Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dân ta chưa có tự do báo chí. Nếu có chỉ là có chế độ kiểm duyệt báo chí của nhà nước thực dân Pháp nhằm thực thi chính sách ngu dân phục vụ cho chế độ cai trị bóc lột đối với xứ sở thuộc địa.

Cho nên sau khi nhà nước non trẻ của chúng ta vừa ra đời, ngày 29-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 41 quy định về chế độ báo chí nhằm bảo đảm quyền được thông tin cho mọi người dân Việt Nam sống trong độc lập tự do.

Nhưng ngay sau đó, chúng ta lại phải tiến hành cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ gian khổ để đến năm 1954 mới giành được một nửa nước là miền Bắc xã hội chủ nghĩa, còn một nửa miền Nam vẫn sống dưới chế độ Mỹ-ngụy phản động. Thời kỳ này thông tin báo chí ở hai miền hoàn toàn khác nhau. Miền Bắc tiến hành cải cách ruộng đất nhưng đã vấp phải một số sai lầm. Một số tờ báo và cá nhân đã lợi dụng sự kiện này để xuyên tạc sự thật, khoét sâu những sự việc nhỏ thành to, gieo rắc sự hoài nghi, bi quan đối với chế độ, với Đảng và nhân dân, gây chia rẽ nội bộ... Ở miền Nam, báo chí phản động ra sức tuyên truyền phá hoại Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, phá hoại công cuộc thống nhất đất nước. Những tiếng nói chân chính của người dân không được tôn trọng, luôn bị ngăn cấm, bắt bớ, đàn áp...

Trước tình hình đó, ở miền Bắc, theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, theo nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, sau khi được Ban thường trực Quốc hội thoả thuận, ngày 14-12-1956, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 282/SL về báo chí chiểu sắc lệnh số 41 năm 1946, nhằm hoàn thiện hơn những quy định về báo chí trong tình hình mới giai đoạn này. Sắc lệnh gồm 3 chương 19 điều, quy định cụ thể về tính chất nghĩa vụ của báo chí; quy định về quyền lợi và hoạt động của báo chí và các điều khoản thi hành.

Ngay mở đầu của sắc lệnh, điều 1 đã nêu rõ: “Sắc lệnh này nhằm bảo đảm quyền tự do ngôn luận của nhân dân trên báo chí và ngăn cấm những kẻ lợi dụng quyền ấy làm phương hại đến công cuộc đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ của nước nhà”.

Như vậy, báo chí thời kỳ này bất kỳ là của cơ quan chính quyền, đảng phái chính trị, đoàn thể nhân dân hoặc của tư nhân cũng đều là công cụ đấu tranh của nhân dân, phải phục vụ quyền lợi của Tổ quốc, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, ủng hộ Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Báo chí có nghĩa vụ tuyên truyền giáo dục công chúng, thực hiện tốt mọi đường lối, chính sách của nhà nước; đấu tranh chống mọi âm mưu, hành động và luận điệu phá hoại công cuộc xây dựng miền Bắc vững mạnh, công cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc, phá hoại hòa bình, đoàn kết và hữu nghị với bạn bè quốc tế.

Về quyền lợi và hoạt động của báo chí, sắc lệnh ghi rõ quyền tự do ngôn luận của nhân dân, của tất cả báo chí được bảo đảm; không phải kiểm duyệt trước khi in. Báo chí có thể phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân đối với cơ quan Nhà nước, đoàn thể. Quyền lợi của các nhà báo chuyên nghiệp được Chính phủ quy định.

Về điều kiện hoạt động của báo chí: Tờ báo phải có chủ nhiệm hoặc chủ bút chịu trách nhiệm. Tôn chỉ mục đích của tờ báo phải rõ ràng. Không tuyên truyền chống pháp luật của nhà nước, chia rẽ dân tộc; không tuyên truyền chiến tranh, tiết lộ bí mật quốc gia; không tuyên truyền dâm ô, trụy lạc, đồi bại. Báo nào đăng bài vu khống, xúc phạm đến danh dự của một tổ chức hay cá nhân, thì đương sự có quyền yêu cầu báo ấy cải chính...

Về điều khoản thi hành, tờ báo nào vi phạm điều 8 về xin phép xuất bản; điều 9 hoặc điều 12 về vi phạm pháp luật; điều 10 về xâm phạm danh dự hoặc quyền lợi của người khác, tập thể khác... đều bị trừng phạt, từ phạt tiền đến tịch thu ấn phẩm. Chủ nhiệm, hoặc chủ bút cùng với tác giả chịu trách nhiệm với bài viết của mình.

Điều khoản chung đề ra thật rõ ràng. Nó áp dụng cho tất cả các ấn phẩm có tính chất báo chí, tập san viết bằng tiếng Việt; hoặc bằng tiếng nước ngoài, kể cả họa báo, xuất bản đều kỳ và không đều kỳ; ra từng tờ hoặc đóng thành từng tập, từng quyển, in bằng máy, bằng rô-nê-ô, in đá, in thạch, bán hoặc phát không, lưu hành trong nhân dân hoặc từng ngành, từng tổ chức...

Thủ tướng Chính phủ quy định những chi tiết thi hành sắc lệnh này.

Thật đầy đủ và minh bạch. Sắc lệnh thể hiện sự tiến bộ về quyền tự do ngôn luận của công dân trên báo chí trong một đất nước mà tất cả mọi người đang ra sức phấn đấu cho công cuộc xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà.