Hiện nay, hầu hết họ đều ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng dưới mái nhà chung mang tên Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, câu chuyện của những ngày chưa xa trong mỗi dịp hội ngộ với những người lính ấy vẫn vẹn nguyên khí thế của tuổi đôi mươi hừng hực sức trẻ ra trận và khát vọng trao truyền cho mai sau...
Một thời trên con đường huyền thoại
Đúng sinh nhật lần thứ 69 của Bác, ngày 19-5-1959, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở tuyến vận tải Trường Sơn-hay còn có tên gọi khác là Đường Hồ Chí Minh, bí mật chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.
    |
 |
Lãnh đạo Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tiếp Đại sứ Cuba Lianys Torres Rivera, tháng 12-2019. Ảnh: NGỌC MAI |
Trong 16 năm thực hiện sứ mệnh lịch sử, mặc bom cày, đạn xới, những người lính Trường Sơn từ chiến sĩ lái xe, công binh mở đường hay bộ đội đường ống xăng dầu, dân công hỏa tuyến đến những chiến sĩ quyết tử phá bom từ trường… đều không quản ngại gian khổ, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Ông Vũ Văn Chạy (sinh năm 1947, ở thôn 3, xã Ea M’Nang, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc) nguyên là lái xe thuộc Tiểu đoàn 52, Binh trạm 14 từng kể với chúng tôi: “Suốt 4 năm (từ năm 1968 đến 1972) trực tiếp lái xe trên tuyến đường Trường Sơn, tôi cùng đồng đội không nhớ nổi biết bao lần đối mặt với lửa đạn của không quân Mỹ cùng những chiến dịch càn quét khốc liệt của bộ binh ngụy. Xe thường chạy vào ban đêm nhưng lại không được bật đèn, chỉ dùng loại đèn “rùa” nhỏ xíu để rọi đường. Vậy mà xe chúng tôi vẫn cứ chạy. Những chuyến xe cứ hối hả vượt cung, tăng chuyến, “lấn sáng, lấn chiều” để kịp giao hàng...”.
Ông Như Ngọc Thắng, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh Cao Bằng thì nhớ mãi lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ sinh tử của mình vào một đêm tháng 9-1972: “Hôm ấy, tổ phá bom từ trường của Binh trạm 16 gồm đồng chí Lý Sinh Hồi-lái xe phóng từ, tôi và đồng chí Đào Văn Vị là thợ phá bom được thông báo, dưới ngầm Thác Cóc (Lệ Thủy, Quảng Bình) và trên bờ còn 24 quả bom chưa nổ. Nhiệm vụ của chúng tôi là bằng mọi giá phải phá bom để thông đường. Lần đầu tiên làm nhiệm vụ, lại nghe số bom chưa nổ khá nhiều, tôi cũng sởn cả da gà nhưng lòng dặn lòng không thể từ nan. Tôi và đồng chí Lý Sinh Hồi trèo lên xe phá bom, đồng chí Vị sẵn sàng lên thay nếu đợt 1 không thành. Khi còn cách ngầm khoảng 50m, xe dừng lại. Theo đài quan sát báo từ trước thì điểm này có 4 quả ở trên bờ, tôi tính toán đếm dòng điện chạy qua khung dây từ 1 đến 8 rồi ngắt. “Oàng!”. Bom nổ. Đất cát bay rào rào tung cả lên nóc xe. Thành công này củng cố niềm tin, tôi tiếp tục yêu cầu đưa xe xuống ngầm và bình tĩnh hơn trong thao tác kỹ thuật. Cuối cùng, chúng tôi thở phào sung sướng khi hoàn thành nhiệm vụ”.
Những năm ấy, việc vận chuyển chi viện cho chiến trường qua đường Trường Sơn bằng cơ giới là chủ yếu, nên xăng dầu trở thành nhu cầu cấp thiết. Vận chuyển xăng dầu bằng đường ống dùng cây lồ ô; kiệu phuy xăng qua các trọng điểm, lót ni lông vào ba lô gùi xăng, vần các phuy xăng qua suối đã được sử dụng nhưng cuối cùng đều phải bỏ bởi những tổn thất đáng tiếc mà hiệu suất không cao. Chúng tôi không thể quên những đôi mắt rưng rưng của các CCB đường ống xăng dầu khi kể về những thử thách cam go của lực lượng. Đó là lần gùi xăng qua trọng điểm 468 của Binh trạm 12, 40 chiến sĩ cả nam và nữ bị ngộ độc xăng, có người đã hy sinh; đợt vần các phuy xăng dọc suối qua trọng điểm Trạ Ang của Binh trạm 14, bị địch đánh bất ngờ, có đêm đưa được 30 phuy xăng qua trọng điểm thì 29 người hy sinh và hàng chục người bị thương. Bộ đội Trường Sơn phải đổi máu lấy xăng. “Chúng tôi phải dùng sức người kéo ống như kéo pháo vào Điện Biên Phủ năm xưa. Nhất là khi bắc ống vượt sông, máy bay Mỹ gầm rú trên đầu, thả pháo sáng rực trời. Anh em lợi dụng ánh sáng đó để thi công. Cứ lắp xong một đoạn ống, hiệu lệnh kéo vang lên, bờ bên này nâng ống, bờ bên kia níu dây kéo ống qua. Không có máy móc chuyên dụng, chúng tôi phải mượn trâu của địa phương, cày một đường thật sâu trên mặt đất để đặt từng đoạn ống rồi lấp lại. Cứ như vậy, mỗi đêm đặt được khoảng 1km”-Đại tá Mai Trọng Phước, nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần, người trực tiếp chỉ huy thi công những tuyến ống xăng dầu đầu tiên cho biết…
Không thể kể hết những câu chuyện và thành tích được lập nên bởi những người lính “chân trần, chí thép” trên tuyến lửa năm nào. Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh là một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một kỳ tích của thế kỷ 20 trong ký ức của những người lính đã từng sống, chiến đấu nơi đây.
“Lửa Trường Sơn” cháy mãi
Trở về với cuộc sống đời thường, những người lính Trường Sơn luôn nhớ và tự hào về những ngày tháng gian khổ mà oai hùng ấy. Nhưng do nhiều lý do khác nhau, họ phải mất khá nhiều thời gian để tìm kiếm, kết nối với nhau. Ban đầu chỉ là sự kết nối của những nhóm bạn chiến đấu cùng mặt trận, đơn vị đơn lẻ, dần dần đã hình thành các ban liên lạc (BLL) truyền thống. Đến năm 2011, Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam chính thức được thành lập, lấy ngày 19-5 - Ngày sinh của Bác, cũng là ngày ra đời của Bộ đội Trường Sơn, làm ngày truyền thống. Các hoạt động hội được tập thể thống nhất cao trên tinh thần dân chủ, tự nguyện với quy chế, mục đích rõ ràng: Hội là nơi tập hợp, đoàn kết hội viên, giữ gìn, phát huy truyền thống, bảo vệ di sản Trường Sơn anh hùng; tổ chức và phối hợp các hoạt động tri ân nghĩa tình Trường Sơn, giáo dục thế hệ trẻ, góp phần xây dựng đất nước. Năm 2016, hội được công nhận là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đến nay, hội đã có 95 tổ chức trực thuộc với hơn 30 vạn hội viên.
    |
 |
Bác sĩ Trung tâm Nhân đạo Trường Sơn, Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam khám bệnh cho người dân huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, tháng 6-2019. Ảnh: KHÁNH AN |
Các đồng chí lãnh đạo của hội hiện nay như Chủ tịch-Thiếu tướng Võ Sở; các Phó chủ tịch: Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Thiếu tướng Hoàng Kiền, Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, Đại tá Trần Văn Phúc, Đại tá Nguyễn Văn Ninh đều đã ở tuổi ngoài thất thập nhưng vẫn miệt mài với các chuyến đi nghĩa tình. Ở nơi nào có đồng đội còn khó khăn là thấy sự xuất hiện của họ. Khi thì trao nhà tình nghĩa tặng gia đình người có công ở Hà Giang, Yên Bái, Cao Bằng và các tỉnh miền Trung; lúc cùng các thành viên Trung tâm Nhân đạo Trường Sơn đi khám bệnh, cấp thuốc miễn phí ở Bắc Giang, Hòa Bình; khi đi trao quà, sổ tiết kiệm tặng gia đình đồng đội có hoàn cảnh khó khăn... Những năm qua, Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ, quyên góp được số tiền, hiện vật lên tới hơn 196 tỷ đồng. Từ số tiền ấy, không thể kể hết các công trình tri ân, những việc làm nghĩa tình mà hội đã làm được, như: Xây dựng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Bến phà Long Đại (Quảng Bình), Bến Tắt (Quảng Trị)…; trao 2.268 nhà tình nghĩa; hơn 3.600 sổ tiết kiệm (3-5 triệu đồng/sổ), hơn 1.000 suất học bổng… tặng các thương binh, gia đình liệt sĩ, hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi nhớ mãi chuyến đi hồi cuối năm 2018 do Thiếu tướng Võ Sở làm trưởng đoàn. Vị tướng đã gần 90 tuổi, mắc bệnh viêm khớp, nhưng vẫn vượt hơn 200km từ Hà Nội lên Hà Giang để thăm và tặng quà đồng đội. Ông tâm sự: “Nhiều năm qua, Phong trào “Hội viên Trường Sơn sản xuất giỏi, xóa đói giảm nghèo, giúp nhau khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống” đã giúp hàng trăm gia đình hội viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu là động lực để tôi và nhiều đồng đội tiếp tục say mê với công tác hội”.
Những chiến sĩ Trường Sơn năm xưa dù đã làm được nhiều việc ý nghĩa để sẻ chia khó khăn cùng đồng đội, nhưng họ thấy như thế vẫn chưa đủ. “16 năm chiến đấu, mở đường với 5 trục dọc, 21 trục ngang, bảo vệ tuyến chi viện chiến lược cho miền Nam, bộ đội Trường Sơn đã hy sinh 2 vạn người, hơn 3 vạn người bị thương và hàng vạn người bị nhiễm chất độc da cam. Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó vẫn còn đó. Không ít đồng đội của chúng tôi vẫn còn khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Khắc ghi lời Bác dạy, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng để làm được nhiều việc nghĩa hơn, tri ân được tới nhiều đồng đội hơn nữa!”-Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn khẳng định. Bằng cách riêng của mình, những CCB đang giữ cho “lửa Trường Sơn” cháy mãi!
SONG THANH - TÙNG PHONG