Khi đến Viện Kỹ thuật Cơ giới Quân sự tìm hiểu về các sản phẩm công nghệ do cán bộ, nghiên cứu viên, nhân viên của Viện thực hiện, Đại tá, Tiến sĩ Trần Hữu Lý, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Cơ giới Quân sự đưa cho tôi danh sách tới hàng chục sản phẩm, trong đó có 10 nhóm trang bị kỹ thuật cho Đội Công binh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của nước ta.
Đại tá Trần Hữu Lý kể: “Từ năm 2020, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam được giao nhiệm vụ tham gia sâu rộng hơn trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trong đó có xây dựng Đội Công binh. Cùng với huấn luyện sĩ quan, nhân viên Đội Công binh là việc bảo đảm phương tiện, trang bị kỹ thuật cho đội làm nhiệm vụ. các loại phương tiện, trang bị này phải bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu của Liên hợp quốc. Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã gửi tới các tổ chức trong và ngoài nước đề nghị cung cấp trang thiết bị.
Trong đó, có nước đã chào hàng lô 300 trang bị với trị giá hàng trăm tỷ đồng. Nhận được thông tin trên, Viện đã chủ động xây dựng hồ sơ, gửi đến Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam về năng lực thiết kế, công nghệ và giải pháp cải hoán 10 nhóm trang bị kỹ thuật phục vụ cho Đội Công binh hoạt động”.
|
|
Xe thiết giáp quân y BTR-152 do Viện Kỹ thuật Cơ giới Quân sự nghiên cứu, thiết kế, lắp ráp.
|
Trước đó, vào đầu năm 2017, Viện Kỹ thuật Cơ giới Quân sự nhận nhiệm vụ nghiên cứu cải hoán xe thiết giáp BTR-52 thành xe cứu thương để trang bị cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 phục vụ lực lượng gìn giữ hòa bình của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Liên hợp quốc, làm nhiệm vụ ở Nam Sudan. Viện đã tập hợp các cán bộ, nhân viên giàu kinh nghiệm, trình độ cao, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Tổng cục Kỹ thuật, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), Bệnh viện Quân y 175 và Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam để thiết kế, lựa chọn mẫu, thiết bị, khí tài và lắp đặt xe cứu thương.
Chỉ trong vòng 3 tháng, Viện đã cải hoán, lắp đặt hoàn chỉnh chiếc xe thiết giáp cứu thương được ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất, như: Camera ảnh nhiệt, thiết bị định vị vệ tinh, thiết bị thông tin liên lạc vô tuyến, camera hỗ trợ lái xe và chỉ huy; hệ thống điều hòa, làm mát... Xe bảo đảm hoạt động tốt trong mọi điều kiện địa hình, khí hậu, thời tiết; sử dụng nhiên liệu diesel tiêu chuẩn Liên hợp quốc, tốc độ hành quân trung bình 40km/giờ, tốc độ cao nhất đạt 65km/giờ. Ngoài những trang thiết bị chuyên ngành y tế, xe còn được trang bị giáp có khả năng chống đạn súng bộ binh đến cỡ 7,62mm. Qua hoạt động thử nghiệm và cơ quan chức năng Liên hợp quốc kiểm tra, đánh giá xe thiết giáp cứu thương của Việt Nam đạt đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế, có nhiều tính năng vượt trội hơn so với một số xe cùng loại.
“Từ những kinh nghiệm nghiên cứu thiết kế, cải hoán đó, sản phẩm của chúng tôi đã được Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam lựa chọn. Đầu năm 2021, Viện được phê duyệt thiết kế, cải hoán, lắp đặt 10 nhóm trang bị kỹ thuật. Đến tháng 8-2021, Viện hoàn thành, bàn giao 10 nhóm trang bị kỹ thuật cho Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và tổ chức huấn luyện, chuyển giao tới cán bộ, nhân viên Đội Công binh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”, Đại tá Trần Hữu Lý cho biết.
|
|
Đại tá, Tiến sĩ Trần Hữu Lý báo cáo về xe thiết giáp quân y BTR-152 trước đoàn kiểm tra của Liên hợp quốc. Ảnh: CƠ VIỆN
|
10 nhóm trang bị kỹ thuật cho Đội Công binh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, gồm: Xe thiết giáp cứu thương, xe thiết giáp chở quân, xe hút chất lỏng, công trình xa sửa chữa nhà ở, công trình xa sửa chữa ô tô, moóc chở nước, moóc chở hàng, moóc chở dầu, moóc một trục chở đèn chiếu sáng cơ động, moóc tải nhẹ chở vật dụng sinh hoạt. 10 nhóm này đều thiết kế, lắp ráp theo tiêu chuẩn, yêu cầu của Liên hợp quốc và có lốp dự phòng, phụ tùng đồng bộ.
Ngoài các xe cơ sở loại URAL-4320 do Liên Xô sản xuất, nhiều modul như thùng, moóc tải, cần cẩu và các thiết bị khác do công nghiệp quốc phòng nước ta sản xuất. Riêng xe thiết giáp cứu thương và chở quân được thiết kế, lắp các thiết bị bảo vệ an toàn cao, có camera hiện đại để quan sát, nhìn đêm; khoang xe có thiết bị điều hòa nhiệt độ, bảo đảm làm việc tốt trong môi trường nắng nóng tới 50-55 độ C. Các xe còn được lắp thiết bị trợ lực lái, sử dụng nhiên liệu theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc.
“Ngoài 10 nhóm trang bị kỹ thuật cho Đội Công binh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, năm 2021, trước tình hình phức tạp của đại dịch Covid-19, Bộ Quốc phòng giao Cục Quân y chủ trì cải hoán, lắp ráp xe cơ động xét nghiệm, phòng, chống dịch Covid-19. Viện phối hợp với Cục Quân y tiến hành nghiên cứu thiết kế, cải hoán 5 xe xét nghiệm với hình thức gói thầu EPC (thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp). Chỉ trong một tháng (từ ngày 11-8 đến 9-9-2021), Viện đã hoàn thành nhiệm vụ, các sản phẩm được nghiệm thu, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả cao”, Đại tá Trần Hữu Lý cho biết thêm.
HƯƠNG HỒNG THU