Tôi nắm tay Song Tùng như gặp người thân. Kỷ niệm về vị tướng tài năng, đức độ Song Hào chợt hiện về trong ký ức.
Thượng tướng Song Hào từng giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam một thời gian dài thời đánh Mỹ. Tôi được gặp khi ông tới thăm Sư đoàn 341 chúng tôi trước khi từ Vĩnh Linh hành quân vào miền Nam tham gia cuộc Tổng tấn công Mùa xuân 1975. Hôm ấy, ông đến giữa hàng quân, hỏi về trang bị, nhất là giày dép, tăng, võng, và bằng lời động viên sâu sắc, ông căn dặn chiến sĩ trẻ cần rèn luyện ngay trên đường hành quân để bước vào chiến dịch quan trọng. Thế rồi, khoảng bốn tháng sau, khi miền Nam vừa giải phóng, chúng tôi làm nhiệm vụ quân quản thành phố Sài Gòn-Gia Định. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Song Hào đến đơn vị tôi đang đóng quân ở đồn Cây Mai, thuộc quận 11, vẫn là quân phục màu xanh đã sờn, bước đi nhanh nhẹn, gương mặt thanh thoát, trí thức, giọng nói trầm ấm, tạo cho chúng tôi sự gần gũi. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ân cần căn dặn chúng tôi nhiệm vụ trước mắt là giúp nhân dân các phường, khóm ổn định cuộc sống sau bao năm phải ly tán do bom đạn, không được để người dân lâm vào cảnh đói, nếu cần, bộ đội san sẻ khẩu phần của mình để cứu dân.
Thượng tướng Song Hào (hàng đầu, thứ hai, từ trái sang), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, kiểm tra bộ đội tiếp quản thành phố Huế (tháng 3-1975). Ảnh tư liệu
Sau này, khi về công tác ở Cục Chính trị Binh đoàn Cửu Long, tôi được nhiều lần đi công tác với Tư lệnh Hoàng Cầm, được nghe ông kể về Thượng tướng Song Hào với lòng khâm phục. Theo Thượng tướng Hoàng Cầm, thử thách lớn nhất của người chiến sĩ cách mạng, chính là khi bị địch tra tấn bằng những thủ đoạn dã man và cả những dụ dỗ hiểm độc mong khuất phục ý chí cách mạng. Song Hào đã bị địch giam cầm qua nhiều nhà tù thực dân nhưng vẫn giữ vững khí tiết, thoát khỏi lao tù là lao vào hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang. Thời đánh Pháp, lần lượt giữ các cương vị từ cán bộ cấp cơ sở đến cấp cao, tướng Song Hào đã đảm nhiệm trọng trách trong các trận đánh, chiến dịch giải phóng các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên… cho tới Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thời đánh Mỹ, với cương vị là Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tướng Song Hào góp công lớn trong công tác Đảng, công tác chính trị của toàn quân. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Song Hào nhiều lần đến tận chiến hào bộ đội phòng không ở miền Bắc và vào tuyến lửa thăm, chỉ đạo những chiến dịch lớn.
Vẫn theo lời kể của tướng Hoàng Cầm, tướng Song Hào bên ngoài có vẻ nghiêm trang, nhưng là người cực kỳ vui tính, thân thiện với mọi người, kể cả cán bộ cấp dưới, chiến sĩ ở các đơn vị. Sự thân thiện ấy chính là chất keo của đoàn kết, xây dựng tính dân chủ trong Quân đội ta. Ông luôn nêu cao dân chủ để phát huy năng lực của từng cá nhân, của đơn vị, của toàn quân. Có phải nhờ vậy mà ngay sau hòa bình ở miền Bắc, Quân đội ta trưởng thành vượt bậc trong xây dựng, huấn luyện, các sư đoàn chính quy được trang bị không chỉ binh khí, khí tài mà cả phẩm chất chính trị cao để khi bước vào cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc với sức mạnh vô song. Vâng, phải nhờ những năm xây dựng ấy mới có nền tảng của cuộc chiến đấu hơn hai mươi năm để giành toàn thắng.
Đảm nhiệm công tác chính trị thời chiến tranh phải hiểu biết nghệ thuật quân sự. Người chính ủy phải hiểu tác chiến. Đó là điều tưởng như đương nhiên nhưng thường ở những cán bộ chính trị quân sự song toàn mới có. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Song Hào luôn có mặt ở Cục Tác chiến-Bộ Tổng tham mưu để luận bàn về những trận đánh, những chiến dịch lớn. Các trận đánh lớn, chiến dịch ở miền Nam như Bầu Bàng, Bình Giã, Vạn Tường, Đường 9-Nam Lào… đều được sự chỉ đạo rất chặt chẽ từ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
Trong chiến tranh, thành viên trong Quân ủy Trung ương luôn sống với nhịp đập của bộ đội ở chiến trường, không chỉ bằng những buổi giao ban hằng ngày mà khi cần là vào mặt trận trực tiếp chỉ huy. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Song Hào và các thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị... đã có mặt ở chiến trường miền Nam. Đó cũng là nét đặc trưng, luôn bám sát chỉ huy quân đội của cán bộ cao cấp ở Bộ Quốc phòng nước ta.
Trong tình cảm của cán bộ và chiến sĩ toàn quân, Thượng tướng Song Hào là cán bộ tài năng, đức độ, liêm khiết, người học trò ưu tú của Bác Hồ. Chúng tôi mong rằng, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, ở Hà Nội, nơi ông trở về trong đoàn quân tiến về Thủ đô và TP Hồ Chí Minh, nơi ông có mặt ngay những ngày đầu thành phố vừa mới giải phóng, góp nhiều công lao chỉ đạo bộ đội quân quản bảo vệ, ổn định đời sống nhân dân, nên có tên đường mang tên Song Hào. Chắc rằng, đó là mong muốn hết sức chính đáng.
NGUYỄN ANH ĐƯỜNG