Khi thực dân Pháp lập ra xứ Nam Kỳ thuộc địa, từ năm 1868 đến 1894, Cù Lao Dung thuộc hai tổng Định Mỹ (có làng Đại Hữu) và tổng Định Hòa (có hai làng là An Thạnh 1, An Thạnh 2). Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Cù Lao Dung vẫn bao gồm: Làng Đại Hữu (Đại Ân 1 ngày nay), An Thạnh 1, An Thạnh 2 và ở nơi đây hình thành nhiều vùng căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp, ghi lại nhiều dấu ấn lịch sử hào hùng như: Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng; Trường Chính trị tỉnh mở lớp đào tạo cán bộ đầu tiên tại đình thần Nguyễn Trung Trực ở xã An Thạnh 2; bia chiến thắng Rạch Già (nay là thị trấn Cù Lao Dung).

leftcenterrightdel

Đền thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực ở Cù Lao Dung. Ảnh: PHAN HỮU.

 

Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, tôi được ông Nguyễn Văn Kịch, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Cù Lao Dung đưa đi tham quan và giới thiệu về đình thờ Nguyễn Trung Trực mà nhân dân xứ Cù Lao xây dựng để tưởng nhớ công ơn của vị anh hùng dân tộc. Ông Kịch kể với chúng tôi, trước khi bị thực dân Pháp hành quyết tại chợ Rạch Giá (Kiên Giang) vào ngày 27-10-1868, lãnh tụ nghĩa quân yêu nước Nguyễn Trung Trực đã tuyên bố trước mặt kẻ thù: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Tưởng nhớ sự hy sinh bất khuất của anh hùng Nguyễn Trung Trực, nhân dân ở nhiều nơi thuộc vùng đất Nam Bộ đã cùng nhau xây dựng nhiều ngôi đình để thờ ông như một vị chính thần của làng xã nơi mình sinh sống. Tại vùng đất cù lao năm xưa cũng đã xuất hiện nhiều ngôi đình thờ ông. Trải qua quá trình hơn 200 năm đến nay và qua nhiều lần tôn tạo chỉ còn lưu lại ngôi đình tương đối lớn ở ấp Chợ, thị trấn Cù Lao.

Đình có kiến trúc đơn sơ gọn nhẹ, bên trong có bệ thờ, được nhân dân thường xuyên đến chiêm bái thờ cúng, nhất là vào những dịp Tết, ngày rằm hay ngày giỗ ông.

Ông Kịch còn thông tin, cũng tại nơi đây, tháng 2-1947, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Trường Đảng (nay là Trường Chính trị) tỉnh Sóc Trăng được ra đời, mở những lớp chính trị để đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nòng cốt trong tỉnh, nhằm trang bị những kiến thức cho lực lượng nòng cốt có đủ năng lực lãnh đạo nhân dân, chiến đấu chống kẻ thù theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến mà Bác Hồ và Trung ương Đảng đã phát động từ ngày 19-12-1946.

Trước sân đình còn có một gốc me cổ thụ gần 100 tuổi quanh năm rợp bóng phủ mát sân đình, bên dưới gốc me có đặt tấm bia bằng đá granit do Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng tạo dựng vào năm 1997 để kỷ niệm tại ngôi đình này.

Đình thần Nguyễn Trung Trực và bia kỷ niệm nơi thành lập Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng hiện nay đang được quy hoạch đầu tư, nâng cấp, xây dựng thêm nhiều hạng mục để thành điểm văn hóa lịch sử. Đây là nơi phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh khi muốn đến chiêm bái, tưởng niệm vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực và cũng là địa điểm giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cù Lao Dung.

CỬU LONG