Bế Văn Đàn-anh hùng Điện Biên, sinh năm 1931, dân tộc Tày, quê ở xã Quang Vinh (nay là xã Triệu Ẩu), huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng. Xuất thân trong một gia đình nghèo, mẹ mất sớm, 17 tuổi Bế Văn Đàn nhập ngũ, tham gia nhiều chiến dịch, vượt qua mọi khó khăn, chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chỉ huy giao. Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, Bế Văn Đàn cùng đơn vị hành quân đi Chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh làm chiến sĩ liên lạc.
Trong chiến dịch, một tiểu đoàn quân ta được giao nhiệm vụ bao vây quân Pháp ở Mường Pồn, Lai Châu (nay thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Lúc đó, lực lượng ta ít, Pháp tập trung quân lính có pháo binh yểm trợ liên tiếp phản kích, nhưng nhiều lần chúng đều bị bộ đội ta đánh bật ra. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt. Quân Pháp liều chết xông lên, quân ta kiên quyết ngăn chặn, chốt giữ! Lúc đó, lệnh phải giữ Mường Pồn bằng bất cứ giá nào. Mặc dù Bế Văn Đàn vừa đi công tác về nhưng anh đã xung phong nhận nhiệm vụ. Anh đã vượt qua lưới đạn dày đặc của quân địch, ra tận chiến hào truyền đạt mệnh lệnh kịp thời, chính xác.
|
|
Di ảnh anh hùng, liệt sĩ Bế Văn Đàn. Ảnh tư liệu. |
Trận chiến đấu diễn ra ngày càng ác liệt, Bế Văn Đàn được lệnh ở lại chiến đấu. Quân Pháp tiếp tục phản kích, mở đường máu, bộ đội ta bị thương vong nhiều, chỉ còn mươi người. Bản thân Bế Văn Đàn cũng bị thương, nhưng anh vẫn tiếp tục chiến đấu. Một khẩu trung liên của đơn vị không bắn được vì xạ thủ hy sinh. Khẩu trung liên của Chu Văn Pù cũng chưa bắn được vì không có chỗ đặt súng. Trong tình thế hết sức khẩn trương, Bế Văn Đàn không ngần ngại chạy lại cầm hai càng khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô đồng đội bắn. Anh Pù còn do dự thì Bế Văn Đàn đã nói: “Kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi!”. Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, Bế Văn Đàn bị hai vết thương nữa và hy sinh, hai tay vẫn còn ghì chặt hai càng súng trên vai mình. Hôm ấy, là buổi chiều ngày 23-11-1953!
Hình ảnh Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu trong Quân đội ta. Tại đại hội mừng công của đơn vị, Bế Văn Đàn được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, được bình bầu là Chiến sĩ thi đua số 1 của tiểu đoàn. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 31-8-1955, Bế Văn Đàn được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và Huân chương Quân công hạng Nhì.
|
|
Nhạc sĩ Huy Du (1926-2007). |
Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), Hạ Long (Quảng Ninh), Pleiku (Gia Lai), Bắc Ninh, Cần Thơ, Đà Nẵng cùng TP Cao Bằng quê hương, hiện có những đường phố và trường học mang tên Bế Văn Đàn-người anh hùng Điện Biên năm xưa.
Tại hệ thống trưng bày thường trực thuộc giai đoạn lịch sử cận-hiện đại của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, phần chủ đề “Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954” hiện đang trưng bày một hiện vật gắn liền với tên tuổi của anh hùng, liệt sĩ Bế Văn Đàn. Đó là khẩu súng trung liên anh đã “lấy thân mình làm giá súng” trong trận chiến đấu với quân Pháp ở Mường Pồn trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Còn Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu giữ những kỷ vật vô giá của người anh hùng Điện Biên như: Chiếc bút máy (được tìm thấy khi đồng đội cùng gia đình tổ chức bốc mộ cho liệt sĩ vào năm 1959), tấm Huân chương Quân công được Nhà nước truy tặng vào ngày 31-8-1955…:
… Quân ta cờ thắm khải hoàn,
Mà người chiến sĩ đã tàn
thịt xương.
Mộ Bế Văn Đàn trong sáng
trong gương:
Hai đế giày cao su rách sờn
Giản đơn một cây bút máy.
(Mộ Bế Văn Đàn, thơ Xuân Diệu)
Năm 1964, nhà thơ Trinh Đường đã sáng tác bài thơ ca ngợi tấm gương hy sinh của anh hùng, liệt sĩ Bế Văn Đàn và sau đó nhạc sĩ quân đội Huy Du đã phổ nhạc thành bài hát “Bế Văn Đàn sống mãi”. Bài hát này đã được các ca sĩ: Đức Long, Anh Đào, Quang Lý, Trọng Tấn… thể hiện rất thành công và mới đây được dàn dựng trong chương trình “Bài ca đi cùng năm tháng” trên Đài Truyền hình Việt Nam. Lời bài hát tác giả viết năm 1964 như sau:
“Bế Văn Đàn ơi! Mười năm qua anh vẫn còn sống mãi. Đất nước quê anh lá thắm rừng xanh, cam Mường Pồn quanh mồ anh sây đỏ. Lúa chín vàng chiến địa cũ Mường Thanh. Đàn em thơ đang hát ca đời anh. Đồi anh giữ ngày nào cùng đội ngũ. Hoa ban chan bao nước mắt anh Pù. Thân giá súng vẫn còn nguyên chỗ cũ. Miền Nam đang xả đạn xuống đầu thù. Anh đã đi giết giặc đến bây giờ. Từ chiến thắng Điện Biên lẫy lừng thế giới. Anh bước vào trang sách các em thơ. Bế Văn Đàn một tâm hồn vĩ đại. Hai mươi tuổi đời sống mãi với quê hương anh hùng. Bế Văn Đàn ơi...”.
Tuy nhiên, lời bài hát do ca sĩ Hoài Thu thể hiện trong chương trình “Bài ca đi cùng năm tháng” có sửa câu: “Mười năm qua anh vẫn còn sống mãi” thành “Thời gian trôi qua anh vẫn còn vẫn còn sống mãi” và câu: “Miền Nam đang xả đạn xuống đầu thù” thành: “Miền biên cương đang xả đạn xuống đầu thù” khiến nhiều người thắc mắc, không đồng tình. Nhưng tôi được biết, sinh thời chính tác giả bài hát đã sửa như vậy vì theo ông “cho hợp với hoàn cảnh mới, chứ không phải bối cảnh ra đời của bài hát năm 1964”.
…Và mới đây, nhân dịp Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2019), trong khi sưu tầm những bài thơ hay viết về chiến dịch lịch sử này để làm tập sách “Điện Biên chiến thắng, Điện Biên thơ” (Nxb Kim Đồng, 2019), tôi có trong tay bài thơ “Mộ Bế Văn Đàn” của “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu. Bài thơ được thi sĩ làm trong một lần lên thăm Điện Biên và viếng mộ người liệt sĩ anh hùng. Bài thơ có đoạn:
Thời gian ngừng bước, lặng im
Bên mồ liệt sĩ; trái tim ta dừng.
Trái tim ta-cũng ngập ngừng,
Nửa chừng giọt lệ, nửa chừng
lời ca;
Ánh ngày nghiêng xuống
cùng ta
Nghẹn ngào đặt một vòng
hoa tinh thần.
...Nơi đây gió nội trăng ngàn,
Nơi đây chim ca hoa nở,
Đất Tổ quốc là một nền
nhung đỏ,
Nơi đây bốn mùa muôn
thuở vãng lai...
Thập Tam trại, tháng 7-2019
NGÔ VĨNH BÌNH