Gần đây, khi sắp xếp lại kho tư liệu trong nhà, tôi tìm thấy bức thư mà em gái của Vũ Đình Văn gửi cho nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, lúc bấy giờ là biên tập viên phần thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo tin Vũ Đình Văn vừa hy sinh. Bức thư ướt đẫm nước mắt là một vật chứng quý giá mà chúng ta còn giữ được về một thời khắc không thể quên của 50 năm trước, khi những chiến sĩ phòng không Hà Nội đã xả thân chiến đấu để đánh tan lũ giặc trời, bảo vệ bầu trời thiêng liêng của Tổ quốc.
|
|
Di ảnh Nhà thơ Vũ Đình Văn. Ảnh tư liệu
|
Vũ Đình Văn sinh năm 1951, nhập ngũ tháng 12-1971. Từ mái trường Đại học Sư phạm Hà Nội, anh lên đường nhập ngũ và trở thành bộ đội phòng không. Đúng một năm sau, ngày 27-12-1972, anh đã anh dũng hy sinh trong trận quyết chiến chống máy bay B-52 của giặc Mỹ, bảo vệ vùng trời Hà Nội.
Còn nhớ, ngay từ khi bước chân vào đội ngũ chiến đấu, như những bạn trẻ yêu thơ ngày ấy, Vũ Đình Văn đã bắt đầu làm thơ và có thơ in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tờ báo yêu quý của những người lính chúng tôi. Vũ Đình Văn làm khá nhiều thơ và có những bài thực hay để lại ấn tượng như “Nửa sau khoảng đời”. Một trong những người bạn lính, bạn thơ của Vũ Đình Văn là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, một người cùng trang lứa. Tôi còn nhớ, khi nghe Vũ Đình Văn hy sinh, Hoàng Nhuận Cầm đã có những dòng thơ khóc bạn vô cùng cảm động:
Thôi cho mình thắp nhang này
Khóc Văn nước mắt đã đầy cả đêm
Ngàn sao Cầm đã kiếm tìm
Nhưng ngàn sao chỉ im lìm
như nhau
Văn ơi, nằm ở nơi đâu
Người ta lại hát qua cầu gió bay...
Đó là kỷ niệm về tình bạn thân thiết mà Vũ Đình Văn đã để lại cho đời.
|
|
Bức thư của em gái Nhà thơ Vũ Đình Văn |
Còn về tình thân ruột thịt thì theo tôi được biết, một trong những người Vũ Đình Văn yêu thương nhất trong gia đình chính là em gái Vũ Kim Dung. Còn nhớ chàng thi sĩ trẻ đã có những câu thơ tặng em gái mình:
Người em tôi trọ học ở nơi xa
Chiều nay chắc vui hòa cùng
bè bạn
Em đang nghĩ về một bài thầy giảng
Hay ngắm hoàng hôn trong ráng
mỡ gà...
Đọc lại bức thư của em gái nhà thơ Vũ Đình Văn khi đó, cho thấy cô rất đau đớn khi được tin anh trai hy sinh. Cô cũng đang nhờ người thông tin để tìm mộ anh trai mình. Sau này, cô cùng người thân quyết tâm đi tìm mộ của anh trai. Trên đường đi, cứ chỗ nào có trận địa pháo, trận địa tên lửa là họ lại đến hỏi thăm, dò tìm. Cuối cùng thì cô cũng tìm được ngôi mộ anh mình trên một cánh đồng nham nhở hố bom ở xã Đồng Mai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).
|
|
Trang cuối bức thư của em gái Nhà thơ Vũ Đình Văn |
Vũ Kim Dung cũng là người lưu giữ tất cả kỷ vật của Vũ Đình Văn cho tới hôm nay.
Với riêng tôi, từ lâu tôi đã vô cùng yêu quý và thương tiếc nhà thơ trẻ cùng thế hệ với mình là Vũ Đình Văn.
ANH NGỌC