Nguyễn Trung Trực sinh năm 1838, nguyên quán ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Từ nhỏ đã cùng gia đình vào Nam định cư ở xóm Nghề, làng Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay là ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Tuổi thơ ông có tên là Chơn, năm 1859 đổi là Lịch (tức Nguyễn Văn Lịch) và cũng từ tên Chơn cùng với tính tình ngay thật nên được thầy dạy học đặt thêm tên hiệu là Trung Trực (Nguyễn Trung Trực). Lớn lên ở vùng nhiều sông ngòi, người nào cũng giỏi bơi lội, Nguyễn Trung Trực đã gắn bó với kênh rạch, sông nước Bến Lức, Vàm Cỏ Đông. Sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ, ngày 25-2-1861, Nguyễn Trung Trực trở về phủ Tân An (nay là thành phố Tân An, tỉnh lỵ của tỉnh Long An), chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp.
Quyết tâm lập chiến công ngay từ trận đầu ra quân trên mảnh đất quê hương để gây thanh thế, khích lệ tinh thần chống Pháp của nhân dân, Nguyễn Trung Trực quyết định tổ chức trận đánh tiêu diệt chiến hạm Espérance (Hy vọng) thả neo ở vàm Nhật Tảo (còn gọi là Nhựt Tảo), nơi giao thoa giữa sông Vàm Cỏ Đông và sông Nhật Tảo (nay thuộc xã An Nhật Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An). Espérance là tàu bọc đồng chạy bằng hơi nước, có thể ra vào những luồng lạch cạn, được trang bị 1 khẩu đại bác, biên chế 25 lính Pháp và lính Ta-gan (tức lính đánh thuê Philippines, còn gọi là lính Ma Ní), do Trung úy Parfait chỉ huy. Đây là một trong những tàu khá hiện đại của Pháp lúc bấy giờ.
Để bảo đảm đánh thắng trận này, Nguyễn Trung Trực cử một số nghĩa quân đến điều tra nắm tình hình lực lượng và quy luật hoạt động của tàu địch ở vàm Nhật Tảo. Trên cơ sở đó, ông cùng các thủ lĩnh nghĩa quân xây dựng, thống nhất kế hoạch tác chiến đánh tàu địch. Trưa 10-12-1861, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Nguyễn Trung Trực, 89 nghĩa quân được chia thành hai mũi: Mũi thứ nhất gồm 30 người, tổ chức phục kích trên hai bên bờ vàm Nhật Tảo; mũi thứ hai với 59 người, bố trí trên 5 chiếc thuyền nhỏ được ngụy trang như những thuyền buôn qua lại buôn bán trên sông, lấy lý do “xin giấy thông hành” để tiến áp sát tàu địch. Khi lực lượng nghĩa quân trên 5 thuyền tiến sát tàu địch, viên sĩ quan trực tưởng đoàn thuyền ghé xin phép lưu thông trên sông nên ra mở cửa sổ tàu liền bị nghĩa quân tiêu diệt. Lập tức, từ các thuyền, nghĩa quân lần lượt nhảy lên sàn tàu, bất ngờ nổ súng tiêu diệt sinh lực địch, sau đó phóng hỏa đốt cháy chiến hạm Espérance. Hầu hết quân địch trên chiến hạm bị nghĩa quân tiêu diệt, chỉ còn 5 tên (2 lính Pháp và 3 lính Ta-gan) may mắn thoát chết nhờ trốn trên một chiếc ghe. Trong lúc chiến hạm địch bị nghĩa quân trên sông đốt cháy thì bộ phận nghĩa quân hai bên bờ cũng đồng loạt nổ súng tiêu diệt gọn toán địch án ngữ tại vàm Nhật Tảo.
Trận Nhật Tảo chứng tỏ Nguyễn Trung Trực là người chỉ huy mưu trí, táo bạo và sáng tạo. Với chiến thắng Nhật Tảo, “Nguyễn Văn Lịch (tức Nguyễn Trung Trực) đã thực hiện được mục đích là gây được tiếng vang lớn vào thời điểm lúc bấy giờ; bởi đây là lần đầu tiên lực lượng khởi nghĩa, với những vũ khí thô sơ đã chủ động tiến công và giành thắng lợi trọn vẹn trong một trận đánh trên sông-một trong những hình thức tác chiến chủ yếu ở khu vực địa bàn sông nước Nam Kỳ”(2). Thắng lợi của trận đánh này đã tạo niềm tin, khí thế chống Pháp cho nghĩa quân và nhân dân; đồng thời gây nỗi kinh hoàng, bối rối cho quân Pháp khiến chúng thường xuyên phải lo đối phó. Cũng từ đây, thanh thế của Nguyễn Trung Trực ngày càng lan tỏa khắp các vùng sông nước Nam Bộ. Chính người Pháp cũng đã phải thừa nhận rằng: Nhật Tảo là “một sự kiện đau đớn làm cho người An Nam phấn chấn và gây xúc động sâu sắc trong lòng người Pháp”(3).
Ghi nhận công lao của Nguyễn Trung Trực chỉ huy nghĩa quân thắng trận Nhật Tảo, triều đình Huế ban sắc phong cho ông chức Quản cơ và bổ nhiệm trông coi tỉnh Hà Tiên. Phẫn uất trước việc triều đình Huế ký Hòa ước Nhâm Tuất 1862 cắt 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp, Nguyễn Trung Trực không rời 3 tỉnh miền Đông mà đứng hẳn về phía nghĩa quân và nhân dân đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động chống Pháp. Kinh nghiệm sáng tạo của trận Nhật Tảo tiếp tục được Nguyễn Trung Trực vận dụng chỉ huy hiệu quả trong một số trận đánh, trong đó điển hình là đánh tàu địch trên sông Tra, sông Bến Lức.
Kế tiếp trận Nhật Tảo, ngày 16-12-1862, Nguyễn Trung Trực quyết định đánh tàu địch trên sông Tra, đoạn chảy từ làng Đức Hòa đến làng Hựu Thanh, đổ ra tả ngạn Vàm Cỏ Đông (nay thuộc xã Hựu Trạch, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Sau khi điều tra, nắm tình hình địch hoạt động trên dòng sông Tra và hệ thống đồn bốt địch bố trí trên hai bờ sông, Nguyễn Trung Trực một lần nữa tổ chức nghĩa quân thành hai bộ phận để đánh địch như trong trận vàm Nhật Tảo. Trong đó, bộ phận thứ nhất gồm nghĩa quân cải trang được bố trí trên những ghe thuyền chuyên buôn bán qua dòng sông. Trên thuyền có đại bác thần công, khi đến gần bất ngờ tập kích vào những tàu chiến Pháp tuần tra trên dòng sông Tra. Còn bộ phận nghĩa quân bố trí trên bờ sông không đánh tàu địch trên sông mà tập trung đánh đồn Rạch Tra và một số đồn khác trên bờ sông Tra. Georges Taboulet, một tác giả người Pháp cho biết khái quát kết quả của trận này: “3 chiếc tàu tuần tra và nhiều đồn bốt bị đánh chiếm như đồn Rạch Tra, gần Sài Gòn. Trong trận đó, viên Đại úy Thouroude đã tử trận...”(4). Cũng trong tháng 12-1862, Nguyễn Trung Trực còn chỉ huy nghĩa quân tập kích một trận nữa, đánh vào tàu chiến Pháp đậu trên vàm Bến Lức, tiêu diệt thêm một bộ phận sinh lực địch. Tư liệu về hai trận đánh tàu địch trên sông Tra và sông Bến Lức để lại còn quá ít ỏi, nhưng qua các trận đánh trên sông nước, từ Nhật Tảo đến sông Tra và Bến Lức chứng tỏ tài chỉ huy của Nguyễn Trung Trực không chỉ đưa quy mô trận đánh phát triển lên bước mới mà còn thành công về nghệ thuật tổ chức chỉ huy hiệp đồng chiến đấu giữa lực lượng trên sông và lực lượng trên bờ trong một trận đánh trên sông rạch Nam Bộ.
Kể từ khi giành thắng lợi ở Bến Lức cuối năm 1862 đến giữa năm 1868, với uy tín và tài thao lược chỉ huy các trận đánh trên sông nước thắng lợi, Nguyễn Trung Trực được nhân dân nhiều địa phương ủng hộ, đã chỉ huy nghĩa quân đẩy mạnh hoạt động khắp các vùng Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc khiến Pháp lo sợ phải tìm mọi cách đối phó và chịu một số thiệt hại. Đến tháng 9-1868, Nguyễn Trung Trực bị quân Pháp bắt ở Phú Quốc. Khi bị địch đưa về Rạch Giá xử tử ngày 27-10-1868, Nguyễn Trung Trực đã dõng dạc nói thẳng trước quân thù: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.
Sự nghiệp cầm quân của Nguyễn Trung Trực chỉ tồn tại 8 năm (1861-1868) nhưng đã thể hiện rõ tài chỉ huy nghĩa quân đánh tàu địch trên sông rạch đồng bằng Nam Bộ. Đó là “nghệ thuật phối hợp chặt chẽ giữa tác chiến trên sông nước và trên bộ, giành những thắng lợi liên tiếp trong các trận vàm Nhật Tảo, sông Tra, Bến Lức... gây những thiệt hại lớn về sinh lực, phương tiện chiến tranh, tạo sự hoang mang, dao động về tinh thần đối với quân Pháp xâm lược”(5). Hằng năm, tại đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá (Kiên Giang), vào các ngày từ 27 đến 29 tháng 8 âm lịch, nhân dân tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày mất của ông. Từ các địa phương ở Nam Bộ và trên khắp cả nước, các tầng lớp nhân dân lần lượt kéo về để tỏ lòng biết ơn, ngưỡng mộ sâu sắc đối với vị anh hùng của dân tộc, góp phần động viên, khích lệ nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ giữ gìn và tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước của ông cha, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
(1), (2), (3) Danh nhân quân sự Việt Nam, tập 3, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 2008, tr.62, tr.54.
(4) Dẫn theo: Nguyễn Trung Trực thân thế và sự nghiệp, Bảo tàng Kiên Giang, xuất bản năm 1989, tr.101.
(5) Danh nhân quân sự Việt Nam, tập 3, Sđd, tr.62.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP