Trong giấc chiêm bao, Thách mơ thấy những người đồng đội ở Trường Sơn. Cô nghẹn ngào: “Các anh chị ơi, em nên làm thế nào đây? Có phải em nên quyết định vì người đã khuất! Anh Chất ơi, em xin lỗi, nhưng anh sẽ hiểu cho em phải không?”...
Mỗi khi nhớ về những người đồng đội năm xưa đã nằm lại giữa đại ngàn Trường Sơn trên đất bạn Lào, về liệt sĩ Trần Thị Vịnh-người đồng đội, giờ là em chồng, cựu chiến binh (CCB), thương binh Chu Thị Thách ở phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội lại không nén nổi xúc động. Bà vẫn tự nhủ: “Mình phải sống làm sao cho xứng, cho trọn nghĩa vẹn tình với những người đã ngã xuống”.
    |
 |
Chu Thị Thách (bên phải) và Trần Thị Vịnh chụp ảnh kỷ niệm ở Trường Sơn. |
Cùng tuổi, ở cùng xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội), lại có họ hàng xa bên ngoại nên Chu Thị Thách và Trần Thị Vịnh thân nhau như hai chị em. Về vai vế trong họ, hai người là bác cháu, Thách phải gọi Vịnh là “bá” (theo cách gọi địa phương), nhưng hai cô gái coi nhau như chị em, sớm hôm bên nhau chuyện trò, rất hợp ý. Rồi hai người có quyết định nhập ngũ một ngày. Sau 3 tháng huấn luyện, tháng 10-1971, cùng hành quân vào chiến trường, họ lại về chung một đơn vị, ở Tiểu đoàn 226, Sư đoàn 472, Bộ tư lệnh Trường Sơn đóng quân ở Mường Phìn, Savannakhet, Lào.
Vào Trường Sơn, mỗi người lại được phân công một nhiệm vụ: Thách được cấp trên cử đi học lớp bồi dưỡng y tá rồi về làm quân y ở Tổng đài 4000 của tiểu đoàn còn Vịnh phụ trách nuôi quân ở Đại đội 1, Tiểu đoàn 226. Vịnh như con ong chăm chỉ phụ trách việc cơm ăn, nước uống của đại đội. Còn Thách cũng phấn đấu hết mình cho công việc chuyên môn. Sáng mang sách vở sang trạm xá của tiểu đoàn học lý thuyết, chiều thì chăm sóc thương binh. Nhiệt tình công tác, lại được sự chỉ bảo tận tình của đồng đội, đặc biệt là của người chỉ huy quân y là đồng chí Nguyễn Hồng Chất, Thách càng ngày càng tiến bộ.
“Những ngày đầu chập chững vào nghề, anh Chất đã tận tình chỉ bảo tôi rất nhiều trong công việc chuyên môn cũng như cuộc sống. Không biết từ lúc nào, mầm yêu thương đã nảy sinh giữa tôi và anh”-CCB Chu Thị Thách nhớ lại.
Ngày ở nhà, nhìn thấy máu đã sợ hãi, vậy mà vào Trường Sơn, đồng đội còn phải “chịu” trước sự gan lỳ, dũng cảm của cô. Công việc của một y tá thường xuyên tiếp xúc với thương binh, bệnh binh, trái tim Thách thắt lại khi thấy đồng đội mới nói cười hôm trước mà hôm sau đã mất một cánh tay hay một bên chân. Có những hôm thay băng cho đồng đội mà cô phải cố kìm nén, rồi trốn ra sau lán òa khóc nức nở. Lại có những lúc đau đớn tột cùng khi đồng đội hy sinh ngay trên tay mình.
Rồi một ngày Thách nhận được tin dữ: Vịnh gọi điện lên tổng đài báo cô đã bị thương trong một chuyến công tác tiền phương. Thách động viên Vịnh cố gắng chịu đựng, vào bệnh viện điều trị cho khỏi. “Tôi biết lúc ấy bá Vịnh đau lắm, nhưng không kêu than với tôi nửa lời. Lại còn động viên tôi không phải lo lắng, bá sẽ nhanh bình phục thôi! Ba ngày sau thì tôi nhận được tin bá Vịnh đã hy sinh do vết thương quá nặng”-CCB Chu Thị Thách kể.
Nghĩ mình giờ thêm phần việc dang dở của Vịnh, Chu Thị Thách càng năng nổ hơn trong công tác. Thách vốn bé nhỏ, út ít nhất nên việc tải thương nguy hiểm cấp trên thường không để cô đi. Nhưng Thách không chịu, luôn nhanh chân chạy lên xe trước. Cô bị thương trong một lần đi tải thương như thế. Hôm ấy, sau khi đón được thương binh lên xe, trên đường trở về thì bị máy bay địch bắn, xe lao xuống vực. Thách và đồng đội nhảy xuống thoát nạn nhưng xe thì không cứu được. Chuyến ấy, cô bị thương mất 31% sức khỏe, được xác nhận thương binh hạng 4/4 và cấp trên đề nghị về tuyến sau. Nhưng Thách vẫn kiên gan xin ở lại phục vụ.
Hòa bình lập lại, tháng 12-1975, Thách khoác ba lô về quê nhà. Việc đầu tiên cô làm là sang thăm gia đình liệt sĩ Trần Thị Vịnh. Bố mẹ Vịnh không nén nổi xúc động khi nghe Thách kể chuyện chiến trường. Nắm lấy tay cô, mẹ của Vịnh nói trong nước mắt: “Con ơi, Vịnh đã hy sinh rồi, mong con về làm dâu gia đình con nhé! Chỉ cần nhìn thấy con, gia đình mình cũng nguôi ngoai mà bớt đau thương”...
Lời đề nghị của bố mẹ Vịnh khiến lòng Thách rối như tơ vò: Nếu đồng ý lấy anh Trần Cao Đỉnh-anh trai Vịnh, thì cô sẽ trọn nghĩa với đồng đội. Nhưng còn tình yêu với anh Chất, hai người đã hẹn ước hết chiến tranh, cô sẽ về Nam Đàn, Nghệ An quê anh làm dâu... Lại nghĩ đến người đồng đội đã nằm lại nơi đại ngàn Trường Sơn, cô thực không đành lòng. Nhiều đêm Thách không ngủ, nước mắt thấm đẫm gối hoa. Trong giấc chiêm bao, Thách mơ thấy những người đồng đội Trường Sơn. Cô nghẹn ngào: “Các anh chị ơi, em nên làm thế nào đây? Có phải em nên quyết định vì người đã khuất! Anh Chất ơi, em xin lỗi, nhưng anh sẽ hiểu cho em phải không?”... Suy nghĩ mãi rồi Thách cũng nhờ người báo tin cho anh Chất biết quyết định của mình. Vì việc này, anh đã trách cô nhiều lắm...!
    |
 |
Cựu chiến binh Chu Thị Thách (người ngồi) trước mộ liệt sĩ Trần Thị Vịnh tại Nghĩa trang Liệt sĩ Nam Gianh, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, tháng 5-2010. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Nửa năm sau, đám cưới của Chu Thị Thách và Trần Cao Đỉnh diễn ra trong lời chúc phúc và tình cảm ấm nồng của gia đình hai bên cùng bà con thôn Vật Lại. Sau ngày cưới, Thách trở thành người vợ hiền, dâu thảo trong gia đình. Hằng ngày, Thách đi làm ở xưởng may thương binh Hà Sơn Bình (ở Sơn Tây), còn anh Đỉnh thì công tác tại một đơn vị ở Vĩnh Phúc. Cứ cuối tuần, anh về đón chị, hai vợ chồng lại lóc cóc đạp xe 15km từ Sơn Tây về Ba Vì thăm hỏi, phụng dưỡng họ hàng hai bên.
Thời gian trôi, CCB Chu Thị Thách đã có một mái ấm êm đềm với hai người con “đủ nếp, đủ tẻ” nhưng trong lòng luôn day dứt vì chưa tìm được hài cốt liệt sĩ Trần Thị Vịnh. Năm 2010, nhờ sự giúp đỡ của đồng đội Ban liên lạc thông tin Sư đoàn 472, bà Thách đã tìm được mộ liệt sĩ Trần Thị Vịnh. Bà xúc động cho biết: “Năm 2010, Ban liên lạc thông tin Sư đoàn 472 đã tổ chức một chuyến đi thăm lại chiến trường xưa để tìm mộ em tôi. Nhờ sự giúp đỡ hết mình của đồng đội mà gia đình đã tìm được mộ em ở Nghĩa trang Liệt sĩ Nam Gianh, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngày đưa em Vịnh trở về, tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm, bởi ước mong của bố mẹ chồng, của gia đình đã được toại nguyện!”.
Kể về anh Chất, CCB Chu Thị Thách vui vẻ cho biết: Sau này, anh Chất cũng hiểu chuyện và coi cô như người em gái. Anh nghỉ công tác sớm và đã có một tổ ấm hạnh phúc tại quê nhà Nghệ An. Thi thoảng, hai gia đình gọi điện qua lại thăm hỏi nhau, cùng chia sẻ vui buồn và động viên nhau vượt qua những khó khăn của cuộc sống!
PHẠM THU THỦY