Ông Đào Duy Cảnh sinh ngày 19-8-1941, ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Những năm 50 của thế kỷ trước, mặc dù nằm trong vùng tề của Pháp nhưng gia đình ông vẫn bí mật đào hầm trong nhà, bảo vệ cán bộ cách mạng. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Tơ còn tích cực tham gia du kích kháng chiến. Mồ côi cha từ năm lên 4 tuổi, được mẹ nuôi dưỡng chu đáo nên ngay từ tuổi niên thiếu, với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, Đào Duy Cảnh đã được thầy bạn quý mến. Nhận thấy ông có nhiều tố chất hơn người nên địa phương đã gửi ông lên Việt Bắc học tập. Là học sinh kháng chiến, Đào Duy Cảnh đã không phụ sự kỳ vọng của bà con quê nhà, vừa lao động vừa học tập với thành tích xuất sắc. Tháng 7-1965, hoàn thành khóa học chuyên ngành vô tuyến điện ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trong khi đang làm thủ tục tốt nghiệp, ông nhận được quyết định điều động vào Quân đội với quân hàm Thiếu úy, biên chế về Tiểu đoàn 85, Trung đoàn 238. Đây là tiểu đoàn kỹ thuật lắp ráp bảo đảm cung cấp tên lửa tới các tiểu đoàn hỏa lực của trung đoàn và quân chủng.
Tháng 4-1966, Trung đoàn 238 được trên giao nhiệm vụ cơ động vào chiến trường Khu 4. Cùng đi với Trung đoàn 238 có một đoàn cán bộ mang mật danh “Đoàn công tác B” do đồng chí Hoàng Văn Khánh làm trưởng đoàn, mang theo những kinh nghiệm của các đơn vị tên lửa vào Khu 4 thực hiện quyết tâm mà Quân ủy Trung ương giao là: Dù khó khăn đến mấy cũng phải bắn rơi cho được B-52, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch đối phó với B-52 trong tình huống phức tạp hơn sau này. Cựu chiến binh Đào Duy Cảnh nhớ lại: “Sau khoảng hai tháng chuẩn bị, toàn đơn vị cùng các trang bị khí tài, xe máy cồng kềnh với tinh thần đêm đi ngày nghỉ, bí mật, bất ngờ vào chiến trường. Chúng tôi vừa hành quân vừa chiến đấu nên cũng phải hứng chịu không ít tổn thất, hy sinh nhưng không một ai từ bỏ nhiệm vụ”.
Theo hồi ức của kỹ sư Đào Duy Cảnh, lần ấy xe kips của Tiểu đoàn 85 do ông chỉ huy hành quân đêm qua ngầm Cà Tang (hoặc Khe Tang) thuộc tỉnh Quảng Bình. Đây là một trong những trọng điểm địch đánh phá rất ác liệt, lại vào đúng mùa mưa nước to, cọc tiêu không nhìn thấy nên việc đưa xe và khí tài vượt ngầm vô cùng khó khăn. Trước tình hình đó, với tinh thần quyết tâm bảo vệ khí tài, kỹ sư Đào Duy Cảnh lệnh cho lái xe thật bình tĩnh tắt đèn gầm. Lợi dụng ánh sáng của pháo sáng địch, ông ôm thành bên phải của xe để chỉ đường cho lái xe căn đường bên trái bình tĩnh vượt qua ngầm an toàn. Tiếp sau đó, họ còn phải vượt qua nhiều suối sâu, đèo cao, vực thẳm... Xuất phát từ tháng 6-1966, vừa đi vừa đánh địch, mãi đến đầu năm 1967, các tiểu đoàn của Trung đoàn 238 mới đến được điểm tập kết. Lúc này kiểm tra lại, một số khí tài đã bị thiệt hại trong quá trình hành quân. Kỹ sư Đào Duy Cảnh cho biết: “Ngay khi ổn định vị trí đóng quân, chúng tôi lao vào khắc phục các sự cố. Máy móc nào bị hỏng, cán bộ, nhân viên kỹ thuật ra sức dồn lắp, sửa chữa. Khí tài nào không phục hồi được, các chiến sĩ lại vượt đạn bom, kéo ra miền Bắc để đổi khí tài mới một cách nhanh nhất, bảo đảm để hỏa lực có thể chiến đấu được với máy bay địch”.
Cũng trong thời gian này, Thiếu úy Đào Duy Cảnh đã lập được thành tích đáng tự hào. Số là tiểu đoàn kỹ thuật của ông được lệnh cơ động kiểm tra đạn bị hỏng từ Tiểu đoàn 84 hỏa lực của trung đoàn đưa về. Trung đoàn và tiểu đoàn cử một dây chuyền kiểm tra cơ động, trong đó có kỹ sư Đào Duy Cảnh, cấp tốc cùng tổ chuyên gia Liên Xô vào hỗ trợ. Sau hơn một ngày làm việc tích cực, không tìm ra nguyên nhân hỏng hóc, chuyên gia yêu cầu đóng máy, chờ lực lượng tăng cường của quân chủng vào. Lúc này, kỹ sư Đào Duy Cảnh trăn trở suy tính: Chuyên gia Liên Xô từ Hà Nội vào đây mất nhiều thời gian vì đường sá xa xôi, cách trở. Trong khi chiến trường ngày càng ác liệt, máy bay địch suốt đêm ngày gây tội ác. Các tiểu đoàn hỏa lực đang cần có đạn cung cấp từng phút, từng giờ. Mình là kỹ sư được đào tạo cơ bản ở mái trường đại học xã hội chủ nghĩa. Lúc này đang có mặt ở chiến trường, đơn vị hỏa lực đang cần đạn chiến đấu, mình phải cố gắng hết sức có thể!
|
|
Anh hùng LLVT nhân dân Đào Duy Cảnh. Ảnh: TUẤN TÚ
|
Từ suy nghĩ đó, ông thiết tha xin với lãnh đạo cấp trên cho phép tiếp tục tự tìm nguyên nhân để giải quyết sự cố hỏng hóc. Được sự đồng ý của các cấp chỉ huy, sự hỗ trợ của đồng đội cùng với kiến thức tích lũy, ông phân tích nguyên lý hoạt động, các mối liên kết giữa xe kips và đạn, giữa đạn và xe kips. Hàng chục giờ liền không ngủ, tính toán các thông số của đồng hồ đo một cách thận trọng, ông đã tìm ra chỗ hỏng hóc. Từ đó, ông cùng các bộ phận kỹ thuật nhanh chóng khắc phục một cách chính xác, hiệu quả để chuyển đạn kịp thời ra chiến trường. Nhờ có những quả đạn đó mà ngày 17-9-1967, Tiểu đoàn 84 hỏa lực của Trung đoàn 238 bằng hai quả đạn tên lửa lần đầu tiên đã thiêu cháy “pháo đài bay” B-52 của Mỹ trên bầu trời Vĩnh Linh, Quảng Trị. Sau trận đánh, Bác Hồ, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ gửi thư khen đơn vị và quân dân tỉnh Quảng Trị anh dũng đánh giỏi, bắn trúng. “Quan trọng hơn là bài toán làm sao bắn rơi được B-52 đã có lời giải. Qua chiến công ngày 17-9-1967 có thể khẳng định, tên lửa SAM-2 của ta hoàn toàn có đủ điều kiện bắn rơi “pháo đài bay” B-52 của Mỹ. Chiến công đổi bằng xương máu của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 238 đã được “Đoàn công tác B” đúc kết lại trong gần 30 trang giấy viết tay mang tên “Bản tổng kết đánh B-52 ở Vĩnh Linh”-một tài liệu quý, góp phần làm cơ sở cho việc biên soạn “Kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội-Hải Phòng” ra đời 5 tháng sau đó. Đây là “tiền thân” của những bản kế hoạch tiếp theo, mà cuối cùng là cuốn cẩm nang bìa đỏ “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa” được thông qua tháng 10-1972, hoàn thiện phương án quyết đánh và góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt của quân và dân ta vào tháng 12-1972”, đồng chí Đào Duy Cảnh cho biết.
Chiến công bắn rơi B-52 đầu tiên cũng đã góp phần vào thành tích chung để sau này, Tiểu đoàn 85 và Trung đoàn 238 được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong phát hiện, sửa chữa, bảo đảm tên lửa trên, năm 2018, kỹ sư Đào Duy Cảnh vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Sau ngày đất nước thống nhất, kỹ sư Đào Duy Cảnh tiếp tục công tác tại các đơn vị thuộc Quân chủng PK-KQ, sau đó được điều về Phòng Tổng hợp kế hoạch (nay là Phòng Kế hoạch bảo đảm), Văn phòng Quân ủy Trung ương-Văn phòng Bộ Quốc phòng cho tới khi nghỉ hưu (tháng 8-1990).
Về với cuộc sống đời thường, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, tham gia cấp ủy liên tục hơn 20 năm. Trong Ban liên lạc CCB Trung đoàn 238, ông và đồng đội thường xuyên gặp mặt, tổ chức các chuyến đi thăm lại chiến trường xưa cũng như động viên, chia sẻ với những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn. Giờ đây đã bước qua tuổi 80, sức khỏe có hạn nhưng ông vẫn cùng gia đình chuyên tâm với công việc thiện nguyện. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn bộ số tiền phụ cấp danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và lương hưu hằng tháng, ông tiết kiệm để đến ngày 27-7 hằng năm tặng gia đình người có công và các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn của quận Ba Đình cùng với hai xã Cổ Loa, Đông Lĩnh của huyện Đông Anh.
KIM LƯU - DUY HẢI