Chiều tối 15-12-1972, Tiểu đoàn nhận được lệnh “tổ chức trận địa chiến đấu” bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Sau khi nhận nhiệm vụ ở trung đoàn, tôi về họp tiểu đoàn phổ biến nhiệm vụ. Khi nghe dự báo của trên về tình hình những ngày sắp tới sẽ bước vào chiến dịch đặc biệt, có ý nghĩa quyết định về khả năng thay đổi cục diện chiến trường, ai cũng phấn khởi, tin tưởng đợt chiến đấu mới chắc chắn sẽ giành thắng lợi...

Đúng như dự đoán của trên, đêm 18-12-1972, địch sử dụng máy bay B-52 ném bom Hà Nội. Đêm 20, rạng sáng 21-12-1972, địch huy động đến 90 lần chiếc B-52, hàng trăm lần chiếc máy bay chiến thuật của không quân và hải quân, tổ chức đánh vào Hà Nội-Hải Phòng-Thái Nguyên. Sau 3 ngày địch đánh phá, việc vận chuyển đạn cho các đơn vị chiến đấu bị ùn tắc. Hơn nữa, ở Hà Nội có hai con sông lớn là sông Hồng và sông Đuống chia cắt nên việc vận chuyển đạn khó càng thêm khó khăn hơn. Nhiều đơn vị không chiến đấu liên tục được do đạn không đến kịp. Như tôi được biết, có đơn vị số đạn còn lại ở dưới mức quy định tối thiểu. Nhưng không vì vậy mà các thành phần tham gia chiến đấu nao núng tinh thần. Chúng tôi vẫn bám trận địa, bám khí tài, sẵn sàng bắt mục tiêu khi thời cơ đến. “Có thế nào ta đánh thế ấy, đã đánh là phải thắng địch”-trong thâm tâm, mỗi chiến sĩ đều giữ quyết tâm, niềm tin sắt đá ấy để ra trận. Và Tiểu đoàn 57 chúng tôi đã ở trong tình huống thực sự “có gì dùng nấy”, trong trận đánh ở trận địa Đại Đồng rạng sáng 21-12-1972...

Trước khi bước vào trận đánh, Tiểu đoàn 57 chỉ còn 3 quả đạn tên lửa trên bệ phóng. Để động viên bộ đội cũng như chính mình, tôi nói với anh em: “Hồi đánh Pháp, chúng tớ có câu “một viên đạn, một quân thù”. Giờ ta thực hiện một quả đạn, một B-52 nhé!”. Rất mừng là mọi người vui vẻ hưởng ứng và lấy đó làm khẩu hiệu cho các trận đánh.

leftcenterrightdel

Kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 57, Trung đoàn Tên lửa 261 rút kinh nghiệm sau trận đánh. Ảnh tư liệu

Sáng 21-12, tiểu đoàn chúng tôi thực hiện ngay khẩu hiệu của mình đề ra. Bắt được mục tiêu, tôi hạ lệnh phóng quả đạn thứ nhất vào tốp máy bay địch đang tiến vào từ hướng Tây Bắc-Bắc, đạn hỏng không đi. Tôi lệnh bắn tiếp quả thứ hai thì diệt được một chiếc lúc 5 giờ 9 phút. Ngay sau đó, Tiểu đoàn 77 ở trận địa bạn còn hai quả đạn, cũng phóng một quả vào tốp máy bay này. “Hai máy bay B-52 đã bị tiêu diệt”-tin từ sở chỉ huy chiến dịch báo về làm nức lòng bộ đội. Mười phút sau, lúc 5 giờ 19 phút, Tiểu đoàn 57 chúng tôi phóng tiếp quả đạn cuối cùng còn lại trên bệ phóng vào tốp B-52. Một chiếc trong tốp này bốc cháy sáng rực cả góc trời, rồi sau đó đâm đầu xuống khu vực núi Đôi.

Như vậy, trong đêm thứ ba đối đầu với đợt tấn công quy mô lớn của Mỹ hòng “biến Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”, với số đạn ít hơn hẳn các đêm trước, nhưng các đơn vị tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đúng là một đêm đánh “nở hoa tên lửa” trên bầu trời Hà Nội. 7 chiếc máy bay chiến lược B-52 của Mỹ đã bị bắn rơi, trong đó 5 chiếc rơi tại chỗ, ta bắt sống 12 tên giặc lái. Điều đặc biệt vui mừng, các tiểu đoàn của hai Trung đoàn 257 và 261 chúng tôi đã liên tiếp bắn rơi 4 chiếc B-52, lập một kỷ lục về hiệu suất chiến đấu chưa từng có. Riêng Tiểu đoàn 57 của tôi, với hai quả đạn trong vòng 10 phút đã bắn rơi 2 “siêu pháo đài bay” B-52 của Mỹ. Thực hiện đúng khẩu hiệu đề ra “một quả đạn, một B-52”.

Trung tướng NGUYỄN VĂN PHIỆT