Chấn hưng văn hóa trong Đảng
Tại lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên đề quản lý văn hóa ở TP Hồ Chí Minh, báo cáo viên kể câu chuyện rất đáng suy ngẫm. Chuyện là, nhân dịp thân phụ anh vào tuổi thượng thọ, hai người em của anh đặt thợ kim hoàn nổi tiếng chế tác một bức tranh đúc đồng, dát vàng, khung gỗ quý, với hình ảnh hai cụ già ngồi dưới gốc cây đa chơi cờ, hai bên là đôi câu đối thể hiện phúc đức gia đình và thái độ tri ân của con cháu. Bức tranh có giá gần 20 triệu đồng, khá nặng nên phải thuê xe ô tô chở về. Nhiều người trong họ tộc trầm trồ, mừng cho hai cụ có phước. Nhưng cũng có người thì to nhỏ rằng, bức tranh ấy treo ở biệt thự thì đẹp, chứ để trong ngôi nhà cấp 4 nơi thôn dã, chả khác gì anh nông dân mặc áo bà ba, quấn khăn rằn, đeo kính hàng hiệu. Là người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, anh cũng thấy nó không thiết thực, nhưng vì các em rất hào hứng nên anh đành chiều theo. Sau lễ mừng thọ vài tuần, thân phụ anh hốt hoảng gọi điện thông báo với các con, bức tranh treo tường bị rơi, vỡ tung tóe. May mà không trúng người. Ba má anh nói rằng, đồ đạc trong nhà tự nhiên đổ vỡ là điềm báo chẳng lành nên lo lắng, bất an. Vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các con không thể về. Vậy là kính chẳng bõ phiền, món quà đắt giá trở thành tác nhân gây hại. Nguyên nhân là bởi, để treo những bức tranh nặng hàng chục ký như vậy đòi hỏi phải có thiết bị chuyên dụng. Chỉ sử dụng mấy cái tích kê bằng nhựa, bắt đinh vít nhỏ xíu vào tường, nó rớt là phải...
Từ câu chuyện ấy, báo cáo viên đề nghị mọi người rút ra bài học về xây dựng văn hóa trong Đảng. Giá trị phổ quát của văn hóa Đảng là văn hóa dân tộc. Văn hóa Đảng là một bộ phận, là nơi hội tụ, kết tinh, biểu hiện tập trung của văn hóa dân tộc. Văn hóa Đảng là một trong những nhân tố quyết định năng lực, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng. Chấn hưng, phát triển văn hóa Đảng là giải pháp củng cố, tăng cường sức mạnh nội sinh, nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức.
Muốn chấn hưng văn hóa trong Đảng thì mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, mỗi tổ chức đảng ở cơ sở phải có ý thức củng cố các giá trị văn hóa dân tộc. Nói theo cách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phải giữ lấy “nếp nhà”, giữ lấy “chân quê”. Đó là những giá trị của nội hàm văn hóa dân tộc. Muốn phát triển, phải củng cố thật chắc, thật vững yếu tố nền tảng, gốc rễ. Trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh hội nhập quốc tế, những cơ hội lớn về thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế ngày càng nhiều, kéo theo đó là sự du nhập, giao thoa các luồng văn hóa, nền văn hóa đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khắp toàn cầu. Đó là một tất yếu khách quan. Nhưng nếu chúng ta mải mê chạy theo doanh thu, lợi nhuận về kinh tế, mang tư tưởng sính ngoại về văn hóa mà bỏ quên “nếp nhà”, coi nhẹ “chân quê” thì tất yếu sẽ dẫn đến những đứt gãy, đổ vỡ cục bộ về văn hóa dân tộc. Nó chả khác gì chủ nhà tìm mua bức tranh đẹp, được làm bằng những chất liệu đắt tiền, nhưng thiết bị treo tường không vững chắc, tất sẽ dẫn đến đổ vỡ. Ấy là chưa nói đến việc tiếp thu văn hóa thiếu chọn lọc, sính ngoại cực đoan, tất sẽ dẫn đến sự lai căng, kệch cỡm kiểu “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”...
Kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống
Cần thấy rằng, văn hóa là lĩnh vực các thế lực thù địch triệt để khai thác, lợi dụng để truyền bá tư tưởng phản động, chống phá Đảng, chống phá chế độ. Bên cạnh ra sức tận dụng tiện ích công nghệ và internet để truyền bá sản phẩm xấu độc, phản văn hóa, các thế lực thù địch tập trung mũi nhọn tấn công vào nền tảng văn hóa, đạo đức trong Đảng. Chúng tìm mọi cách làm cho cán bộ, đảng viên, nhất là giới trí thức, văn nghệ sĩ chạy theo những trào lưu, xu hướng mới, lạ, dần dần coi nhẹ dẫn tới bỏ quên văn hóa truyền thống, lãng quên gốc rễ, bản sắc.
Nhìn lại các vụ án xét xử những đối tượng phạm tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” trên cả nước những năm gần đây, dưới góc nhìn văn hóa, chúng ta nhận thấy: Đa số các đối tượng trước khi sa chân vào vực thẳm, họ đều là những công dân được nuôi dưỡng, trưởng thành trong môi trường giáo dục xã hội chủ nghĩa. Nhiều đối tượng từng là những trí thức, công chức trong hệ thống chính trị. Chỉ vì bất mãn do tham vọng cá nhân không được đáp ứng hoặc mâu thuẫn với tổ chức nên đã “trở cờ”, biến mình thành con rối cho các thế lực thù địch giật dây, phản bội Tổ quốc. Bên cạnh đó, trong số các đối tượng đang được các thế lực thù địch tung hô bằng những thứ danh hão như: “Nhà nghiên cứu”, “nhà phản biện”, “nhà hoạt động xã hội”, “nhà dân chủ”, “nhà hoạt động nhân quyền”... có không ít người có học hàm, học vị, từng giữ các cương vị quan trọng trong hệ thống chính trị; được Đảng, Nhà nước, nhân dân nuôi dưỡng, đào tạo nhưng đến lúc nghỉ hưu, nghỉ việc, ra nước ngoài... thì lập tức “tự chuyển hóa”, biến thành công cụ cho các thế lực thù địch lợi dụng, quyết liệt chống phá Đảng, chống phá đất nước. Đó là điển hình của thói vong ân bội nghĩa, “qua cầu rút ván”. Họ không ý thức được rằng, khi tấm ván bị chính họ rút đi, mặt cầu sẽ để lại lỗ hổng. Cái lỗ hổng ấy chính là biểu hiện của sự mất gốc về văn hóa. Không ai khác, chính bước chân của những kẻ “rút ván” sẽ lại giẫm vào lỗ hổng ấy, rơi xuống vực sâu...
Phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong... Tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn hạn chế; chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc (nói nặng ra là “vô văn hóa”, “phản văn hóa”)... Những yếu kém, bất cập nêu trên chậm được giải quyết mặc dù đã được nhắc đi, nhắc lại trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Sự yếu kém, khuyết điểm này đã gây hệ lụy, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hóa của chúng ta...
Trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế, yêu cầu của quá trình giao thoa, tiếp thu văn hóa quốc tế là phải “gạn đục khơi trong”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” nhằm bổ sung, bồi đắp những giá trị tốt đẹp cho nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo đảm sự hài hòa, thống nhất trong phát triển. Có những giá trị, những sản phẩm văn hóa mặc dù phổ biến ở xứ người, nhưng khi đưa về nhà mình thì chưa hẳn đã phù hợp. Thậm chí, nếu du nhập và áp dụng một cách khiên cưỡng, có thể lại là tác nhân gây hại cho đời sống văn hóa của đất nước, làm tổn hại đến bản sắc văn hóa dân tộc. Bức tranh đắt tiền có thể rất đẹp trong biệt thự, nhưng đem về nơi hương đồng cỏ nội thì chưa hẳn đã phù hợp.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đạo đức, văn minh vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu trong xây dựng văn hóa của Đảng. Trong nghị quyết qua các kỳ đại hội Đảng, mới nhất là tại Đại hội XIII, Đảng luôn xác định, xây dựng văn hóa trong Đảng chính là xây dựng đạo đức cán bộ, đảng viên, nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Xây dựng và thực hành văn hóa Đảng còn là quá trình đấu tranh liên tục, bền bỉ, kiên trì, kiên quyết, lấy các giá trị văn hóa chống lại những thứ phản văn hóa, để Đảng ta ngày càng xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”. Như vậy, xây dựng văn hóa Đảng vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp chiến lược của xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đã và đang thực hiện hội nhập mạnh mẽ vì mục tiêu xây dựng, phát triển một nước Việt Nam hùng cường, việc xây dựng và thực hành văn hóa Đảng trở nên vô cùng cấp bách và cần thiết để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, củng cố niềm tin của nhân dân. Củng cố, chấn hưng các giá trị văn hóa, đạo đức trong Đảng là vấn đề then chốt để bảo tồn, phát huy truyền thống, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Muốn vậy, việc kết hợp giữa xây và chống phải được thực hiện có hiệu quả ngay từ mỗi tổ đảng, mỗi chi bộ, trở thành nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên. Đứng trước cái hay, cái đẹp phải biết bảo vệ, trước thói hư, tật xấu phải biết đấu tranh, ngăn chặn, loại bỏ. Xây dựng văn hóa Đảng phải bắt đầu từ những phần việc rất cụ thể như vậy chứ không phải là lý thuyết suông, hô hào chung chung...
PHAN TÙNG SƠN