Những chuyến áp tải hàng lên chốt
Theo lời hẹn, chúng tôi đến thăm cựu chiến binh Nguyễn Văn Công ở Khu tập thể Nghĩa Tân (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Đến nơi, gọi cửa mãi mới thấy một phụ nữ luống tuổi từ trong nhà đi ra. Bà tự giới thiệu là Nguyễn Thị Bảy, vợ ông. Biết chúng tôi muốn tìm gặp ông Công, bà bảo chúng tôi đợi rồi tất tả đi tìm ông. Một lát bà quay trở lại mời chúng tôi vào nhà. Trong lúc chờ ông, chúng tôi tranh thủ hỏi chuyện bà.
Bà Bảy cho biết, lúc rảnh rỗi, ông vẫn dạo quanh khu phố trò chuyện với mọi người. Còn bà, từ ngày làm vợ ông, tần tảo quen rồi nên thấy mọi chuyện cũng ổn. Đang dở chuyện thì ông về. Dòng ký ức của ông đưa chúng tôi về ngày đầu ông nhập ngũ, 21-8-1978.
Sinh năm 1960, 18 tuổi, đang học lớp 10 ở Trường Phổ thông cấp 3 Lý Tự Trọng (nay là Trường THPT Trương Định, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) thì Nguyễn Văn Công có giấy gọi nhập ngũ. Ông bảo rằng, ngày ấy có giấy gọi là lên đường. Sau khi huấn luyện xong, biết mình được sang thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia, ông và đồng đội vui vẻ lên đường. Ông bảo: “Bác Hồ đã dạy “giúp bạn là tự giúp mình” nên được sang giúp bạn là vinh dự, tự hào của những người lính chúng tôi”.
Được biên chế vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 19 trực thuộc Sư đoàn 307, chiến sĩ Nguyễn Văn Công có nhiệm vụ bảo vệ xe vận tải lương thực, thực phẩm lên các chốt của đơn vị. Ông bị thương cũng từ một chuyến áp tải hàng như thế.
Ông nhớ lại: “Với mỗi chuyến hàng đều có một bộ phận đi trước dò đường cũng như chuẩn bị phương án để đối phó với địch. Bọn Pol Pot thường đi thành nhóm nhỏ, tổ chức đánh lén nên bộ đội ta đều phòng bị rất kỹ”.
Ông Công còn nhớ, chuyến hàng ấy xuất phát vào sáng 8-8-1980 từ Sư đoàn bộ về Trung đoàn 95, chỉ cách hơn 10km. Bộ phận bảo vệ đi trước đã gặp địch phục kích và hy sinh một đồng chí. Khi tình hình được báo yên thì xe tải gạo của ông Công lên đường. Ông kể: “Thường mỗi chuyến hàng xếp đầy chặt gạo xung quanh thùng xe, anh em ngồi ở giữa sẽ tránh được đạn của địch. Đúng đến đoạn anh em bị phục kích trước đó thì có báo động”.
Từ trên thùng xe tải, ông Công ôm súng cùng đồng đội nhảy xuống quyết tâm bảo vệ xe hàng. Bóng địch đã mất hút sau các lùm cây. Chợt một tiếng nổ chói tai vang lên. Ông Công còn chưa kịp cảm thấy đau đã ngất đi, không biết gì nữa.
Khi Nguyễn Văn Công tỉnh lại thì đồng đội đã đưa ông về trạm phẫu của Sư đoàn. Cơ thể xây xát, nhìn xuống hai chân bị băng bó trắng toát cùng những cơn đau dồn dập ập đến, ông biết mình bị thương nặng. Đồng đội kể, ông vướng phải mìn do địch cài lại. Bác sĩ nói hai chân của ông đều bị tổn thương nghiêm trọng, phải cắt đi thì tính mạng mới được bảo toàn.
Nghe tin bị cắt cụt cả hai chân khi tuổi xuân còn đang phơi phới khiến ông sững sờ, chết lặng. “Cuộc đời mình rồi sẽ ra sao? Mình sẽ đi lại, sinh hoạt như thế nào? Sẽ phải phụ thuộc vào người khác ư?”. Những suy nghĩ tiêu cực khiến người chiến sĩ trẻ không còn muốn sống nữa. Nhưng rồi trước sự động viên, an ủi của đồng đội, ông cũng dần nguôi ngoai. Ông nghĩ, dù thế nào cũng phải sống, sống cho cả phần những đồng đội không thể trở về!
Sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ hai phần ống chân, ngày 16-8-1980, ông Công được đưa về nước điều trị. Ông được công nhận là thương binh hạng đặc biệt.
Nên duyên từ cuộc gặp bất ngờ
Về nước, thương binh Nguyễn Văn Công được điều trị ở Bệnh viện Quân Giải phóng (nay là Bệnh viện Quân y 175) tại TP Hồ Chí Minh rồi ra Đoàn An dưỡng 979 ở Quy Nhơn (Bình Định). Năm 1982, ông được chuyển ra Bắc. Trải qua nhiều cơ sở an điều dưỡng, ông được về trung tâm điều dưỡng thương binh nặng ở Miêu Nha (huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Ông cũng không ngờ tại đây, mối lương duyên đã kết nối ông với người con gái Thái Bình chịu thương chịu khó Nguyễn Thị Bảy.
Nãy giờ, bà ngồi yên nghe ông kể chuyện. Đến khi chúng tôi nhắc về cuộc gặp tình cờ với người thương binh nặng bây giờ là chồng của mình gần 40 năm, bà tủm tỉm cười. Sinh ra và lớn lên ở xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, 20 tuổi, cô gái Nguyễn Thị Bảy được cha đưa lên Hà Nội học việc. Vốn sẵn nghề thêu, cô xin vào hợp tác xã thêu chăn, ga, gối. Hay lam hay làm, lại khéo tay nên các con giống, hoa lá, đồi núi... dưới bàn tay của Nguyễn Thị Bảy đều rất sống động, hấp dẫn. Cuộc đời cô gái trẻ bất ngờ rẽ sang hướng khác khi cô được người chị rủ vào thăm bạn ở trung tâm điều dưỡng thương binh nặng.
“Lần đầu gặp những thương binh còn rất trẻ, hầu hết đều bị mất đi một phần cơ thể, trong lòng tôi vừa thương, vừa đồng cảm. Thế nên khi ông ấy làm quen rồi trao nhau dòng địa chỉ, tôi chẳng chút băn khoăn, nghĩ ngợi gì. Tình yêu đến với chúng tôi cũng nhẹ nhàng và chan chứa yêu thương như bao cặp đôi khác!”-bà Bảy chia sẻ.
Nhà ông ở gần chợ Mơ, còn bà ở phố Huế (cùng thuộc quận Hai Bà Trưng), chỉ cách nhau hơn 2km. Vậy là thi thoảng từ trung tâm điều dưỡng về, ông lại ghé thăm bà. Ông được lắp đôi chân giả nên đi lại, sinh hoạt cũng không khác người bình thường là bao. Hơn một năm sau ngày quen nhau thì họ tổ chức đám cưới. Lễ thành hôn giản dị được tổ chức ấm cúng tại nhà trai. Cô dâu được rước từ quê lúa. Họ hàng, làng xóm đều khen họ đẹp đôi, bởi cô dâu có tướng phúc hậu còn chú rể rất ra dáng trong bộ quân phục.
Sau lễ cưới, ông bà được phân căn nhà tập thể ở Nghĩa Tân. Ban đầu, cuộc sống của họ khá khó khăn bởi ông không thể làm được việc nặng, còn bà cũng không có việc làm ổn định. Nhưng bà bảo “khéo lo cũng ổn”. Ngoài trợ cấp thương binh hạng đặc biệt của ông, bà có thêm khoản trông xe cho bà con quanh khu tập thể để trang trải cuộc sống. Chỉ có điều, vợ chồng ở hơi chật một chút vì một nửa căn nhà đã dành để xe máy, xe đạp...
Một năm sau, con gái Nguyễn Thị Lê Hường của họ chào đời. Căn hộ nhỏ có thêm tiếng cười đùa, tiếng con trẻ bi bô tập nói. Từ ngày có vợ, rồi có con, thương binh Nguyễn Văn Công thêm yêu đời và cảm thấy trách nhiệm của mình ngày càng nặng nề hơn. Ông cố gắng tranh thủ thời gian đỡ đần vợ việc nhà, chăm sóc con gái rồi phụ vợ trông xe. Cuộc sống tằn tiện, giản dị nhưng là niềm hạnh phúc vô bờ với ông.
Bây giờ, Hường đã lấy chồng, sinh con. Tuổi cao, sức yếu, ông bà cũng không trông xe nữa. Bà cười: “Bây giờ, chúng tôi trông... cháu!”. Hai cháu ngoại đang học tiểu học và mầm non được vợ chồng con gái gửi ông bà chăm sóc để thuận tiện cho công việc.
Những năm qua, căn bệnh thận hành hạ khiến ông phải ra vào viện “như cơm bữa”, lại thêm lần tai biến gần đây khiến nửa người bên trái của ông bị liệt. Sau thời gian tập phục hồi chức năng, cánh tay trái của ông giờ chỉ có thể hoạt động hạn chế, không cầm nắm được. Tuy cuộc sống vẫn đầy khó khăn nhưng với ông, nghị lực và niềm vui sống chưa bao giờ thôi cháy bỏng. Thương binh Nguyễn Văn Công trải lòng: “Được trở về, lại có mái ấm gia đình hạnh phúc, đối với tôi đã là may mắn lớn trong cuộc đời. Thế nên mọi khó khăn, vất vả, đau ốm hay bệnh tật đều không thể khiến tôi gục ngã!”.
PHẠM THU THỦY