Qua phân tích, trinh sát cho rằng, vì đã ở nước ngoài lâu nên khi trở về, Trần Thoàn sẽ phải điều tra tình hình rồi mới dám bắt liên lạc với đồng bọn và cơ sở. Từ nhận định đó, trinh sát khẩn trương dựng lại lý lịch của đối tượng, tìm ra những nơi hắn có thể ẩn náu để bố trí lực lượng điều tra, giám sát.

Ngoài địa chỉ gia đình, vợ con, nội ngoại, Trần Thoàn còn có quan hệ với hơn 20 bạn bè và hàng chục cô gái là nhân tình ở nhiều nơi, kể cả địa bàn biên phòng và nội địa. Cùng một lúc phải tiến hành điều tra, bố trí cơ sở, giám sát nhiều đối tượng trên nhiều địa bàn nên trinh sát gặp không ít khó khăn. Hai tháng trôi qua, các tổ trinh sát của Nguyễn Duy Nghì, Lê Tiến Sâm và Nguyễn Đức Trường đã có báo cáo về Ban chỉ đạo vụ án. Tổng hợp nguồn tin thấy một số tình tiết đáng chú ý: Ngày 12-9-1988, có tin Trần Thoàn mặc comple màu trắng, đội mũ nồi đen, ngồi uống cà phê với một người tóc xoăn, râu quai nón ở quán Gió-một tụ điểm khá có tiếng ở trung tâm TP Hồ Chí Minh bấy giờ. Trinh sát chưa kịp xác minh lai lịch người chủ quán Gió thì chiều hôm sau lại có tin: Trần Thoàn mặc lễ phục đi trong đoàn giáo dân vào nhà thờ cách quán Gió 30km về phía Nam. Người phụ trách nhà thờ là linh mục Phê-rô Vàng. Vàng trước đây đã từng là sĩ quan tuyên úy trong quân đội ngụy Sài Gòn. Trinh sát chưa làm rõ được mối quan hệ này thì sáng ngày 15-9, cơ sở báo tin: Trần Thoàn vận quần áo bộ đội, ngồi sau chiếc xe Honda nữ màu xanh, biển số YY-331. Người cầm lái là cô gái khoảng 25 tuổi. Cô ta mặc quần vải bò, áo tím cánh dơi, mái tóc nâu, uốn ốp xuống cổ, thân hình cân đối, nở nang giống như một vận động viên thể thao. Họ đi với nhau trên đường phố Vũng Tàu...

Tin tức về Trần Thoàn liên tiếp báo về, tin trước chưa xác minh xong lại có tin sau làm cho các đồng chí từ Ban chỉ đạo vụ án đến các đội trinh sát đều phải tập trung trí lực, nhận định, phán đoán, bổ sung kế hoạch, điều chỉnh lực lượng bí mật khá vất vả. Ban chỉ đạo xác định đột phá từ thông tin về “cô gái có mái tóc nâu”.

Từ những thông tin cơ sở cung cấp, tổ trinh sát của Thượng úy Nguyễn Duy Nghì đã biết rõ số nhà và lai lịch của cô gái có mái tóc nâu. Tên cô ta là Bạch Thị Như Sương, con gái duy nhất của bà Đào Thị Hải. Chồng bà Hải đã mất từ lâu, bà ở vậy nuôi Sương học hết cấp hai. Được mẹ nuông chiều từ nhỏ, lớn lên, Sương là một cô gái lười lao động, thích ăn diện và giao du khá rộng. Do có vóc người to khỏe, lại bị ảnh hưởng lối sống của thời Mỹ-ngụy nên Sương sống rất ngang tàng. Cô ta sẵn sàng lao vào các cuộc ẩu đả cho dù đối thủ đó là trai hay gái. Vì thế, đã 27 tuổi, Sương vẫn chưa lấy chồng. Theo đồng chí công an khu vực cho biết, nghe đâu Sương đã có bầu với lão kỹ sư Ba Vinh, người TP Hồ Chí Minh. Thỉnh thoảng ông ta hay đến nhà Sương và nhiều lần ngủ đêm ở đó.

leftcenterrightdel
 Minh họa: QUANG CƯỜNG

Lại từ những thông tin trên, tổ trinh sát tìm cách tiếp cận Bạch Thị Như Sương. Một buổi tối, phát hiện Sương giao dịch thuốc tây với một cô gái. Trinh sát ập đến bắt quả tang Sương mua bán thuốc giả. Cô ta bị dẫn về đồn công an. Dọc đường, Sương van xin được tha. Anh cảnh sát có vẻ mủi lòng và dẫn Sương đến gặp riêng đồng chí “Trưởng công an phường” Nguyễn Duy Nghì. Thấy cán bộ ôn tồn, lại hiểu biết khá sâu về hoàn cảnh và lai lịch gia đình mình nên Sương thật thà trả lời các câu hỏi. Theo Sương khai, Ba Vinh là người TP Hồ Chí Minh, vợ con anh ta đã di tản sang Mỹ từ năm 1975. Hiện Ba Vinh trú ở biệt thự Việt Cường, phố X. Ba Vinh mới quen Sương hai tháng, qua mai mối của Bảy Tạo. Bảy Tạo trước đây làm thông dịch trong sở Mỹ, đã đi cải tạo hai năm, nay về là chủ cửa hàng may mặc Tân Tiến ở TP Hồ Chí Minh. Bảy Tạo người thấp, tóc xoăn, râu quai nón. Hắn là “bồ” của Đậu Thị Bình Mơ-chủ quán Gió. Bảy Tạo quen Ba Vinh nhờ linh mục Phê-rô Vàng giới thiệu bằng thư tay. Bảy Tạo mối lái Ba Vinh quen biết Như Sương, tạo điều kiện để hắn chinh phục cô. Thực ra, trong việc làm này, Bảy Tạo đã hàm ý trả thù Như Sương vì hắn đã tốn rất nhiều công sức mà không ve vãn nổi Như Sương. Vì theo Bảy Tạo, Ba Vinh cũng chỉ thuộc vào loại giang hồ ngang trời dọc biển, trước sau rồi Như Sương cũng bị hắn phụ bạc...

Đến đây có căn cứ để kết luận rằng: Cả Bảy Tạo và Bạch Thị Như Sương cũng chỉ hiểu Ba Vinh qua linh mục Phê-rô Vàng. Vậy Ba Vinh là người như thế nào, nếu là kỹ sư thời trước, chắc phải có hồ sơ trình diện?

Trinh sát đến phòng lưu trữ hồ sơ của Sở Công an thành phố tìm, nhưng không có kỹ sư nào tên là Ba Vinh. Đến con phố Sương nói, cũng không có biệt thự Việt Cường mà chỉ có ngôi nhà đề biển Vương Cường. Theo các đồng chí cảnh sát khu vực thì đó là ngôi nhà của một người Hoa đã bỏ về Trung Quốc, nay địa phương dùng để làm chỗ cho các cháu mẫu giáo học. Tên chủ nhà Vương Cường trước đây làm nghề bán sủi cảo. Như vậy, ở đây không có kỹ sư Ba Vinh nào cả, mà có thể là một đối tượng mới. Trinh sát tìm trong hồ sơ có tấm ảnh Trần Thoàn đang ôm một cô gái khỏa thân và “vô tình” để Bạch Thị Như Sương nhìn thấy. Cô ta bỗng kêu lên, mặt tái dần và òa khóc: “Đây là kỹ sư Ba Vinh, người yêu của tôi! Thảo nào tuy đã chung sống nhưng khi tôi bàn cưới, anh ta chỉ ậm ừ rồi mất hút cả tuần nay. Trời đất ơi, tôi đã bị tên quỷ đực ấy lừa dối!”.

Rồi như nhận ra sự thất thố của mình, cô gái quay sang Nguyễn Duy Nghì xin lỗi và nói: “Nhờ anh chỉ chỗ Ba Vinh cho tôi. Trước đây, tôi tin hắn, gửi gắm tình cảm vợ chồng. Còn bây giờ, tôi muốn gặp Ba Vinh để thanh toán món nợ đời!”.

Qua diễn biến thái độ của cô gái, trinh sát xác định Ba Vinh chính là Trần Thoàn. Trinh sát chứng minh cho Bạch Thị Như Sương biết rằng, không có kỹ sư Ba Vinh mà cũng không có biệt thự Việt Cường nào cả. Cô đã bị lừa dối, nhưng để giữ danh dự cho cô và gia đình nên câu chuyện vừa rồi phải giữ kín. Cô hãy giúp cơ quan an ninh tìm ra “tên lưu manh” đó. Cô gái hiểu ra và hứa làm đúng lời dặn của người cán bộ.

Một tuần nữa qua đi, tình hình vẫn im ắng. Mạng lưới cơ sở báo về không có tin gì mới. Ban chỉ đạo vụ án phán đoán không khéo bị lộ, phải thay đổi phương án đấu tranh... Nhưng rồi, đột nhiên Bạch Thị Như Sương đến gặp tổ trưởng Nghì. Cô để khẩu súng lục lên bàn, nói: “Em bắn nó rồi! Xin nộp khẩu súng này cho anh!”.

Quá bất ngờ, song Nguyễn Duy Nghì bình tĩnh hỏi lại sự việc. Như Sương kể: “Đêm qua nó mò về gặp em, nhưng vì quá khuya nên không đi báo các anh được. Em có giữ nó lại nhưng nó cứ khăng khăng ra đi. Tiễn nó đến sân bóng đá thì em nổ súng. Nhưng nó không chết. Khi thấy nó rên rỉ, đau đớn, van xin, em đã băng vết thương và cõng nó vào viện. Đến viện, em nói là nghịch súng bị cướp cò. Chính tên Ba Vinh bảo em khai như thế, bây giờ em đưa các anh vào bắt nó!”.

Nửa giờ sau, không cần cô gái dẫn đường, các chiến sĩ đã có mặt bên giường bệnh của Trần Thoàn. Bác sĩ tưởng những người đến thăm là bạn bè thân thích của hắn nên mới an ủi: “Vết thương xoàng thôi, gắng điều trị sẽ khỏi”. Còn Trần Thoàn thì hiểu ngay là hắn đã bị sa lưới.

TRỌNG HƯNG