng 1.630m2. Công trình gồm tượng đài cao 16,71m và một số hạng mục phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư là 4,324 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của tỉnh Thanh Hóa và hỗ trợ của Quân chủng Hải quân. Sau hơn một năm xây dựng, công trình được khánh thành ngày 19-12-2015, dịp kỷ niệm 71 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 26 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Gần 10 năm sau khi khánh thành phục vụ nhân dân tham quan và học tập, giáo dục truyền thống, chúng tôi có dịp trở lại Lạch Trường, tham quan Đài Chiến thắng trận đầu. Đường về Lạch Trường hôm nay rộng thoáng, hai bên là những dãy nhà khang trang, có nhiều nhà cao tầng hiện đại. Năm 2019, xã Hoằng Trường đón bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để chuẩn bị cho Kỷ niệm 60 năm Bộ đội Hải quân và quân, dân miền Bắc đánh thắng trận đầu, các cơ quan chức năng đang tiến hành tu sửa Đài Chiến thắng trận đầu bảo đảm khang trang và đẹp hơn.
Gặp Trung tá QNCN Lê Hải Tuyến, nhân viên Trạm Radar 510 (Trung đoàn 151, Vùng 1 Hải quân) đang làm nhiệm vụ quản lý công trình sửa chữa, tu bổ Đài Chiến thắng trận đầu ở Lạch Trường, anh cho biết: “Tại cửa Lạch Trường này, ngày 5-8-1964, Bộ đội Hải quân và lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã chiến đấu dũng cảm, bắn rơi máy bay Mỹ, góp phần làm nên chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Song chúng ta cũng gặp nhiều tổn thất, 54 cán bộ, chiến sĩ hải quân hy sinh; nhiều người bị thương. Để ghi nhớ chiến công và tri ân các anh hùng liệt sĩ, thế hệ đi trước, chúng tôi đã nỗ lực tu bổ, chỉnh trang công trình đúng tiến độ. Đối với nhiệm vụ canh gác, quan sát, phát hiện mục tiêu, bảo vệ an toàn vùng biển được giao, cán bộ, nhân viên Trạm Radar 510 đều hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
|
|
Đài Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964 tại Lạch Trường. Ảnh: XUÂN HƯƠNG
|
Tìm hiểu ở cơ quan chính sách Quân chủng Hải quân, chúng tôi được biết Bộ tư lệnh Quân chủng và các cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tổ chức nhiều hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa, giáo dục truyền thống nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu. “Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức lễ tưởng niệm, thả hoa tại vùng biển Cửa Lục (Quảng Ninh); dâng hoa, dâng hương tưởng niệm tại các đài chiến thắng ở Lạch Trường (Thanh Hóa), Ba Đồn (Quảng Bình); xây dựng và sửa chữa 45 nhà tình nghĩa với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng... Các cơ quan, đơn vị tổ chức phụng dưỡng, thăm hỏi, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ, người có công, trong đó đến thăm hỏi, tặng quà, tri ân cán bộ, dân quân-những người dân đã giúp đỡ, hiến máu, cứu chữa thương binh, mai táng liệt sĩ là Bộ đội Hải quân ngày 5-8-1964”, Thượng tá Phạm Văn Vính, Trợ lý Phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân chủng Hải quân thông tin.
Mẹ chờ các con về
Lần theo danh sách các nhân chứng đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm công tác thương binh, tử sĩ, giúp Bộ đội Hải quân ở Lạch Trường, chúng tôi đến Ban CHQS huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) để liên hệ, tìm đến tận gia đình để hỏi chuyện. Trung tá Đinh Sơn Hà, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm Chính trị Ban CHQS huyện Hoằng Hóa cho biết: “Qua khảo sát, xác minh, trên địa bàn hiện còn có các mẹ: Trương Thị Lợi, Lê Thị Thoa, Lê Thị Tiện đều ở thôn Liên Minh, xã Hoằng Trường còn minh mẫn. Các mẹ là những nữ dân quân, thanh niên hồi ấy tham gia phục vụ chiến đấu, giúp cán bộ, chiến sĩ hải quân cứu chữa, vận chuyển thương binh, khâm liệm tử sĩ và vệ sinh tàu thuyền... trong trận chiến đấu ngày 5-8-1964. Chúng tôi đã nhờ các đồng chí trong Ban CHQS xã đến tận nhà để thăm hỏi tình hình sức khỏe của các mẹ”.
Đến xã Hoằng Trường, đồng chí Lê Phạm Kế, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS xã đón chúng tôi ở trụ sở, rồi dẫn chúng tôi đến nhà mẹ Trương Thị Lợi. Cách nhà mẹ không xa là cửa biển Lạch Trường. Gió biển thổi vào làm dịu đi nắng nóng mùa hè tháng 6. Mẹ “khoe” ngay với chúng tôi: “Mấy hôm trước có các anh Bộ đội Hải quân đến thăm, các anh hỏi chuyện về việc cứu chữa thương binh, giúp đỡ Bộ đội Hải quân. Mẹ kể chuyện tường tận công việc của mẹ và của các anh chị em cán bộ, dân quân xã Hoằng Trường. Đến bây giờ mẹ vẫn nhớ như in, còn như nghe văng vẳng tiếng máy bay gầm rú bên tai nữa...”.
Mẹ Trương Thị Lợi sinh năm 1940, ở thôn Liên Minh từ nhỏ đến bây giờ. Năm 1961, mẹ lấy chồng là ông Lê Văn Diêu, cùng quê và cùng công tác trong phong trào đoàn xã. “Ngày 5-8-1964, tôi là Chủ nhiệm Hợp tác xã Liên Minh, đang chủ trì Đại hội nông dân Hợp tác xã. Khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi nghe tiếng rú rít của máy bay rồi tiếng bom đạn nổ, tiếng súng dữ dội ở cửa biển Lạch Trường. Chúng tôi từ hội trường xã chạy ra nhìn về phía biển thấy hai con tàu đang bốc khói mù mịt. Đồng chí Lê Phạm Giơi, Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính xã đạp xe từ trung tâm xã đến nói to: Máy bay Mỹ đánh phá tàu của ta rồi, có ai biết băng bó vết thương không? Tôi lúc ấy dù chưa biết sơ cứu nhưng tinh thần của đoàn viên, thanh niên liền xung phong ngay. Các chị Lê Thị Thoa, Lê Thị Tiện cùng nhiều anh, chị em khác trong Hợp tác xã cũng xung phong. Thế là tất cả chúng tôi chạy về trạm xá, lấy túi thuốc rồi khẩn trương ra hướng cửa biển Lạch Trường.
|
|
Mẹ Trương Thị Lợi kể chuyện cho thế hệ trẻ. Ảnh: XUÂN GIANG |
Chúng tôi mặc cho máy bay gầm rít trên đầu, đi lên cầu tàu đón các thương binh chuyển từ tàu vào vị trí tập kết để sơ cứu, băng bó, garo... cho thương binh. Tôi băng bó cho các anh, máu vương cả vào người. Có anh thương binh tuy rất đau nhưng vẫn cố nói với chúng tôi: “Chúng ta đã bắn rơi được máy bay Mỹ rồi, chúng đâm sầm xuống biển” rồi anh ấy ngất đi. Sau này tôi mới biết, các thương binh là của tàu T130, T132 đang trú ở Lạch Trường cùng tàu phóng lôi 333, 336 cũng vừa vào trú ở đây sau khi tiến công đánh đuổi tàu khu trục Maddox Mỹ.
Tôi cùng với các nhân viên y tế sơ cứu thương binh ở trên bờ, sau đó đưa lên xe chuyển đến bệnh viện huyện. Ở bệnh viện, nhiều thương binh mất máu nặng, tôi đã tiếp máu cho các anh ấy, đến 9-10 giờ tối mới về đến nhà. Trong nhóm chúng tôi, chị Thoa được phân công xuống các tàu hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh, khắc phục những hư hại trên tàu. Chị Tiện làm nhiệm vụ lau rửa, khâm liệm cho các tử sĩ. Chị Tiện kể với tôi là khi ấy nhìn các anh hy sinh mà trong lòng đau xót, không còn biết sợ hãi. Chị đã khâm liệm 24 tử sĩ để đưa đi truy điệu, mai táng. Từ ấy đến sau này, khi máy bay địch đến đánh phá địa phương hay ở xã có người từ trần, chị Tiện luôn được bà con nhờ khâm liệm với mong muốn người ra đi được thanh thản.
Sau ngày 5-8, tôi phải nghỉ dưỡng mấy ngày do cho máu nhiều và mình cũng bị thương không biết khi nào. Vết thương nhỏ thôi, như là sự sây sát nhẹ. Nhớ lại, tôi thấy mình đã có đóng góp chút sức nhỏ vào chiến thắng trận đầu của quân và dân ta”.
Điên cuồng sau thất bại ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt miền Bắc. Cửa Lạch Trường, xã Hoằng Trường có vị trí gần với cầu Hàm Rồng, là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ. Mẹ Trương Thị Lợi năm 1965 tham gia Ban chỉ huy Xã đội, phụ trách dân quân. Tháng 6-1965, mẹ được kết nạp vào Đảng, càng trở thành động lực để mẹ phấn đấu. Ngày 16-11-1967, mẹ cùng trung đội nữ dân quân xã bắn rơi máy bay Mỹ. Năm 1968, chồng mẹ nhập ngũ, mẹ một nách hai con vẫn nhiệt tình tham gia công tác. “Mẹ phải thi đua với các lão dân quân, trong đó có bố đẻ của mẹ, ông Trương Đình Thái, đã cùng các cụ bắn rơi máy bay Mỹ”, mẹ Lợi kể thêm.
Sau năm 1975, mẹ Trương Thị Lợi được bầu làm Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Hoằng Trường, sau đó mẹ sang làm Chủ nhiệm Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, đến năm 1988 thì Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp giải thể. Từ đó mẹ sống bằng nghề đi biển, không hưởng chế độ gì. Hiện nay, mẹ sống cùng chồng trong căn nhà khá khang trang do các con xây dựng, song ông sức khỏe yếu bởi di chứng tai biến mạch máu não. “Nhà của mẹ rộng, mẹ luôn chờ đón các con về để trò chuyện nhé”, mẹ hẹn như thế khi chia tay chúng tôi.
GIANG ĐỨC HIẾU