QĐND - Cho đến bây giờ, Đại tá Phạm Tuấn, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẫn còn cảm giác bâng khuâng khi nhớ về giây phút được gặp lại người bạn gái nhỏ cùng quê ngay giữa thủ đô Hà Nội. Để rồi theo năm tháng, tình bạn lớn dần, viết nên một câu chuyện tình yêu có hậu...

Vợ chồng Đại tá Phạm Tuấn. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Năm 1954, rời làng quê xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, cậu bé Phạm Tuấn, khi đó chưa tròn 12 tuổi, tạm biệt mẹ và 3 người em, theo cha là Phạm Châu lên đường tập kết ra Bắc. Ra miền Bắc, Phạm Tuấn được cha gửi vào học tại trường các học sinh miền Nam. Trong một lần cha cho đi dự buổi gặp mặt đồng hương tỉnh Quảng Ngãi tập kết ra Bắc, Phạm Tuấn gặp lại cô bé Nguyễn Thị Phú, người bạn “chăn trâu cắt cỏ” cùng ở xã Tịnh Minh. Trong lần gặp lại ấy, cả hai đều rất đỗi vui mừng, họ không thể ngờ rằng có ngày được gặp lại nhau tại đất Hà thành. Họ trò chuyện với nhau rất nhiều về cuộc sống sinh hoạt, học tập, những kỷ niệm về làng quê Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh.

Sau lần đó, tuy học khác trường nhưng vì cùng trên địa bàn Hà Nội nên thỉnh thoảng đôi bạn lại được gặp nhau. Đến bậc học trung học phổ thông (cấp 3), Nguyễn Thị Phú chuyển về học tại trường các học sinh miền Nam ở Hải Phòng, còn Phạm Tuấn ở lại và học tiếp tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. “Do điều kiện chiến tranh, chỉ đến khi tập kết ra Bắc, khi đó đã hơn 10 tuổi, tôi mới được đi học lớp 1...”-bà Nguyễn Thị Phú cười vui lý giải việc kém Phạm Tuấn có 1 tuổi mà học sau chồng đến mấy lớp.

Chuyển về học cấp 3 tại trường các học sinh miền Nam ở Hải Phòng, cùng với việc chuyên tâm học hành, Nguyễn Thị Phú còn rất năng nổ trong các hoạt động xã hội và được bầu là Bí thư chi đoàn. Năm 1962 là thời điểm bước vào năm học cuối cấp, Nguyễn Thị Phú vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thời gian này, những lá thư của Phạm Tuấn từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được gửi về cũng đều đặn hơn. “Hằng tuần, chúng tôi đều viết thư cho nhau, chủ yếu trao đổi về chuyện học hành, động viên nhau nỗ lực thật tốt. Khó có thể mường tượng hết niềm vui khi mỗi lần nhận được thư gửi về từ Hà Nội, những tình cảm thuở học trò thật vô tư, trong sáng”-bà Phú nhớ lại.

Năm 1964, hết chương trình cấp 3, Nguyễn Thị Phú được cử sang Trung Quốc học. Lần đi này khiến lòng dạ cô gái không khỏi bâng khuâng. Người thiếu nữ cảm nhận mình đã có tình cảm đặc biệt với chàng trai cùng quê Phạm Tuấn. Những ngày xa nhau, thư của hai người không chỉ đơn thuần là những lời thăm hỏi động viên học tập mà xen lẫn vào đó còn là sự đồng cảm, nhớ nhung. Sau hơn một năm học tập, do tình hình chính trị của đất nước Trung Quốc có những biến động, Nguyễn Thị Phú về nước và chuyển về học đại học cơ điện tại Thái Nguyên.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Phạm Tuấn được cử về Trường Sĩ quan Công binh học tập. Kết thúc khóa học, Phạm Tuấn được phong quân hàm thiếu úy và nhận lệnh điều động về Phòng Công trình thuộc Bộ tư lệnh Công binh. Do yêu cầu công tác, Phạm Tuấn liên tục phải thực hiện nhiệm vụ ở những vùng trọng điểm khác nhau, vì thế, hai người rất hiếm có thời gian gần nhau. Dẫu vậy, nếu có điều kiện là chàng sĩ quan trẻ lại bằng mọi giá “về ngay” với người yêu. “Nhớ lần trong khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm công binh tại Vĩnh Linh (Quảng Trị), được cấp trên cho phép nghỉ tranh thủ, tôi quyết định đạp xe ra Hà Nội rồi ngược lên Thái Nguyên thăm người yêu. Mệt đâu nghỉ đó, sau 6 ngày đêm rồi cũng ra đến Hà Nội lúc trời vừa tối. Nghỉ ở Hà Nội có một đêm, sáng hôm sau, tờ mờ sáng lại tức tốc đạp xe lên Thái Nguyên, gần tối mới đến nơi. Gặp nhau, Phú nhìn tôi rồi bụm miệng cười. Nhìn lại mình, hóa ra toàn thân tôi đã lấm lem bụi đất, mặt mũi nhọ nhem, chỉ còn ánh mắt và hàm răng là lấp lóa...”-nhìn sang vợ, Đại tá Phạm Tuấn trìu mến kể lại.

Nói về chồng, bà Phú không hề giấu giếm những tình cảm trân trọng, bà kể: “Ngày học ở Thái Nguyên, nhiều đôi sinh viên cùng trường yêu nhau, riêng lớp tôi chỉ có mình tôi có người yêu là bộ đội. Các thầy cô và bạn bè rất quan tâm, động viên khiến tôi rất hãnh diện và càng yêu anh ấy hơn...”.

Ra trường, Nguyễn Thị Phú được phân công về công tác tại Viện Thiết kế thuộc Bộ Kiến trúc-nay là Bộ Xây dựng. Đến năm 1971, hai người mới tổ chức đám cưới. Tình yêu của hai người đã cho quả ngọt, hai người con trai lần lượt ra đời là Phạm Ngọc Tú, sinh năm 1972 và Phạm Thanh Bình, sinh năm 1975. Kể về những quãng thời gian sinh con, bà Phú nhớ lại: “Năm 1972, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, vừa sinh Tú được vài tháng, tôi phải bồng con sơ tán về Vĩnh Phúc. Ban ngày sợ giặc Mỹ ném bom, nhiều hôm cứ 4 giờ chiều mới gửi con rồi đạp xe về Hà Nội, xếp hàng mua thực phẩm, đường, sữa cho con. Mua được hàng, đạp xe về với con thì trời cũng vừa sáng. Năm 1975, chồng tôi được giao nhiệm vụ “biệt phái” tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghe tin vợ sinh con thứ hai, anh ấy cũng chỉ kịp xin phép về thăm vợ con chốc lát rồi trở lại công trường”.

Thời gian thấm thoắt trôi đi, sau khi Lăng Bác khánh thành, ông Phạm Tuấn được điều về Phòng Kỹ thuật, rồi phát triển lên tới Đại tá, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuộc đời mình, cho đến bây giờ, ông luôn trân trọng và biết ơn người bạn đời, người vợ mà ông luôn rất mực yêu thương.

NGÔ DUY ĐÔNG