Bà Liên kể: “Sau Chiến dịch Biên giới năm 1950, chỉ huy sở Đoàn Khí xa 151 thuộc Cục Vận tải, Tổng cục Cung cấp (nay là TCHC) đóng quân tại huyện lỵ Quảng Uyên (Cao Bằng). Cán bộ, chiến sĩ trong đoàn thường xuyên làm công tác dân vận. Gia đình tôi từ Hà Nội đi theo kháng chiến, ở ngay huyện lỵ Quảng Uyên để tiện cho công tác của bố tôi, nên cũng được các anh quan tâm.

Ngày 5-2-1951, theo âm lịch là ngày 29 Tết Tân Mão, một anh bộ đội đến nhà chúng tôi giữa lúc b

Ố mẹ tôi chuẩn bị lễ cúng Tất niên. Phong cách chững chạc, anh chủ động chào hỏi và giới thiệu tên mình là Đặng Huyền Phương, công tác ở Đoàn Khí xa 151. Tôi khi ấy 13 tuổi, xưng hô với anh là chú-cháu. Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh là cách nói chuyện khiêm nhường với chất giọng miền Trung ấm áp, quê anh ở xã Vĩnh Tân (nay là phường Vĩnh Tân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Anh nhớ tên từng người trong gia đình tôi. Sau đó không lâu, anh đến thăm nhà tôi một lần nữa rồi bặt tin.

Năm tôi tròn 20 tuổi và đang công tác tại Phòng Quản lý hành chính kinh tế (tiền thân của Cục Hậu cần, TCHC) thì gặp lại anh. Đó là một ngày đầu tháng 6-1958, anh bất ngờ xuất hiện ở nơi chúng tôi đang phục vụ lớp tập huấn do TCHC tổ chức tại khu vực thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc). Nhận ra tôi, anh ngỡ ngàng, bối rối, rồi lựa lời chuyển cách xưng hô từ chú-cháu sang anh-em. Anh cho biết, từ tháng 2-1952, anh đi học, ra trường về làm Trung đội trưởng Trung đội xe 13 (Đại đội 204) đi phục vụ các chiến dịch, tham gia lực lượng tiếp quản Thủ đô, làm cán bộ huấn luyện. Hôm ấy, anh đến giảng bài và đạo diễn diễn tập cho lớp. Mấy hôm sau, tôi nghe các cán bộ dự tập huấn khen anh giảng bài và đạo diễn dễ hiểu. Họ cũng trầm trồ cảm phục “thầy giáo” 30 tuổi được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba vì lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ...

Kết thúc đợt tập huấn, anh về cơ quan trong thành Cửa Bắc (TP Hà Nội). Tôi về Phòng Quản lý hành chính kinh tế ở ngõ Hàng Hành (nay thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm). Anh hay qua lại thăm hỏi, trò chuyện với tôi.

leftcenterrightdel
Vợ chồng Thiếu tướng Đặng Huyền Phương ngày cưới (năm 1958).  Ảnh do gia đình cung cấp 

Một dạo cơ quan TCHC lan truyền một chuyện: Tại buổi điểm danh quân số của cơ quan Cục Quản lý xe máy, 21 giờ ngày chủ nhật 3-8-1958, sau khi đồng chí trực ban gọi tên “Đặng Huyền Phương”, tiếng “có” rõ là dõng dạc. Vậy mà khi trực ban đã chuyển sang nhận xét tình hình chấp hành điều lệnh trong tuần thì lại thấy vang lên tiếng báo cáo: “Tôi-Đặng Huyền Phương xin có mặt”. Cả đội hình cười rộ lên. Hóa ra là anh Đễ, cùng phòng với anh Phương đã báo cáo thay lúc trước... Trực ban chấn chỉnh ngay: “Chúng ta đang xây dựng nền nếp chính quy. Không được “có” hộ như vậy, rõ chưa?”. Tiếng hô “rõ” rất to và đồng thanh, nhưng vẫn lộ ra giọng hô đanh thép của “Đặng Huyền Phương thật”.

Tôi lờ mờ hiểu được nguyên nhân của sự vụ này. Hôm đó, vì đã hẹn với tôi trong khi phải chuẩn bị bài viết để trình thủ trưởng nên anh phải đi lại vất vả mới dẫn đến sự việc trên. Tôi cảm nhận anh là một người biết giữ lời hứa, yêu thương mãnh liệt và có trách nhiệm.

Cuối năm 1958, chúng tôi được cơ quan giúp đỡ tổ chức hôn lễ tại một nhà hàng ở phố Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm), mộc mạc nhưng lịch thiệp và rất vui.

Tình chồng vợ của chúng tôi càng thêm sắt son trong những hoàn cảnh khó khăn, bất trắc. Nhớ giai đoạn 1959-1971, đồng lương của hai vợ chồng nuôi 4 con nhỏ vô cùng vất vả. Anh Phương liên tục đi công tác xa. Cuối năm 1979, anh mới về hẳn cơ quan TCHC công tác cho đến khi nghỉ hưu năm 1991. Kể từ năm 1960 đến 1977, dù 7 lần thay đổi chỗ ở (4 lần điều chỉnh nhà, 3 lần đi sơ tán trong chiến tranh phá hoại), nhưng bằng sự nỗ lực cùng sự giúp đỡ của cơ quan, đơn vị, của đồng đội nên chúng tôi đã vượt qua để luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ quân đội giao cho”.

PHẠM XƯỞNG