Tác hại từ cái nhìn định kiến

Để hiểu rõ hơn về những việc làm thiếu khách quan, thể hiện rõ định kiến của RSF khi đánh giá chỉ số tự do báo chí ở Việt Nam, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách có hệ thống. Kể từ lần đầu tiên công bố chỉ số tự do báo chí ở các quốc gia, vùng lãnh thổ hằng năm, bắt đầu từ năm 2002, chưa có năm nào RSF xếp hạng tự do báo chí của các nước xã hội chủ nghĩa cũng như các quốc gia, vùng lãnh thổ có quan điểm, lợi ích khác với các nước phương Tây ở mức cao. Đặc biệt, các nước như: Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba... luôn bị RSF xếp nằm ở những vị trí cuối bảng xếp hạng. Chính vì vậy, việc RSF tiếp tục lặp lại sự đánh giá mang tính định kiến ấy khi công bố “Bảng xếp hạng tự do báo chí thế giới 2023” hoàn toàn không có gì lạ.

Với những người làm báo chân chính trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam và dư luận truyền thông tiến bộ, đã từ lâu, không mấy ai còn quan tâm đến cái gọi là “bảng xếp hạng” của RSF. Bởi ai cũng hiểu, đó là sự đánh giá phiến diện, không phản ánh đúng sự thật khách quan về tự do báo chí ở Việt Nam. Tuy nhiên, với các thế lực thù địch và những thành phần cơ hội, bất mãn thì đây lại chính là đề tài để họ đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc, chống phá nền báo chí cách mạng Việt Nam. Cũng giống như các năm trước, ngay sau khi RSF công bố “Bảng xếp hạng tự do báo chí thế giới 2023”, truyền thông có tư tưởng thù địch với Việt Nam đã lập tức lấy đó làm căn cứ để tiếp tục đẩy mạnh rêu rao luận điệu xuyên tạc, cho rằng “vi phạm tự do báo chí” ở Việt Nam không những không được cải thiện mà ngày càng tụt sâu xuống sát đáy bảng xếp hạng.

Từ đó, họ đưa ra những phân tích, bình luận, đánh giá, giải pháp lèo lái dư luận đòi phải đấu tranh cho tự do báo chí, thúc đẩy các hoạt động phi pháp, kêu gọi thành lập, phát triển các hình thức “báo chí độc lập”, “nhà báo độc lập”... ở Việt Nam. Thực chất là họ tạo cớ nhằm quy chụp, phủ nhận, phá hoại vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với hoạt động báo chí ở Việt Nam. Những luận điệu xuyên tạc, phản động này đã được họ thực hiện một cách có hệ thống từ lâu. Và hằng năm, vào dịp chúng ta tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6) thì hoạt động của hệ thống truyền thông mang tư tưởng thù địch lại tiếp tục các chiêu bài tuyên truyền chống phá rất rầm rộ.

Lấy hiện tượng để quy chụp bản chất, căn cứ vào kiểu đánh giá “thầy bói mù xem voi” để tạo cớ gây điểm “nóng” truyền thông, lôi kéo những thành phần, đối tượng bất mãn, chống đối vào cuộc chống phá đất nước là thủ đoạn rất nham hiểm của các thế lực thù địch. Chúng hiểu rõ vai trò hết sức quan trọng của báo chí, truyền thông đối với việc duy trì sự ổn định và phát triển của đất nước ta nên mọi diễn biến trong đời sống báo chí, truyền thông đều được chúng nhắm vào, triệt để lợi dụng, khai thác những vụ việc tiêu cực nhằm phục vụ cho ý đồ, mục tiêu phá hoại. Mặt khác, việc thực hiện các chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc tự do báo chí, tự do ngôn luận còn là chiêu bài để họ xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do dân chủ... đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” ở nước ta.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: tuyengiao.vn  

Nhìn nhận vấn đề một cách có hệ thống để chúng ta có căn cứ khoa học, thực tiễn, đánh giá đúng sự thật, duy trì tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hóa trong các luật liên quan như: Luật Báo chí năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018... Theo đó, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là một quyền cơ bản của công dân. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Cũng như các quyền khác của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí phải trong khuôn khổ pháp luật. Khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, công dân phải tuân thủ các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ chế độ xã hội, bảo vệ Nhà nước và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người khác.

Hiểu rõ những quy định của pháp luật và thực tiễn việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì mới có sự đánh giá, nhìn nhận khách quan, trung thực về tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Việt Nam không vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí. Mọi hoạt động của nhà báo và công dân trên tinh thần thượng tôn pháp luật đều được pháp luật bảo vệ. Tiếc thay, vì những định kiến khó xóa bỏ nên hằng năm, RSF đều đưa ra những nhận định, đánh giá mang tính chủ quan, quy chụp, võ đoán, sai lệch, thiếu công bằng về tự do báo chí ở Việt Nam...

Là những người làm báo chân chính, những công dân yêu nước, chúng ta cần nhận thức đầy đủ mức độ nguy hại từ những thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật của truyền thông có tư tưởng thù địch đã và đang tiếp tục công kích, xuyên tạc môi trường tự do báo chí ở Việt Nam. Nhìn nhận vấn đề đa chiều, khách quan là cách thức để chúng ta cụ thể hóa phương châm, quan điểm kết hợp “xây” với “chống”, “lấy xây để chống” trên mặt trận tư tưởng văn hóa, góp phần bảo vệ vững chắc môi trường tự do báo chí và nền báo chí cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Không ai có quyền đứng trên luật pháp

Để nhận diện rõ hơn âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong lĩnh vực tự do báo chí, chúng ta cần tiếp tục lật tẩy những “lá bài” đã được họ triệt để khai thác, lợi dụng. Theo những luận điệu xuyên tạc của truyền thông có tư tưởng thù địch rêu rao trên không gian mạng thời gian qua, một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam bị RSF xếp hạng chỉ số tự do báo chí năm 2023 rất thấp là do Việt Nam “bắt bớ”, “đàn áp” một số “nhà báo độc lập” đấu tranh cho tự do dân chủ. Một trong những đối tượng đó là Đường Văn Thái, vừa bị Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ vì hành vi xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Việt Nam. Công dân yêu nước và dư luận tiến bộ trên không gian mạng không ai lạ gì bộ mặt thật của Đường Văn Thái, một đối tượng bất mãn, suy thoái tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trở thành kẻ phản bội đất nước, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, nhân dân. Vậy nhưng, y lại được các thành phần bất mãn và truyền thông hải ngoại có tư tưởng thù địch với Việt Nam tung hô như một “người hùng”. Họ gắn cho Đường Văn Thái danh xưng “nhà báo độc lập”, “phóng viên độc lập” rồi lu loa lên rằng, việc bắt giữ y là hành vi “đàn áp nhà báo”, rồi cho rằng Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí...

Việc tung hô, tự phong cho những đối tượng vi phạm pháp luật như Đường Văn Thái là “nhà báo” để quy chụp, xuyên tạc thông tin, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí là chiêu trò “lập lờ đánh lận con đen” của các tổ chức, cá nhân có tư tưởng thù địch với Việt Nam. Trước Đường Văn Thái, một số đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí, sử dụng không gian mạng thực hiện các hành vi tuyên truyền chống phá Nhà nước cũng đã bị xử lý nghiêm minh. Tự do ngôn luận, tự do báo chí không có nghĩa là tự cho phép mình đứng trên luật pháp, bất chấp luật pháp để thực hiện các hành vi chống phá đất nước, phản bội Tổ quốc. Không thể chấp nhận kiểu tự do vi hiến. Không ai có quyền đứng trên luật pháp. Chính vì vậy, việc RSF lấy cớ Việt Nam xử lý công dân vi phạm pháp luật để “đánh bùn sang ao”, cho rằng Việt Nam vi phạm tự do báo chí là hoàn toàn không có cơ sở.

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2023), hướng tới ngày lễ lớn kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam vào năm 2025. Đó cũng là dịp cả nước mừng đại lễ 50 năm đất nước thống nhất. Bên cạnh các phong trào, chương trình hành động cách mạng, chuỗi hoạt động kỷ niệm diễn ra trong bầu không khí thi đua, đoàn kết, sôi nổi, rộng khắp cả nước; các thế lực thù địch cũng ra sức tăng cường những chiến dịch truyền thông xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, chống phá đất nước. Khoét sâu vào các vụ việc tiêu cực trong môi trường báo chí để ngụy tạo luận cứ, luận chứng, xuyên tạc luận điểm; kích động, kêu gọi thành lập các tổ chức, loại hình “báo chí độc lập”, “nhà báo độc lập”... sẽ tiếp tục là những vấn đề được các thế lực thù địch triệt để khai thác, lợi dụng, thực hiện. Trách nhiệm của hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, trực tiếp là cấp ủy, cơ quan, đơn vị quản lý và tập thể người làm báo chân chính cũng như cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị các cấp và công dân yêu nước... là cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc quyền và nghĩa vụ của mình để tham gia các phong trào hoạt động có hiệu quả. Bảo vệ, thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đồng thời nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức tự giác đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch là việc làm thường xuyên, liên tục trong hoạt động báo chí và đời sống báo chí của chúng ta.

PHAN NGUYỄN