Ngày ấy, cùng 500 thanh niên của hai huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn (Nghệ An), Trần Văn Chương tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Sau hai tháng huấn luyện cấp tốc, ông và đồng đội bắt đầu hành quân lên đường vào Nam chiến đấu. Tháng 3-1975, sau khi Buôn Ma Thuột được giải phóng, theo trục Đường 21, các đơn vị của Sư đoàn 10, trong đó có đơn vị của ông Chương được lệnh tiến xuống giải phóng Nha Trang, Khánh Hòa. Sau thời gian chuẩn bị, đến ngày 11-4, Trung đoàn 28 được lệnh hành quân vào tây bắc Sài Gòn. “Từ ngày 26 đến 28-4, Đảng ủy trung đoàn tiến hành hội nghị quân chính xác định tư tưởng chỉ đạo tác chiến lúc này là: “Mạnh bạo, chắc thắng, đánh mạnh, nắm vững thời cơ, thọc sâu, phát triển nhanh, đánh hiểm, đánh thắng, dứt điểm nhanh”. Tiểu đoàn 1 của chúng tôi có nhiệm vụ đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn 5 không quân, sẵn sàng phát triển đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy”, ông Chương cho biết.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Trần Văn Chương chụp ảnh cùng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28) trong Lễ kỷ niệm 49 năm Ngày truyền thống Trung đoàn 28 tại tỉnh Kon Tum, năm 2017. Ảnh do nhân vật cung cấp

Theo thời gian hiệp đồng, 6 giờ 30 phút ngày 29-4, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Nguyễn Đức Cẩm, đơn vị bắt đầu xuất phát. Quá trình hành quân gặp phải sự chống trả quyết liệt của địch ở Phú Hà Đông. Đơn vị buộc phải vừa hành quân vừa triển khai đội hình chiến đấu. Sau hơn một giờ đồng hồ, Trung đoàn 28 đã loại bỏ toàn bộ địch và làm chủ Phú Hà Đông.

Đến trưa 29-4, các đơn vị của trung đoàn đang phát triển chiến đấu theo Đường 15 tiến về Hóc Môn đến cầu Sáng, khi chiếc xe tăng thứ ba vừa qua thì cầu bị gãy. Tình huống ngoài dự kiến nên toàn bộ đội hình phải dừng lại bố trí hai bên cầu sẵn sàng đánh địch phản kích. Nhận thấy không còn thời gian cho công binh sửa cầu, đội hình quay lại ngã tư Tân Quy đi theo Đường 8 ra Đường 1B để tiến nhanh về Hóc Môn. Đến 18 giờ, đến ngã tư Quang Trung thì đơn vị dừng lại triển khai đội hình chiến đấu và tiến hành trinh sát đường đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Sáng 30-4, ta chiếm được sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc này, đơn vị của ông Chương được lệnh phải nhanh chóng cơ động theo Đường 1B thọc sâu đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy. “Cùng thời điểm đó có rất nhiều đơn vị tiến công vào nội thành, tiểu đoàn của tôi là bộ phận phía sau nên quá trình cơ động bị mất liên lạc với lực lượng phía trước, chúng tôi phải nhờ một nữ du kích dẫn đường. Có lẽ, do hiểu sai ý định nên cô du kích đã dẫn chúng tôi tiến vào Dinh Độc Lập. Đến đây, nhìn thấy lá cờ giải phóng bay phấp phới trên nóc nhà, rất đông lính ngụy ngồi la liệt ngoài sân, nhiều đơn vị của ta đã có mặt ở đó đang áp tải và phân loại tù binh. Biết đất nước đã được giải phóng, cán bộ, chiến sĩ ôm nhau trong niềm vui sướng và hạnh phúc mà quên mất mình đang bị lạc đường. Sau này khi về đơn vị, chúng tôi mới biết cùng thời điểm đó, lực lượng còn lại của trung đoàn đã chiếm được mục tiêu”, ông Chương nhớ lại.

Vào Dinh Độc Lập, Tiểu đoàn 1 vẫn chưa bắt liên lạc được với lực lượng của trung đoàn. Sau khi ổn định đội hình và được sự giúp đỡ của chỉ huy Sư đoàn 304 (đơn vị đánh chiếm Dinh Độc Lập), đơn vị tổ chức nấu ăn cho bộ đội. Chiều và tối hôm đó, lực lượng của ông Chương được giao nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài. Đến 19 giờ, tiểu đoàn cử một tổ trinh sát đi bắt liên lạc với trung đoàn thì biết đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ và được lệnh chốt giữ ở sân bay Tân Sơn Nhất.

“Tối đến nằm nghỉ trên nền gạch trong Dinh Độc Lập, anh em không ai ngủ được. Chúng tôi dành cả đêm để tâm sự, nói về những dự định trong tương lai sau ngày thống nhất. Ai cũng nhớ thương đồng đội đã hy sinh trước giờ chiến thắng. Rồi hỏi nhau địa chỉ để sau này có dịp gặp lại, cùng nhau đến gặp bà con, nhân dân đã cưu mang, nuôi dưỡng mình”, cựu chiến binh Trần Văn Chương bồi hồi nhớ lại.

VÕ ĐÔNG