Rót chén trà nóng mời chúng tôi, GS, TS Mai Ngọc Chừ bảo: Tôi đã đọc bài viết “Từ lá thư gửi ra tiền tuyến...”, nói rồi ông bồi hồi kể: Sau ngày trao lá thư cho bạn học Lê Ngọc Văn, ông luôn mong chờ nhận được hồi âm. Nhưng đợi mãi tin vui chưa thấy thì đầu năm 1975 lại nhận tin dữ từ người nhà của Đỗ Hồng Xoan báo cho ông biết, một người từ miền Nam về nói rằng có người con gái tên Xoan ở xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã hy sinh trên chiến trường. Cả tên và địa chỉ đều trùng khớp, chiến tranh lại đang ở giai đoạn ác liệt nên gia đình cho rằng Xoan đã hy sinh. Nghĩ rằng người mình yêu đã hy sinh, Mai Ngọc Chừ rất đau buồn. Lời hứa sẽ gặp lại nhau trước lúc Xoan lên đường vẫn còn vang vọng trong tâm khảm người giảng viên trẻ.
Nhưng số phận đã mỉm cười với mối nhân duyên giữa hai người, khi ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cận kề, Mai Ngọc Chừ nhận được lá thư của Xoan gửi đến Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nơi ông đang công tác. Trong thư của Đỗ Hồng Xoan có đoạn: “Chiến trường ác liệt, nhưng sắp đến ngày kết thúc rồi. Em đã gặp anh Văn và nhận được thư của anh. Em rất mừng!”. Xiết bao vui mừng, Mai Ngọc Chừ thấy lòng mình lâng lâng. Xoan vẫn còn sống và sẽ trở về! Mai Ngọc Chừ sau đó về quê báo ngay cho gia đình Xoan “tin vui bất ngờ”. Tin buồn trước đây chỉ là sự trùng hợp hy hữu vì xã Việt Thuận cũng có một cô gái tên là Xoan đi bộ đội và hy sinh.
Từ khi nhận được lá thư hồi âm của người yêu, ông Chừ mong ngóng từng ngày được gặp lại Xoan. Nhưng phải mãi đến năm 1977, Xoan mới được chuyển ra miền Bắc. “Ngay khi Xoan về tới nhà, người nhà vui mừng báo tin lên cho tôi. Tôi đã bắt xe ngay về Thái Bình. Chúng tôi mừng mừng tủi tủi gặp nhau sau 4 năm xa cách”, ông Chừ nhớ lại. Tình yêu của họ dành cho nhau vẫn không hề phai nhạt dù đã nhiều năm không gặp. Nguyện vọng của Xoan khi đó là được vào học tại khoa ông Chừ đang giảng dạy là Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau vài tháng miệt mài sách vở, Xoan thi đỗ vào trường, nhưng do điểm môn Sử cao nên nhà trường xếp cô vào Khoa Lịch sử. Lúc đó, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mới mở thêm Khoa Pháp lý được một năm. Hai người đã bàn nhau và thống nhất để Xoan xin sang học tại Khoa Pháp lý.
Trải qua thời gian và nhiều thử thách, khi tình yêu đến độ "chín", hai người quyết định nên duyên chồng vợ. Năm 1978, được sự đồng ý của hai bên gia đình, Mai Ngọc Chừ và Đỗ Hồng Xoan đã tổ chức đám cưới. “Ngày tổ chức đám cưới, trời mưa gió, con đường đất ngày thường trở nên lầy lội. Dự định ban đầu đi xe đạp đón dâu đã không thể thực hiện được vì bánh xe bị dính bùn không thể di chuyển. Cả đoàn đón dâu phải xắn quần, lội qua quãng đường khoảng 5km để đến nhà gái. Khi tới nhà Xoan, đoàn đã bị chậm mất 1 giờ”, ông Chừ bật cười nhớ lại.
Trong câu chuyện với chúng tôi, GS, TS Mai Ngọc Chừ vẫn không giấu nổi sự xúc động, thậm chí là cả ngỡ ngàng khi có được cái kết có hậu cùng người con gái mình yêu thương. "Nếu không bởi duyên phận thì có lẽ hai người đã nghìn trùng xa cách, sao có thể được sánh bước bên nhau cho đến bây giờ!", ông tâm sự. Còn chúng tôi, khi biết đến câu chuyện này thì có cùng suy nghĩ như tác giả Lê Ngọc Văn đã viết: "Chiến tranh làm cho cuộc sống trở nên không bình thường và nhiều điều còn chưa được khám phá. Và tôi đã may mắn được làm giọt mưa trong câu chuyện tình lãng mạn của bạn tôi".
Câu chuyện tình lãng mạn ấy giờ đây vẫn được người trong cuộc tiếp tục nối dài bằng niềm hạnh phúc và thành công trong cuộc sống. Bà Đỗ Hồng Xoan hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, còn GS, TS Mai Ngọc Chừ đang là Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Ngôn ngữ học, Chủ tịch Hội Hàn Quốc học Việt Nam từ năm 2011 đến nay. Dù tuổi không còn trẻ nữa nhưng ông bà luôn tâm niệm, còn sức khỏe thì còn tiếp tục cống hiến, làm việc có ích cho xã hội. Mặc dù công việc bận rộn là thế, ông bà vẫn luôn dành thời gian quan tâm, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Hai người con trai của ông bà đều thành đạt, làm kinh tế tốt, có cuộc sống gia đình hạnh phúc.
VŨ TUẤN