Bùi Thị Xuân sinh năm nào, cho đến hiện nay vẫn chưa khẳng định được. Theo tác giả Đỗ Đức Hùng thì “bà thuở nhỏ là bạn học của Nguyễn Huệ”(1)-mà Nguyễn Huệ sinh năm 1753, do đó rất có thể bà cũng sinh ra trong khoảng thời gian này. Bùi Thị Xuân quê ở làng Xuân Hòa, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Sinh ra trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước, thuở nhỏ, Bùi Thị Xuân từng theo học lò luyện võ của Đô thống Ngô Mãnh. Khi thành danh, bà đứng ra tự mở lò dạy võ, hầu hết là chị em tuổi từ 15 đến 25 trong vùng.
Khi Tây Sơn dấy binh khởi nghĩa (1771), Bùi Thị Xuân bắt đầu tham gia phong trào Tây Sơn. Với phẩm chất tinh thông võ nghệ và tài năng của một nữ tướng, Bùi Thị Xuân sớm được anh em nhà Nguyễn Nhạc-Nguyễn Huệ tin dùng, giao trọng trách thuần dưỡng voi chiến và huấn luyện quân sĩ. Sau một thời gian, bà đã huấn luyện thuần thục hàng trăm voi chiến và chiêu mộ quân sĩ, đa số là nữ, ngày đêm luyện rèn, trở thành đội quân tinh nhuệ, gan dạ, sẵn sàng xung trận. Năm 1778, Hoàng đế Nguyễn Nhạc lập ra Nhà Tây Sơn, lấy niên hiệu Thái Đức, phong chức Đô đốc cho Bùi Thị Xuân (cùng Võ Văn Sở, Võ Văn Dũng), chỉ huy quân cấm vệ bảo vệ kinh thành; đồng thời ban cho Bùi Thị Xuân lá cờ hiệu 4 chữ vàng “Tây Sơn nữ tướng”(2). Tham gia phong trào nông dân Tây Sơn, Bùi Thị Xuân là một trong những thuộc tướng dưới quyền chỉ huy trực tiếp của chồng, Thiếu phó Trần Quang Diệu. Mỗi khi xung trận, đạo quân do bà chỉ huy thường giương cao lá cờ “Tây Sơn nữ tướng” đi tiên phong, khiến kẻ thù kinh hoàng, khiếp đảm”(3).
Đầu năm 1785, bà cùng chồng tham gia trận quyết chiến chiến lược, phục kích quân Xiêm và quân Nguyễn Ánh trên sông Mỹ Tho (một nhánh của sông Tiền), đoạn từ Rạch Gầm đến Xoài Mút (nay thuộc xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ. Trong trận đánh này, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân chỉ huy một bộ phận bộ binh quân Tây Sơn có nhiệm vụ chặn đường rút của địch từ Rạch Gầm tới Mang Thít và chặn bộ binh quân Xiêm do Lục Cổn và Sa Uyển chỉ huy từ Định Tường kéo lên. Ngày 19-1-1785, khi tiền quân qua cửa sông Xoài Mút và hậu quân Xiêm-Nguyễn sắp vượt cửa Rạch Gầm, hai đội thủy binh quân Tây Sơn từ Rạch Gầm-Xoài Mút chặn đầu, khóa đuôi, dồn địch vào vòng vây đã bố trí sẵn. Cùng lúc, theo hiệu lệnh hiệp đồng, pháo binh trên cù lao Thới Sơn và trên hai bên bờ sông Tiền bắn dồn dập vào đội hình địch đang ùn lại. Bị chặn đánh bất ngờ, quân Xiêm rối loạn; lập tức những đội thuyền chiến của quân Tây Sơn từ các vị trí mai phục xông vào chia cắt chiến thuyền giặc. Trước sức tiến công ào ạt của quân Tây Sơn, quân Xiêm-Nguyễn nhanh chóng bị đánh tan; hàng loạt thuyền chiến bị đại bác bắn chìm hoặc bị quân Tây Sơn xông lên tiêu diệt. Còn một số địch cố bơi lên bờ tìm đường tháo chạy nhưng bị bộ binh quân Tây Sơn bố trí chặn đánh.
Tương truyền, tướng Xiêm là Lục Cổn đang dẫn bộ binh đi thì gặp quân mai phục của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Bà xuất hiện oai phong trên lưng ngựa trắng, vung gươm chém đến đâu, xác quân thù lăn ra đến đấy. Trông thấy tướng Lục Cổn, Bùi Thị Xuân vội giục Ngân câu phi thẳng đến. Bằng võ nghệ cao cường, bà nhanh chóng chém rơi đầu Lục Cổn khi hắn chưa kịp chống đỡ. Chiến công của đội quân do Bùi Thị Xuân chỉ huy đã góp phần cùng quân Tây Sơn lập nên chiến thắng oanh liệt ở Rạch Gầm-Xoài Mút, tiêu diệt gần 4 vạn quân Xiêm và hàng nghìn quân Nguyễn Ánh(4), kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Xiêm xâm lược.
Những năm 1786-1788, Bùi Thị Xuân cùng chồng dưới cờ đại nghĩa Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy nhiều lần tiến quân ra Bắc, lần lượt đánh tan các thế lực phong kiến cát cứ ở Đàng Ngoài, xóa bỏ ranh giới sông Gianh chia cắt Đàng Trong-Đàng Ngoài, đặt cơ sở thuận lợi cho sự nghiệp thống nhất đất nước.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược (1788-1789), tượng binh giữ vai trò quan trọng trong các trận quyết chiến ở Ngọc Hồi-Đầm Mực và Đống Đa-Thăng Long làm cho quân Thanh kinh hồn bạt vía, có công lao rất lớn của nữ tướng Đô đốc Bùi Thị Xuân. Trước đó, khi lên ngôi (1778), Thái Đức đế Nguyễn Nhạc đã giao cho Bùi Thị Xuân phụ trách chăm sóc và huấn luyện đàn voi chiến (khoảng 300 con). Việc huấn luyện voi của nữ tướng Bùi Thị Xuân hết sức chặt chẽ, bài bản, người dân địa phương vẫn lưu truyền câu chuyện: “Nghe đâu ở bãi gò Dinh, sông Côn là bãi tập voi của bà”. Hằng ngày, bà huấn luyện voi từng nội dung theo thời gian quy định trong ngày để tạo thói quen, vì vậy, cả đàn voi chiến nhanh chóng đi vào khuôn phép.
Về đóng góp của Bùi Thị Xuân trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh, cho đến nay, sử sách và các nguồn tư liệu chưa thấy ghi chép cụ thể và chi tiết về vai trò của bà. Theo “Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam”: Năm 1789, Bùi Thị Xuân tham gia trận Ngọc Hồi-Đầm Mực(5). Trong trận đánh đồn Ngọc Hồi (nay thuộc xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) diễn ra ngày 30-1-1789(6), Quang Trung sử dụng hơn 100 voi chiến, chia thành hai cánh, tạo thành hai gọng kìm đánh cả phía tả và phía hữu, tạo điều kiện cho bộ binh và kỵ binh xông lên(7). Tương truyền rằng, Bùi Thị Xuân chỉ huy đội tượng binh thuộc đạo quân chủ lực (gồm bộ binh, tượng binh và kỵ binh) do Quang Trung-Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy đánh vào Ngọc Hồi.
Mô tả về sự kiện này, sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” viết: “Hồi trống canh năm... chính Văn Huệ tự mình đốc chiến, cho hơn trăm voi khỏe đi trước. Tờ mờ sáng, quân Thanh lùa toán quân kỵ tinh nhuệ ào ạt tiến lên. Chợt thấy bầy voi, ngựa của quân Thanh đều sợ hãi, hí lên té chạy, lồng lộn quay lại, chà đạp lẫn nhau. Huệ lại lùa voi xông đến. Quân Thanh trong cơn gấp rút không cứu nhau được, ai nấy rút vào trong lũy cố thủ”(8). Thừa thắng, quân Tây Sơn “ào ào như nước triều dâng”, áp đảo thế quân giặc. “Voi xông pha trong làn tên đạn, nhổ rào lũy tiến vào”. Từ trên mình voi, quân Tây Sơn dùng đại bác, hỏa hổ bắn dồn dập phá hủy và thiêu cháy đồn giặc(9). Quân Thanh còn lại rút chạy bị quân Đô đốc Bảo tiêu diệt ở Đầm Mực (Thanh Trì, Hà Nội). Trận Ngọc Hồi-Đầm Mực thắng lợi, góp phần vào thắng lợi trận Đống Đa-Thăng Long, kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Thanh.
Sau khi Vua Quang Trung qua đời (1792), Đô đốc Bùi Thị Xuân được vua Cảnh Thịnh giao chỉ huy đạo quân cấm vệ bảo vệ kinh đô Phú Xuân. Đến năm 1802, dù triều Tây Sơn đang trên đường suy yếu, bà vẫn giữ vai trò chỉ huy 5.000 quân trong trận đánh ở lũy Trấn Ninh (Quảng Bình), chiến đấu đến cùng khiến quân Nguyễn Ánh vô cùng khiếp sợ. Cuối cùng, do tương quan lực lượng chênh lệch, bà bị Nguyễn Ánh bắt đưa về Phú Xuân (Huế) hành hình hết sức dã man nhưng vẫn giữ khí tiết của một võ tướng Tây Sơn, quyết không khuất phục và mất vào cuối năm 1802.
Mặc dù những tư liệu và sự kiện về Bùi Thị Xuân đóng góp trong phong trào Tây Sơn và vương triều Tây Sơn còn rất khiêm tốn nhưng cũng đủ để chúng ta ghi nhận công lao và cống hiến của bà cho lịch sử dân tộc, cũng như hoạt động quân sự thời Tây Sơn (1771-1802). Để ghi nhớ và tôn vinh chiến công của Bùi Thị Xuân, năm 2007, nhân dân địa phương xây dựng đền thờ bà tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (Bình Định). Trên nhiều thành phố, thị xã có nhiều đường phố, nhiều trường học... được vinh dự mang tên Bùi Thị Xuân.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP
(1) Đỗ Đức Hùng, “Danh tướng Việt Nam”, tập 1, NXB Thanh niên, Hà Nội, 1999, tr.382
(2), (3) “Danh nhân quân sự Việt Nam”, tập 2, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr.306, 307, 308
(4) “Lịch sử quân sự Việt Nam”, tập 7, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2019, tr.125
(5) “Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam”, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.106
(6) “Bách khoa thư quân sự Việt Nam”, quyển 1: Lịch sử quân sự, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.1029
(7) “Những trận đánh hay trong lịch sử dân tộc”, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.88
(8) “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, bản dịch, tập XX, NXB Văn Sử Địa, Hà Nội, 1960, tr.16
(9) “Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa năm 1789”, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009, tr.260