Từ 3 thất bại cơ bản trong cuốn sách “Những thảm họa quân sự: Giải phẫu thất bại trong chiến tranh” của Eliot Cohen và John Goch, Thiếu tá G.Heritage cho rằng, quân ngụy Sài Gòn đã thất bại trong việc rút ra những bài học trong lịch sử; không có khả năng dự báo hành động của đối phương và đưa ra các biện pháp đáp trả đối phương; không linh hoạt khi xử lý các tình huống phát sinh.

Không học từ lịch sử

Tác giả cho rằng, việc sử dụng không quân hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch quân sự hiện đại. Trên thực tế, chỉ huy quân đội ngụy Sài Gòn đã có cơ hội để học bài học này khi họ bị tấn công năm 1972. Theo tác giả, khi quân đội Bắc Việt bắt đầu tấn công từ ngày 30-3-1972 với lực lượng khoảng 150.000 quân trên nhiều hướng, thì các lực lượng Mỹ và quân đội ngụy Sài Gòn đã sử dụng không quân một cách hiệu quả để chặn cuộc tấn công, gây tổn thất cho Quân Giải phóng. Thế nhưng, tới khi bị tấn công năm 1975, quân đội ngụy Sài Gòn đã không sử dụng hiệu quả không quân, dù rằng lực lượng này vẫn chiếm ưu thế vượt trội. Điều này một phần là do tư lệnh các quân đoàn nắm quyền chỉ huy không quân và xác định ưu tiên cho các chiến dịch hỗ trợ tác chiến gần. Bên cạnh đó, liên lạc giữa mặt đất và trên không hạn chế nên các trận ném bom phần lớn đều lãng phí. Chỉ huy không quân của ngụy quyền Sài Gòn cũng không được đánh chặn đối phương nếu không có sự chuẩn y của tư lệnh quân đoàn.

leftcenterrightdel
 Xe tăng Quân Giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy, ngày 11-3-1975. Ảnh tư liệu

Một bài học thất bại nữa từ lịch sử là việc bố trí 4 vùng chiến thuật. Chiến lược này chỉ phát huy hiệu quả từ trước năm 1972, chống lại các trận đánh du kích. Kể từ năm 1972, lực lượng Quân Giải phóng đã nhiều hơn và tiến hành các trận đánh lớn tới cấp quân đoàn thì cách bố trí 4 vùng chiến thuật đã trở nên lạc hậu, không hỗ trợ được lẫn nhau khi chỉ duy trì khả năng phòng thủ khu vực, không có khả năng cơ động tác chiến. Thế nên, khi bị tấn công năm 1975, quân ngụy phải cố gắng phòng thủ ở mọi nơi, thiếu phòng ngự chiều sâu của lực lượng dự bị hay chi viện.

Trong số những bài học lịch sử mà tác giả chỉ ra, đánh nghi binh là bài học rất kinh điển trong quân sự mà quân ngụy không rút ra được. Trích dẫn học thuyết quân sự của lục quân Mỹ: Bên tấn công có thể thu hút sự chú ý của bên phòng ngự bằng việc kết hợp hỏa lực và lực lượng hỗ trợ hoặc các cuộc tấn công nghi binh, trong khi di chuyển quân chủ lực để đánh chọc sườn hoặc hậu phương của bên phòng ngự... Tác giả cho rằng, Quân Giải phóng lại thực hiện học thuyết này rất tốt khi tiến hành các cuộc tấn công nghi binh dọc khu phi quân sự ở phía bắc và bất ngờ chọc sườn ở Buôn Ma Thuột. Chiếm được địa điểm này, Quân Giải phóng lập tức giữ chặt Tây Nguyên bằng cách chặn các đường giao thông chủ đạo, cô lập các đơn vị của ngụy quân để tiêu diệt.

Cũng theo tác giả, Quân Giải phóng đã chứng tỏ tài nghệ quân sự khi tập trung sức mạnh đánh điểm quyết định: Buôn Ma Thuột. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, họ (Quân Giải phóng) chiếm điểm quyết định là Buôn Ma Thuột, vì thành phố này kiểm soát một trục giao thông chính và là trung tâm hậu cần, chỉ huy của sư đoàn 23 ngụy.

Thất bại trong dự báo

Theo tác giả, ngụy quyền Sài Gòn đã hiểu sai ý đồ của Mỹ. Khi tình hình chính trị trong nội bộ nước Mỹ thay đổi, họ đã sai lầm khi tin rằng các lực lượng Mỹ sẽ can thiệp nếu quân cộng sản tiến hành đánh lớn. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tin Mỹ sẽ can thiệp vì Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã hứa trong thư: “Ông có sự bảo đảm chắc chắn của tôi rằng nếu Hà Nội không tuân thủ các điều khoản của hiệp định này thì tôi sẽ có hành động trả đũa nhanh và mạnh”. Thế nhưng, tình thế thay đổi, Nixon từ chức và Quốc hội Mỹ trở nên ngày càng miễn cưỡng trong việc tiếp tục chiến tranh ở Việt Nam.

Một thất bại khác trong dự báo là ngụy quyền Sài Gòn đã đánh giá thấp khả năng của đối phương và hoàn toàn bất ngờ khi bị tấn công quy mô lớn. Trong tính toán của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, có hai kịch bản xảy ra là Quân Giải phóng sẽ thực hiện đảo chính, lật đổ để giành chính quyền hoặc tiến hành tấn công chiếm đóng một khu vực nào đó ở miền Nam, khi đó Mỹ sẽ can thiệp.

Ngược lại, khả năng dự đoán hành động đối phương của Quân Giải phóng rất giỏi và từ đó tận dụng điểm yếu của đối phương. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, các cuộc tấn công nghi binh của họ ở phía tây Pleiku đã khiến tướng Phú, tư lệnh quân đoàn 2 của quân đội ngụy Sài Gòn, phải tăng cường cho khu vực này. Thế nhưng, khi làm như vậy đã vô tình tạo ra điểm yếu trong phòng ngự vì chỉ còn hai tiểu đoàn để giữ Buôn Ma Thuột, nên Quân Giải phóng dễ dàng chiếm được Buôn Ma Thuột và từng bước tiến quân ra phía biển.

Thất bại trong việc thích ứng

Khi bị tấn công, lãnh đạo ngụy quyền Sài Gòn đã không thích ứng và hành động quyết đoán. Theo đó, đã không chỉ huy và kiểm soát hiệu quả vì thiếu một cấu trúc chỉ huy hiệu quả. Tổng thống Thiệu chỉ huy chiến dịch mà không chỉ định một cấp phó để chỉ huy các lực lượng bộ binh, không quân, hải quân và đặc nhiệm. Bản thân ông Thiệu đảm nhiệm vai tư lệnh lục quân và chỉ đạo các chiến dịch. Do không chỉ huy và kiểm soát hiệu quả, quân đội ngụy Sài Gòn không thể thích ứng với nhịp độ tấn công của đối phương. Khi Buôn Ma Thuột thất thủ và Quân Giải phóng bắt đầu tiến về phía biển để chia cắt quân đội ngụy Sài Gòn, lúc này ông Thiệu bị buộc phải hành động bằng cách thay đổi chiến lược tử thủ do mình tuyên bố trước đó với quyết định rút quân khỏi Tây Nguyên vào ngày 14-3-1975, khiến quân đội chỉ có hai ngày để chuẩn bị rút quân. Việc rút lui của ngụy quân trở thành một thảm họa quân sự khi 165.000 quân của quân đoàn II rút lui mà không được lập kế hoạch hay chuẩn bị gì. Trong khi đó, các đường chính ở Tây Nguyên đã bị Quân Giải phóng phong tỏa, chỉ để mở tuyến đường 7B không dễ cho một quân đoàn rút lui, bởi đường xấu, cây cỏ mọc um tùm và nhiều cây cầu đã bị đánh sập.

Tác giả kết luận, ngược lại với những điểm yếu của quân đội ngụy, Quân Giải phóng đã thể hiện kỹ năng đặc biệt trong hành quân, nghi binh và hậu cần chiến dịch. Từ việc giành được Tây Nguyên khiến cho đối phương bất ngờ, Quân Giải phóng đã linh hoạt thực hiện các chiến dịch tấn công chủ động mạnh mẽ cho tới ngày toàn thắng.

NAM LONG