Viết về đất nước Campuchia trước và sau những năm tháng bi thương dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, văn học Việt Nam còn lưu đọng những tác phẩm có giá trị như: Sông Mê Công bốn mặt (trường ca của Anh Ngọc), Campuchia hy vọng (trường ca của Thu Bồn) cùng các tác phẩm: Dòng sông của Xô Nét (Nguyễn Trí Huân), Chiến tranh không phải trò đùa (Khuất Quang Thụy), Dòng sông nước mắt (Thanh Giang), Khoảng rừng có những ngôi sao (Văn Lê), Sự sống còn lại (Trung Trung Đỉnh), Mùa khô này có một dòng suối trong (Nguyễn Chí Trung), Campuchia-một câu hỏi lớn (Lê Lựu), Nhật ký Phnôm Pênh (Nguyễn Thị Như Trang), Trong tay bọn Ăngka (Mai Ngữ), Hai vùng quê (Lê Huy Khanh), Khô Chănđara (Đỗ Viết Nghiệm), Biên giới (Nguyễn Quốc Trung), Chiếc khăn trắng muốt (Hào Vũ), Miền hoang (Sương Nguyệt Minh), Mùa xa nhà (Nguyễn Thành Nhân), Đất bên ngoài Tổ quốc (thơ Đoàn Tuấn), Điểm danh đồng đội (thơ Phạm Sỹ Sáu) và hàng loạt tác phẩm khác của những người lính trực tiếp chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam gian khổ ác liệt và hy sinh to lớn.
    |
 |
Thiếu tướng, nhà văn Bùi Cát Vũ và những kỷ vật thời chiến. Ảnh tư liệu. |
Đường vào Phnôm Pênh - tập bút ký của Thiếu tướng Bùi Cát Vũ (NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, năm 1981) được viết ngay trong và sau khi giải phóng Phnôm Pênh, thủ đô Campuchia. Đầu năm 1979, sau khi chỉ huy Bộ tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 4 đánh tan quân Khmer Đỏ trên một hướng trọng yếu, tiến vào Phnôm Pênh, Bùi Cát Vũ đã viết thiên ký sự Đường vào Phnôm Pênh và gửi về nước đăng nhiều kỳ trên Báo Sài Gòn Giải phóng, thông tin một cách kịp thời với đồng bào và chiến sĩ cả nước cũng như bạn bè quốc tế về cuộc chiến đấu của Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Nhiều tư liệu quý từ cuộc chiến này đã được ông ghi lại một cách trung thực, khách quan và cảm xúc. Qua những bài nhiều kỳ trên nhật báo, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Giúp bạn là tự giúp mình” khi được biết cái gọi là bản “Nghị quyết” của chế độ Pol Pot coi Việt Nam là “kẻ thù số 1” do một sĩ quan hàng binh Khmer Đỏ trao lại cho Quân tình nguyện, trong đó có những nhận định, đánh giá về Việt Nam và cả kế hoạch tấn công của chúng đối với đất nước chúng ta, đặc biệt là vùng biên giới Tây Nam.
Khi đó, tác giả những bài báo “nóng bỏng hơi thở của mặt trận” Bùi Cát Vũ đang giữ chức Phó tư lệnh Quân đoàn 4, phụ trách Bộ chỉ huy tiền phương, trực tiếp cùng bộ đội Sư đoàn 7 tiến vào Phnôm Pênh. Sau đó, những bài báo trên được tập hợp, bổ sung, chỉnh sửa và in thành tập sách Đường vào Phnôm Pênh.
Đọc Đường vào Phnôm Pênh của Bùi Cát Vũ, người đọc hiểu sâu hơn tình hình chiến sự lúc bấy giờ cũng như cuộc hành quân gian khổ, vượt qua rất nhiều thử thách ác liệt; thậm chí là khốc liệt cũng như tinh thần chiến đấu quả cảm, thái độ nhân văn của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong khi thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Theo cuốn sách thì cuộc tiến công thần tốc vào Phnôm Pênh lúc bấy giờ có sự hỗ trợ hợp tác rất đắc lực của các LLVT và nhân dân nước bạn. Tác giả viết: “… Gặp đồng chí tư lệnh binh đoàn hồi 13 giờ trưa hôm nay tại Sở chỉ huy cơ bản ở phum Đôn Tông. Nhiệm vụ vinh quang được xác định, đó là: Vâng lệnh Ủy ban Trung ương Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và Bộ chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, binh đoàn chúng tôi cùng với Binh đoàn 1 của quân đội cách mạng Campuchia đảm nhiệm một hướng, hiệp đồng cùng các hướng khác và phối hợp với nổi dậy của quần chúng mở cuộc tiến công chiến lược giành thắng lợi quyết định cho cách mạng Campuchia. Đây là mệnh lệnh quân sự tuyệt mật, chỉ có mình tôi được biết và chỉ được phổ biến giao nhiệm vụ cho các đơn vị từng bước một. Tôi nhẩm tính: Chỉ còn hai ngày ba đêm, phải vượt qua trên một trăm cây số đường độc đạo với hai con sông rộng, địch vẫn còn rất đông đang củng cố phòng thủ, mà phương tiện cơ động và nhất là phương tiện vượt sông ta chưa điều lên kịp. Điều đáng kể là bộ đội Việt Nam chiến đấu ở Phnôm Pênh với một tinh thần gìn giữ như chiến đấu ngay trên quê hương mình...”.
Tác giả đã có mặt ở Phnôm Pênh những ngày hoang tàn và viết trong tập ký của mình: “Thành phố Phnôm Pênh rộng đến 20km2, trước đây có gần 2 triệu dân sinh sống. Pol Pot cho rào tất cả các đường ngang ngõ tắt chỉ chừa lại mấy con lộ chính… Nhà cửa, phố xá bỏ hoang lẩn lút trong những vườn chuối và cây ăn quả, cỏ dại mọc um tùm tạo thành những khu vực địa hình phức tạp rộng bát ngát. Đi giữa thành phố Phnôm Pênh chiều nay, tôi có cảm tưởng như là một thành phố phương Tây ngủ sớm trong mùa lạnh. Tôi lại tưởng tượng đến một thành phố bị bom neutron mà đế quốc Mỹ gọi là bom sạch. Lạ lùng quá, dù đã nghe Pol Pot - Ieng Sary đuổi dân đi khỏi Phnôm Pênh hồi tháng 4-1975! Rùng rợn quá, dù đã biết thành phố Phnôm Pênh là thành phố chết”.
    |
 |
Cuốn Đường vào Phnôm Pênh được lưu giữ tại Thư viện Quân đội. Ảnh: HOÀNG YẾN. |
Ông đã cùng các chiến sĩ Quân tình nguyện của ông đến Phnôm Pênh và viết một cách giản dị mà sâu sắc về cách ứng xử văn hóa của Quân tình nguyện Việt Nam: “Hồi trưa này, tôi nghe đồng chí trợ lý tác chiến về báo cáo lại một trường hợp xảy ra ở một đại đội thuộc Trung đoàn 12, vây bắt địch mà không dùng B40, ĐKZ bắn vào đài Độc Lập. Chiến sĩ ta đã không tiếc máu mình để bảo vệ những công trình lao động nghệ thuật, những phố phường trống hoang cho nhân dân bạn đỡ phần vất vả sau này”. Viết về những cuộc hội ngộ giữa Quân tình nguyện Việt Nam với nhân dân và LLVT yêu nước của bạn, tác giả viết: “Chiếc máy điện honda đốt sáng mấy bóng đèn huỳnh quang trong nhà ngoài sân càng làm cho đêm liên hoan thêm náo nhiệt. Do kinh nghiệm bản thân, nhạy cảm với tình hình như chim én với mùa xuân mà mỗi người ở đây từ già đến trẻ đều cảm thấy rằng mình sắp sửa bước vào những ngày lịch sử”… và, “bỗng dưng trong lòng tôi hiện lên hai tiếng “hồi sinh”, trước nay tôi hay dùng, mà bây giờ tôi mới thấy hết nghĩa… Ở ngoài sân gạch, trong các nhà bên cạnh cũng rầm rang những câu nói bằng hai thứ tiếng lẫn trong giọng cười trẻ trung: “Xamakhi - Đoàn kết Việt Nam - Campuchia” - “Boongbờên - anh em, Việt Nam - Campuchia”.
Đọc Đường vào Phnôm Pênh, người đọc chẳng những có được một hình dung về cuộc chiến đấu gian khổ, hy sinh mà còn biết thêm về một tài năng quân sự, tay súng-tay bút mang đậm dấu ấn, phong cách Nam Bộ. Trong những trang cuối của cuốn sách, tác giả giãi bày: “Mỗi một bước đi trên đất nước bạn, chúng tôi càng khẳng định tính chất chính nghĩa của công việc mình làm. Đến đây, tôi lại nhớ lời quyết tâm của chiến sĩ binh đoàn trước ngày khởi đầu chiến dịch phản công chiến lược 23-12-1978: “Nếu phải đổi lấy việc ta làm hôm nay bằng mười kiếp sống, thì chúng tôi cũng xin sẵn sàng”. Đúng thế, tác giả cuốn sách nói vậy, cuộc đời của vị tướng trận này là như vậy!
Thiếu tướng Bùi Cát Vũ sinh năm 1924 ở Trà Vinh. Cha ông mất sớm, ông lớn lên trong tình thương của người mẹ trẻ và nghèo. Ông đến với cách mạng, trở thành một tướng lĩnh từng sát cánh cùng tướng quân - thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ trực tiếp chỉ huy trận La Ngà lừng danh trong quân sử. Về sau, ông là sĩ quan pháo binh, Tham mưu phó Bộ tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, phụ trách trực tiếp lực lượng pháo binh miền, Phó tư lệnh Quân đoàn 4 cùng với tướng Hoàng Cầm chỉ huy trận quyết chiến Xuân Lộc mở toang “cánh cửa thép” cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975…
Thiếu tướng, nhà văn Bùi Cát Vũ cho biết, không phải ngẫu nhiên mà ông viết Đường vào Phnôm Pênh. Có lần ông kể, ông tham gia làm báo, viết văn từ hồi còn thiếu niên và làm cách mạng, làm người lính cũng rất sớm. Tác phẩm đầu tay của ông là truyện ngắn Phía sau ánh đèn điện viết năm 15 tuổi khi đi phát hành Báo Dân chúng, được ông Trần Thanh Mại góp ý, về viết lại, đổi tên thành Gió bụi Sài Gòn và đăng trên báo này. Được biết, sau này, ông đã viết một cuốn tự truyện cũng lấy tên là Gió bụi Sài Gòn xuất bản năm 1993. Từ khi tham gia làm cách mạng đến lúc cầm súng đi chiến đấu, trên mỗi chặng đường đấu tranh, ông không bao giờ rời cây bút. Sống giữa rừng già Chiến khu Đ nhưng mỗi dịp xuân về, bài của ông đều được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Đặc biệt, trong những chặng đường lịch sử của dân tộc, ông đều cho ra đời những tác phẩm có giá trị, như: Quê hương, Đường vào Sài Gòn, Trong rừng sâu Chiến khu Đ, Đường vào Phnôm Pênh…
NGÔ VĨNH BÌNH