Ông Thường nói: “Hôm nay được gặp các đồng đội chiến đấu ngày xưa, ký ức về thời binh lửa lại trỗi dậy trong tôi. Có nước mắt, hy sinh và tình đồng đội thiêng liêng, cao đẹp… Riêng tôi, còn thêm cả rung động đầu đời với cô gái trong ảnh”. Người con gái ấy, ông Thường cũng chưa biết tên, chỉ biết cô là nữ văn công của Bộ đội Pathet Lào. Cuộc gặp ngẫu nhiên nhưng để lại dấu ấn sâu đậm trong ông.
Ngày 19-5-1971, sau trận tập kích vào cao điểm 2006 (huyện Phaxay, tỉnh Xiengkhuang, Lào) của địch, chiến sĩ trẻ Cao Văn Thường, 19 tuổi, thuộc Đại đội 17, Tiểu đoàn 27 bị thương ở chân và được chuyển ra trạm phẫu tiền phương. Trạm đóng ở rìa suối Nậm Siêm, dưới chân núi Phumaxay, huyện Phaxay.
Tháng 5 ở Lào trời mưa như trút nước hết trận này đến trận khác. Trên giường bệnh trong hang đá, Thường nhớ đơn vị, nhớ đồng đội. Vừa có tin tiểu đoàn được lệnh rút về Nghệ An, chỉ để lại Đại đội 18 (được tăng cường thêm một trung đội của Đại đội 17) ở lại bám địch ở khu 1863 và 2006. Trận đánh cao điểm 2006 ác liệt vừa rồi, không biết ai còn, ai mất. Ngoài kia, máy bay của địch tăng cường đánh bom dữ dội. Trực thăng địch đổ quân xuống mấy điểm cao gần bản Na, khống chế đường ô tô vào vùng giải phóng. Chúng đã tổ chức mai phục và bắn cháy mấy xe ô tô của ta trên đường vào vùng giải phóng đón thương binh và dân công...
Một đêm cuối tháng 5, trạm phẫu thông báo: Thương binh nặng được vận chuyển ra điểm đón thương binh cách đấy gần chục cây số để lên ô tô chuyển về tuyến sau. Số còn lại (có thể đi được) sẽ được một tiểu đội bộ binh bảo vệ, cắt rừng đi đêm vòng tránh khu vực bản Na ra ngoài.
Vết thương ở chân tuy vẫn rỉ máu do bị nhiễm trùng, còn đau nhức nhưng Thường xung phong hành quân bộ để nhường cáng cho đồng đội. Ngày nghỉ, đêm đi, đến đêm thứ ba thì đoàn đến bản Non (Xieng Khouang) và mắc kẹt ở đó. Vì đang là mùa mưa, nước suối bản Non chảy cuồn cuộn như thác, chia cắt đường hành quân. Đồng chí Tình (đoàn trưởng) quyết định cho toàn đoàn ở lại chờ lũ rút mới tổ chức hành quân vượt suối.
Thấy bộ đội Việt Nam bị mắc kẹt, người dân bản Non tiếp đón và cho bộ đội ở nhờ. Thường và anh Tình được bố trí ở tại nhà đồng chí cán bộ cách mạng Lào. Lúc này, đồng chí đang đi công tác. Nhà chỉ còn lại người vợ (khoảng 50 tuổi) và hai cô con gái, cô bé khoảng 10 tuổi, cô lớn đã 16 tuổi, là văn công của Bộ đội Phathet Lào đang nghỉ phép.
Hai người và đồng chí phiên dịch vừa đến nơi, vợ đồng chí cán bộ Lào ân cần hỏi thăm từng người. Và có lẽ vì Thường là chiến sĩ trẻ nhất nên bà quan tâm hơn và thường xuyên thông qua phiên dịch để chuyện trò. Bà hỏi về quê hương, bố mẹ, anh em Thường ở Việt Nam. Thường trả lời: “Nhà cháu có 6 anh chị em, cháu là út. Đáng lẽ còn 3 chị nữa, nhưng ngày Pháp lên càn, gia đình phải chạy vào rừng trốn. Do cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nên 3 chị đã bị bệnh và mất…”. Nghe câu chuyện của Thường, bà mẹ càng thêm quý và thương Thường hơn. Đêm đến, mọi người đều được bố trí ngủ cùng trên sàn nhà. Thường được xếp nằm gần cô con gái lớn.
Trời lại bắt đầu rả rích mưa. Mọi người đã say giấc nồng. Thường vẫn thức vì vết thương sau nhiều ngày đi lại bị nhiễm trùng sưng tấy và đau nhức. Không dám cựa mình vì sợ phá giấc ngủ của mọi người, Thường cố gắng hít sâu và điều hòa hơi thở để xua đi cái đau. Bỗng nhiên, hương hoa bưởi và bồ hòn ở đâu vương đến, gợi cho Thường cảm giác khoan khoái, dễ chịu. Mùi hương và những câu chuyện ban sáng làm cho Thường nhớ những kỷ niệm về làng quê Thái Nguyên yêu dấu, nơi có mẹ, có các anh chị của Thường. Ngày ấy, Thường hay đi xin hoa bưởi cho mẹ và chị gội đầu. Đêm đến, Thường lại được rúc đầu vào mái tóc đen huyền và thơm mùi hoa bưởi của mẹ để ngủ. Đã lâu rồi, Thường hầu như không có cảm giác này. Quay mặt sang bên phía cô con gái lớn của chủ nhà, mùi hương càng rõ hơn. “Chắc cô ấy gội đầu bằng bồ hòn và hoa bưởi”-Thường thoáng nghĩ. Cơn đau không hiểu sao bỗng tan biến, Thường khoan khoái đi vào giấc ngủ...
Sáng hôm sau, anh Tình bảo Thường cùng anh và cô con gái lớn lên nương hái ngọn bí và rau cải soong về cho đoàn cải thiện. Từ nhà ra nương khoảng 3km, tuy vết thương rỉ máu nhưng Thường không kêu ca, cố đi để không bị tụt lại phía sau. Thỉnh thoảng, cô gái lại nhìn xuống vết thương của anh bằng ánh mắt e ngại và thán phục. Đến nương, sau khi hái rau xong, cô gái còn xuống suối bắt cua, bắt ếch. Thường và anh Tình ngồi đợi, ôm súng cảnh giới. Đang chăm chú quan sát, đột nhiên anh nghe thấy tiếng cô gái reo lên. Nhìn về phía suối, thấy cô cầm con ếch to bằng bàn tay vẻ thích thú, hồn nhiên như con trẻ vừa được nhận quà. Sau khi cho ếch vào giỏ, cô gái lại tiếp tục thò bàn tay trắng muốt xuống các khe đá để mò cua. Thêm một lần nữa, cô lại đưa anh trở về thời thơ ấu, thời mà Thường lũn cũn theo mẹ và chị ra đồng...
Sự đảm đang, vẻ đẹp hồn nhiên của người con gái Lào đã mang đến cho Thường những rung động mới lạ. Anh đắm say ngắm nhìn cô và cảm nhận nhiều lúc cô cũng dành cho anh sự quan tâm và ánh mắt thương mến. 7 ngày dừng chân ở bản Non là 7 ngày Thường cùng cô lên nương hái rau. Vùng giải phóng có nhân dân các bộ tộc Lào bao bọc và che chở nên rất an toàn. Vết thương cũng đã lành ít nhiều, Thường không còn cầm súng cảnh giới mà cùng xuống suối mò cua, bắt ếch với cô gái Lào. Nhiều khi ếch, cua đầy cả giỏ nhưng cô gái vẫn chưa chịu ra về như muốn kéo dài thời gian ở bên Thường. Còn Thường ngày nào cũng dậy sớm để chuẩn bị lên nương. Mỗi lần đi trên đường, mái tóc thơm mùi hoa bưởi làm anh thấy trái tim rộn ràng trong lồng ngực. Nhưng chưa một lần anh dám nắm tay, thổ lộ tình cảm...
Rồi ngày chia tay cũng đến, bà mẹ và hai cô con gái tiễn đoàn bộ đội Việt Nam ra tận bờ suối. Như có gì mách bảo, cả hai đều bước chậm lại. Lặng im đi bên nhau, Thường nhìn cô gái Lào mà lòng bâng khuâng. Đến bờ suối, cô chủ động nắm tay Thường, trao cho anh bức ảnh và nói bằng tiếng Việt: “Anh Thường đi mạnh khỏe, công tác tiến bộ, nhớ đừng quên...”. Thường sững sờ không tin vào tai mình: “Em biết tiếng Việt! Thế mà chưa bao giờ em cho chúng tôi biết điều đó. Nếu biết điều này, tôi và em đã có thể trò chuyện, tâm sự và cũng là để tôi có điều kiện giãi bày tình cảm của mình đối với em”...
Kể đến đây, ông Thường thoáng trầm ngâm: “Chưa kịp nói gì thì các anh trong đoàn gọi rối rít. Tôi chạy vội theo đoàn, mắt ngấn nước, quên cả hỏi tên em...”.
Ông Thường được quay lại đơn vị cũ chiến đấu, rồi xuất ngũ trở về địa phương sinh sống. Đất nước hòa bình, thống nhất, mỗi dịp gặp các bạn Lào, ông đều cầm bức ảnh để hỏi về cô văn công Bộ đội Pathet Lào hồi đó nhưng đến giờ vẫn chưa biết được tên, gặp được người. 49 năm đã qua, hình bóng cô văn công, mùi quả bồ hòn và hoa bưởi luôn là kỷ niệm không phai mờ. Còn bức ảnh là kỷ vật vô giá ông luôn giữ bên mình, nâng niu và trân trọng!
NGỌC GIANG