Sẵn sàng cho “trận trở về”
Tháng 8-1954, Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) nhận nhiệm vụ vẻ vang nhưng cũng trách nhiệm nặng nề là tiến về tiếp quản Thủ đô. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ (tên thật là Nguyễn Văn Đồi, sau này là Trung tướng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam), một người con Hà Nội, được giao giữ trọng trách Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố.
Ngay khi nhận nhiệm vụ, Đảng ủy Đại đoàn 308 đã triệu tập cuộc họp ra nghị quyết lãnh đạo bộ đội chấp hành chỉ thị của Trung ương về công tác tiếp quản. Qua đó xác định đây cũng là một cuộc chiến đấu mới, đặc biệt là trên mặt trận chính trị tư tưởng. Một mặt phải đề phòng âm mưu tráo trở và mọi hành động phá hoại của kẻ địch, bảo vệ tài sản của Nhà nước cũng như tính mạng, tài sản của nhân dân. Mặt khác, phải mang về Thủ đô không khí phấn khởi, tự hào với chiến thắng của dân tộc, một tinh thần đoàn kết, cách mạng, một phong cách sinh hoạt văn minh, lành mạnh, xua tan không khí của một đô thị đã qua nhiều năm bị địch sử dụng làm trung tâm chống phá cách mạng, một nơi ăn chơi trụy lạc phục vụ quân đội viễn chinh Pháp.
Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên Chuyên viên cao cấp Ban Tổng kết lịch sử chiến tranh Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, phái viên đặc biệt của Bộ Tổng Tư lệnh ngày ấy nhớ lại: “Tôi được lệnh tham gia đoàn cơ quan tham mưu của Bộ cùng với các đội công tác của Chính phủ vào thành phố trước. Nhiệm vụ cụ thể là nghiên cứu các cơ quan, công sở, nhà máy mà ta sẽ tiếp nhận, đồng thời kiểm tra tình hình mọi mặt để đặt ra kế hoạch trở vào tiếp quản luôn giữ vững thế chủ động. Cơ quan hậu cần lo chuẩn bị vật chất, bảo đảm cho hàng vạn con người trong một tháng không phải ra mua ở ngoài phố, ngoài chợ. Cơ quan chính trị soạn thảo các tài liệu, in các điều quy định, các chính sách vùng mới giải phóng của Chính phủ để giáo dục sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ và động viên nhắc nhở bộ đội nghiêm chỉnh chấp hành. Mọi công tác được tiến hành liên tục gần một tháng gồm nhiều nội dung, từ những vấn đề xây dựng quan điểm, lập trường, phẩm chất đạo đức của người quân nhân cách mạng, đến việc hướng dẫn bộ đội những điều cụ thể trong sinh hoạt ở thành phố”.
Với trình độ, kinh nghiệm của một tú tài Trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An) đi theo kháng chiến từ trước ngày Tổng khởi nghĩa, tham gia cuộc chiến đấu 60 ngày đêm khói lửa ở Thủ đô và các chiến dịch quan trọng, lại có nhiều năm làm thư ký bên Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, lão thành cách mạng Nguyễn Bội Giong khẳng định, những bài học trong các trận chiến đấu với kẻ địch bằng xương bằng thịt trước đó vẫn còn nguyên giá trị trong chiến đấu với kẻ địch “tư tưởng vô hình” trong “trận trở về” này.
Công tác chuẩn bị cơ bản hoàn thành đúng kế hoạch. Ngày 2-10-1954, Đội Hành chính trật tự do đồng chí Trần Danh Tuyên dẫn đầu vào Hà Nội ký nhận bàn giao mọi mặt với đại diện Bộ chỉ huy quân đội Pháp. Tiếp đó, một số phân đội của Đại đoàn 308 được lệnh vào trước để cùng canh gác với binh lính Pháp tại các địa điểm trọng yếu. Ngày 8-10, tại thành Hà Nội, quân Pháp làm lễ cuốn cờ. Ngay buổi tối, chúng đã chuyển pháo binh, xe tăng sang Gia Lâm, chỉ còn để lại nội thành hai tiểu đoàn bộ binh và một số xe thiết giáp, xe vận tải.
|
|
Thiếu nữ Hà Nội chào đón Thiếu tướng Vương Thừa Vũ dẫn đầu Đoàn quân Tiên Phong về tiếp quản Thủ đô bên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh tư liệu |
Hà Nội, ngày lịch sử
Trước đó, cả Hà Nội vẫn im ắng, các ngôi nhà cửa đóng then cài thì từ thời khắc này, không khí ngày hội khải hoàn đã bắt đầu diễn ra ở vùng ngoại thành. Bộ đội tấp nập trở về. Người, xe xếp thành đội ngũ, dọc theo các đường lớn đi vào Thủ đô. Trong các làng, các thôn xã thuộc hai huyện Từ Liêm, Thanh Trì, nhà nào nhà nấy sáng đèn đỏ lửa, quân dân hội họp ca hát, trò chuyện thâu đêm. Trong hồi ký của mình, Trung tướng Vương Thừa Vũ viết: “Ngày 9-10-1954, tại Sở chỉ huy Đại đoàn đặt ở Hà Đông, chúng tôi vui sướng, hồi hộp theo dõi từng bước đi của 3 cánh quân tiến về Hà Nội theo kế hoạch đã được chuẩn y. Cánh thứ nhất qua ô Cầu Giấy, đê La Thành, đường Hoàng Hoa Thám vào vườn hoa cạnh Hồ Tây rồi vào tiếp nhận thành Hà Nội, Nhà máy điện, Nhà máy nước, Phủ toàn quyền. Cánh thứ hai theo đường số 6 qua cầu Mới vào đến Ngã Tư Sở, rẽ phải vào tiếp quản sân bay Bạch Mai, Bệnh viện Bạch Mai, khu ga Hà Nội. Cánh thứ ba tiếp nhận các công sở từ khu vực Việt Nam học xá, Đồn Thủy, khu hồ Hoàn Kiếm...”.
Chiều 9-10, khi toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên thì cả Hà Nội bừng lên, tràn ngập cờ hoa. Băng vải các màu căng ngang đường với những khẩu hiệu và cổng chào mọc lên san sát dọc các phố lớn, đèn kết hoa giăng khắp lối. “Vẫn biết Hà Nội hướng về kháng chiến, ngày đêm mong đoàn quân chiến thắng trở về. Vẫn biết trong những ngày này, Hà Nội đang sẵn sàng cờ hoa đón ngày chiến thắng. Nhưng những cái biết trước đó dẫu có mạnh đến đâu cũng không bằng sự thật sinh động đang diễn ra trước mắt chúng tôi. Mới trước đó ít phút, Hà Nội còn là thành phố vắng tanh, cửa từng nhà đóng kín, thì sau đó, cả Hà Nội bừng dậy, hồi sinh, sôi động và náo nhiệt. Đêm hôm ấy, Hà Nội nghiêm chỉnh chấp hành lệnh giới nghiêm của Ủy ban Quân chính thành phố. Nhưng đó cũng là một đêm giới nghiêm đặc biệt, ra ngoài khuôn khổ của từ này. Đường phố sáng rực những dãy đèn kết hoa, cờ bay phấp phới. Nhân dân không ai ra khỏi nhà nhưng nhà nào cũng mở cửa đến khuya, nhiều nhà chong đèn đến sáng. Ai cũng muốn thức để hưởng không khí thanh bình, êm ả của đêm giải phóng”-Đại tá Nguyễn Bội Giong bồi hồi.
|
|
Toàn cảnh Lễ chào cờ mừng Hà Nội giải phóng ngày 10-10-1954. Ảnh tư liệu |
Ngày 10-10-1954 thực sự là một ngày lịch sử. 5 giờ sáng hết giờ giới nghiêm, cả Hà Nội nhộn nhịp, vừa có không khí thiêng liêng của ngày Tết, vừa tưng bừng, rạo rực của ngày hội lớn: Hội chiến thắng. Thủ đô hoàn toàn giải phóng. Hôm qua Hà Nội rợp bóng cờ. Hôm nay Hà Nội là rừng cờ và hoa. Nhân dân quần áo chỉnh tề, cờ hoa rực rỡ, từng đoàn, từng đoàn đứng đông nghịt trên các hè phố, các con đường được báo trước là có bộ đội sẽ đi qua. Trên xe chỉ huy, phái viên Nguyễn Bội Giong ngồi phía sau bên phải đồng chí Vương Thừa Vũ, như một thư ký bảo vệ. Đại đoàn 308 tiến vào Hà Nội theo 3 hướng, tất cả gặp nhau ở Hồ Gươm. Dẫn đầu là Trung đoàn Thủ Đô, tiếp theo là Trung đoàn 36, Trung đoàn 88. Từng đoàn thiếu nữ ôm hoa đổ ra đường tặng bộ đội, cài lên súng, tung lên xe. Những tốp thiếu nhi tay vốc từng nắm hoa giấy tung lên những chiếc xe đang từ từ lăn bánh đi qua. Nhân dân hò reo phất cờ, vẫy hoa. Bộ đội đi giữa rừng cờ, rừng hoa, rừng người tươi như hoa...
Từ Hồ Gươm, đoàn quân chiến thắng tiến qua các phố cổ về Cửa Bắc, vào thành Hà Nội, tập trung tại sân vận động Cột Cờ. Lá cờ đỏ sao vàng-cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh cột cờ Hà Nội. Trong buổi lễ chào cờ đầu tiên ấy, đồng chí Vương Thừa Vũ đã đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô. Ông từng nhiều lần kể với con trai cả là Đại tá Vương Minh Tường (ở quận Tây Hồ, TP Hà Nội) về ngày hội lớn năm nào. “Thư Bác viết thân mật, thiết tha. Nhiều người nước mắt rưng rưng. Cha tôi cũng vậy. Phần vì cảm xúc khó kìm được, phần vì những tiếng hô chứa chan lòng kính yêu lãnh tụ của nhân dân Thủ đô, ông đã phải dừng lại ít phút mới đọc hết được thư Bác”-Đại tá Vương Minh Tường cho biết.
Những ngày sau đó, với cương vị Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố, hằng ngày, đồng chí Vương Thừa Vũ tiếp nhiều đoàn khách trong nước và ngoài nước, đại điện các đảng phái cùng các ngành, các giới. Họ đều thể hiện sự tin tưởng, kính trọng vì bộ đội ta vào Thủ đô đã nghiêm chỉnh chấp hành mọi chính sách của Đảng và Chính phủ. “Đại đoàn 308 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Toàn bộ tài sản của Nhà nước đã được cán bộ, chiến sĩ quý trọng và giữ gìn chu đáo. Bộ đội bàn giao công sở cho các cơ quan nhà nước không thiếu một vật nhỏ, thậm chí cái bàn, cái ghế lúc vào đặt ở đâu, lúc ra vẫn ở nguyên đó”-Đại tá Nguyễn Bội Giong tự hào cho biết.
SONG THANH