Tỉnh táo trước những kiểu ngụy biện

Đòi xóa bỏ cách gọi “ngụy quân”, “ngụy quyền” là vấn đề được không ít người mang danh “học giả”, “nhà nghiên cứu”... lên tiếng trong thời gian gần đây. Đặc biệt là ở những thời điểm tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với việc đòi xóa bỏ cách gọi “ngụy quân”, “ngụy quyền”, những người có tư duy theo hướng này còn lên giọng đòi công nhận chính quyền tay sai ở Sài Gòn trước năm 1975 là một chính thể với cái gọi là “Chính quyền Sài Gòn” hay “Chính quyền Việt Nam Cộng hòa”...

Tại sao lại có kiểu lập luận đi ngược lại sự thật lịch sử như vậy? Đầu tiên, đây là luận điệu của một số phương tiện truyền thông phát tiếng Việt có tư tưởng thù địch ở hải ngoại. Họ lên giọng xuyên tạc, đòi công nhận chính quyền tay sai bán nước là một “chính thể quốc gia”, xuyên tạc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là một cuộc “nội chiến” giữa miền Bắc và miền Nam. Từ đó, họ cổ xúy những tổ chức phản động, những thành phần bất mãn trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thực hiện mưu đồ “chuyển lửa về quê nhà” nhằm thực hiện mục tiêu “phục quốc”. Họ gọi ngày 30-4-1975 bằng ngôn từ mang đầy tính hiềm khích, kích động hận thù “ngày quốc hận”, coi tháng tư hằng năm là “tháng tư đen”...

Những tư tưởng thù địch này đã xuất hiện từ lâu. Trong tiến trình thúc đẩy hòa hợp dân tộc, rất nhiều tổ chức, cá nhân Việt Nam ở nước ngoài đã liên tục lên tiếng phản đối tư tưởng thù địch này. Một trong những cá nhân điển hình là cựu Phó tổng thống chính quyền tay sai Sài Gòn Nguyễn Cao Kỳ. 20 năm trước, trong lần đầu tiên trở về quê hương sau gần 30 năm xa cách, ông đã khóc và có những chia sẻ rất chân thành, thẳng thắn với truyền thông trong nước và quốc tế. Ông Nguyễn Cao Kỳ khẳng định: Việc treo cờ hay thành lập các tổ chức “phục quốc” xuất phát từ những người không đại diện cho ai cả. Đất nước đã được thống nhất rồi, bây giờ vẫn còn ngoái cổ nói là phục quốc. Nước Việt Nam có mất cho ngoại bang đâu mà nói phục quốc. Nếu thực sự họ (tức những người có tư tưởng thù địch với đất nước-PV) có tinh thần yêu nước thì họ ngồi im mà biết suy nghĩ, chứ đừng hành động đi theo một lũ côn đồ. Một lũ đó là hám danh, hám lợi, lừa gạt mọi người...

Lẽ ra, chính kiến của những người có tầm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng người Việt ở hải ngoại sẽ góp phần thức tỉnh những cái đầu còn mê muội, ảo tưởng. Nhưng, không hiểu sao các luận điệu sai trái vẫn tiếp tục được các phương tiện truyền thông thù địch ra rả tuyên truyền, kích động với tần suất, mức độ ngày càng nhiều.

Đáng tiếc, những luận điệu sai trái đó lại được một số thành phần mang danh “học giả”, “nhà nghiên cứu” trong nước cổ xúy, hùa theo. Thời gian gần đây, họ bám theo luồng tư tưởng này để ngụy biện một cách tinh vi, bài bản hơn. Họ cho rằng, cách gọi “ngụy quân”, “ngụy quyền” là hình thức phân biệt đối xử, miệt thị... những thành phần đã từng ở bên kia chiến tuyến. Xóa bỏ cách gọi đó, thay bằng “Chính quyền Sài Gòn”, “Chính quyền Việt Nam Cộng hòa”, “Quân đội Việt Nam Cộng hòa”... và công nhận chính quyền đó là một chính thể vừa là giải pháp thực hiện bình đẳng, hòa hợp dân tộc, vừa là căn cứ khoa học để đòi lại chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa...

leftcenterrightdel

Thực tế, kiểu lập luận ngụy biện này đã đánh lừa nhận thức của không ít người. Họ cho đó là một sự “thay đổi tư duy” để phù hợp với xu thế thời đại. Thời gian gần đây, trong một số tác phẩm văn học, báo chí và trên một số diễn đàn, hội thảo, tọa đàm..., những người tổ chức, biên soạn đã thực hiện theo hướng này. Nếu chúng ta im lặng, bàng quan, nhắm mắt làm ngơ trước những biểu hiện sai trái này thì sẽ rất nguy hiểm. Đáng chú ý là hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và kiều bào yêu nước khắp nơi trên thế giới đang thực hiện các phong trào thi đua, chương trình hành động hướng tới kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất. Bám vào dòng chủ lưu, các thế lực thù địch và những đối tượng cực đoan, có tư tưởng chống phá đất nước cũng ra sức xuyên tạc lịch sử, lèo lái dư luận hiểu sai lệch bản chất của Ngày hội thống nhất non sông 30-4. Những luận điệu nêu trên, dù không mới, nhưng khi được thực hiện với tần suất dày đặc, bằng nhiều hình thức, tận dụng tiện ích, lợi thế của các nền tảng mạng xã hội, nó sẽ có tác dụng theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Sự ảnh hưởng của nó đến an ninh chính trị, môi trường văn hóa trên không gian mạng và “trận địa tư tưởng lòng dân”... là vô cùng nguy hiểm.

Sự thật lịch sử là điều không thể thay đổi

Chính vì vậy, chúng ta cần tiếp tục nhận diện, vạch rõ và chủ động các phương thức đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn “tẩy sử”, “lật sử” của các thế lực thù địch. Trước hết, cần tiếp tục nhấn mạnh và khẳng định ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn là một phần của lịch sử dân tộc, không ai có thể chối bỏ. Nhìn ra khu vực và thế giới, không có bất cứ quốc gia, nhà cầm quyền nào lại công nhận một chính quyền do các thế lực ngoại bang dựng lên để đô hộ dân tộc mình là một chính thể. Về bản chất, ai cũng rõ, chính quyền Sài Gòn trước ngày giải phóng miền Nam là một chính quyền tay sai, do Mỹ dựng lên, hoàn toàn không phải là một chính thể. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mục tiêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào...”. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là đỉnh cao có ý nghĩa quyết định của cuộc kháng chiến trường kỳ đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành lại độc lập dân tộc, toàn vẹn non sông, thống nhất đất nước. Lấy cớ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc, đẩy mạnh hội nhập quốc tế để đòi công nhận chính quyền tay sai như một “chính thể” là điều hoàn toàn phi lý và vô nghĩa. Lịch sử là phải tôn trọng sự thật. Không ai có quyền sửa đổi hay đòi hỏi phải thay đổi theo ý đồ thâm hiểm.

Việc để cho những tư tưởng lệch lạc này “ký sinh” vào môi trường học thuật cần phải được nhận diện thẳng thắn và có hình thức, giải pháp đấu tranh, lên án mạnh mẽ. Rồi đây, thế hệ con cháu chúng ta sẽ nhìn nhận lịch sử dân tộc như thế nào nếu trong các tài liệu sử học, trong các tác phẩm văn học-nghệ thuật, báo chí... không còn xuất hiện tên gọi ngụy quân, ngụy quyền mà được thay thế bằng chính thể như đã dẫn ở trên?

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã được nâng tầm lên đối tác chiến lược toàn diện. Môi trường hữu nghị, hợp tác  đòi hỏi đôi bên phải cùng gác lại quá khứ, mở hướng tương lai để thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, gác lại quá khứ không phải là xóa bỏ lịch sử hay thay đổi sự thật lịch sử. Thúc đẩy hợp tác phát triển phải dựa trên nền tảng lịch sử, tôn trọng sự thật lịch sử. Đảng, Nhà nước ta luôn nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của các mối quan hệ hợp tác chiến lược và luôn nỗ lực vun đắp cho mối quan hệ ấy ngày càng phát triển bền vững. Chính những đối tượng “không đại diện cho ai cả” như lời khẳng định của cựu Phó tổng thống chính quyền tay sai Sài Gòn mới là tác nhân kích động hận thù, cản trở hòa hợp dân tộc. Cái kiểu “vừa đánh trống vừa la làng” trong môi trường số, cứ đến dịp tháng tư hằng năm lại ra rả những luận điệu xuyên tạc, kích động, nhân danh yêu nước để chống phá đất nước cần đấu tranh lên án mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục...

Đấu tranh bảo vệ chính nghĩa trên mặt trận tư tưởng văn hóa trong môi trường số hiện nay là cuộc đấu tranh rất cam go, phức tạp. Trong một số lĩnh vực, phân khúc của đời sống xã hội, hiệu lực, hiệu quả của pháp luật không phải lúc nào cũng đắc dụng. Trong những trường hợp đó, dư luận xã hội và vai trò của công tác lý luận, phê bình cần được coi trọng, đề cao.

Hiện nay, chúng ta đang khởi động các chương trình, hoạt động hướng đến đại lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Các hoạt động kỷ niệm ngày 30-4 năm nay có ý nghĩa bản lề, khởi động cho chuỗi hoạt động hướng đến ngày đại lễ vào năm 2025. Sẽ có rất nhiều thành phần, tổ chức tham gia vào các chương trình tọa đàm, hội thảo, biểu diễn nghệ thuật, xuất bản... Đây cũng chính là môi trường thuận lợi để những thành phần có tư tưởng cực đoan, thù địch lợi dụng, tìm kẽ hở để truyền bá tư tưởng lệch lạc, sai trái. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng, đội ngũ cán bộ làm công tác biên tập, thẩm định, cấp phép... cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhãn quan chính trị, không để “lọt lưới” những tác phẩm, sản phẩm văn hóa có chứa nội dung xấu độc.

Việc lơ là, chủ quan, thẩm định qua loa, đại khái hoặc có biểu hiện dao động, ngả nghiêng dẫn đến môi trường văn hóa, nghệ thuật, truyền thông xuất hiện những sản phẩm xấu độc, sau đó phải ra quyết định thu hồi đã từng xảy ra không ít lần. Nó để lại những hệ lụy phức tạp trong dư luận xã hội. Nhắc lại và tiếp tục nhấn mạnh những vấn đề không mới nhưng có tính nguyên tắc, không bao giờ cũ cũng chính là nhằm góp phần giữ trong sạch cho môi trường tư tưởng văn hóa trong bối cảnh hiện nay. Muốn phát triển bền vững, phải tôn trọng sự thật lịch sử, bài trừ kiểu lập luận ngụy biện, dân túy...

PHAN NGUYỄN