“Con đường anh Dương”
Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương sinh năm 1959, là con thứ 5 trong gia đình có 12 người con ở xóm Bắc, xã Đông Thọ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay là phố Bắc, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa). “Tuổi thơ của tôi gắn với ruộng cày và những ngày tháng đi sơ tán. Gia đình tôi luôn nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và bà con lối xóm. Lên 8 tuổi tôi mới được đi học”, thầy Dương bồi hồi nhớ lại.
Năm 1978, Nguyễn Bá Dương tốt nghiệp cấp 3 đạt loại giỏi, cùng nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Bởi rất thích môn Văn nên cậu học trò Trường cấp 3 Hàm Rồng (nay là Trường THPT Hàm Rồng) đã nộp đơn thi vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh không những đủ điểm chuẩn vào trường mà còn được gọi đi học nước ngoài. “Cũng thời điểm ấy, bộ đội về làng tôi tuyển quân. Tôi đã viết đơn nhập ngũ với ước mơ được giống các chú bộ đội đóng quân tại nhà. Các chú ấy chính là những người thầy đầu tiên đã dạy tôi biết đọc, biết viết”, thầy Dương chia sẻ.
Trước ngày nhập ngũ, chàng trai xứ Thanh đã làm nhiều việc ý nghĩa để tri ân người thân và bà con làng xóm. Điển hình là việc dành gần một tháng cùng các em trong nhà đi đắp mới con đường đất dài khoảng 1km, men theo tuyến đường sắt vào làng để giúp bà con không phải đi qua lối mòn vắt ngang nghĩa địa, không phải lội bì bõm khi mùa mưa đến.
Và cái tên “đường anh Dương” được bà con đặt từ ngày ấy. Con đường đất năm xưa nay thành đường nhựa, với tên gọi là Ỷ Lan, nhưng cái tên “đường anh Dương” vẫn được nhiều người nhắc đến. Hơn 40 năm, Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương xa quê nhưng hình ảnh con đường quê nhỏ bé luôn hiện hữu trong tâm trí ông. Giờ đây, vẫn con đường ấy dẫn bà con và các cháu đến Nhà văn hóa phố Bắc sinh hoạt, chơi thể thao... Nơi đó có nhiều cuốn sách và kỷ vật của Thiếu tướng, PGS, TS, NGND Nguyễn Bá Dương trao tặng quê hương.
Say nghề giáo, tỉnh táo với khoa học
Trở lại mùa hè năm 1978, Nguyễn Bá Dương là chiến sĩ thuộc Trung đoàn Thông tin 252, Quân chủng Không quân (nay là Lữ đoàn Thông tin 26, Quân chủng Phòng không-Không quân). Hai năm sau, chiến sĩ Nguyễn Bá Dương được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tháng 10-1980, anh được Bộ Quốc phòng cử đi học tại Khoa Triết học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Là sinh viên mặc áo lính, lại là đảng viên trẻ, kết thúc năm học thứ nhất, anh đủ tiêu chuẩn được nhà trường tuyển chọn đi học nước ngoài. Sau thời gian học dự bị tiếng Nga ở Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Taskent (Liên Xô trước đây), tháng 8-1983, Nguyễn Bá Dương chính thức trở thành sinh viên Khoa Triết học, Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Rostov.
Năm 1987, anh tham gia Hội nghị khoa học sinh viên nước ngoài tại Nga và giành Huy chương vàng với đề tài “Tư duy lý luận về đổi mới ở Việt Nam-tầm nhìn triết học và định hướng phát triển”. “Với tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc, cuối năm 1988, tôi được Bộ Quốc phòng thăng quân hàm trung úy và điều về công tác tại HVCT Quân sự (nay là HVCT), là giảng viên Khoa Triết học. Dưới mái trường này, tôi đã có 33 năm gắn bó, thực hiện sứ mệnh “trồng người”, Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương chia sẻ.
Từ năm 1989 đến 1992, hệ thống xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng trầm trọng, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, một bộ phận cán bộ, quần chúng xuất hiện tư tưởng hoài nghi về tính đúng đắn của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Thế mạnh của ông là thông thạo tiếng Nga nên rất thuận lợi cho việc biên dịch tài liệu từ tiếng Nga sang tiếng Việt để phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Với tư duy lý luận nhạy bén, ông đã công bố bài báo “Nguyên tắc tính Đảng của V.I.Lenin trong đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội xét lại”, trên Tạp chí Giáo dục Lý luận Chính trị Quân sự, số 2-1993 gây “bão” dư luận. Trung tướng, GS Trần Xuân Trường lúc bấy giờ là Giám đốc HVCT Quân sự từng nhận xét bài viết “có chất thép, sát thực tế và thuyết phục”...
Ngay từ những ngày đầu đứng trên bục giảng, thầy giáo trẻ Nguyễn Bá Dương đã khẳng định năng lực qua từng bài giảng, các đợt thi giảng viên giỏi của học viện; viết và công bố nhiều bài báo khoa học, sách, giáo trình, tài liệu dạy học. Hơn 100 đầu sách, giáo trình do ông làm chủ biên, đồng chủ biên; 22 cuốn sách cá nhân; hơn 30 công trình, đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, cấp bộ, cấp cơ sở do ông làm chủ nhiệm, thư ký; nhiều cuốn sách chuyên khảo, tham khảo, tài liệu dạy học của ông được sử dụng rộng rãi ở các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội... là minh chứng sống động cho sự cống hiến, làm việc không ngừng nghỉ của NGND Nguyễn Bá Dương.
Chuyên tâm-đọc kỹ-nghĩ sâu-viết đúng
Đó là phương châm xuyên suốt quá trình giảng dạy, làm khoa học, viết sách của Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương. Với uy tín của mình, ông đã hướng dẫn 16 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và 20 học viên cao học trở thành thạc sĩ... TS Lê Thị Hồng Hạnh là một trong những nghiên cứu sinh do PGS, TS, NGND Nguyễn Bá Dương hướng dẫn, kể lại: “Có giai đoạn tôi bế tắc về tinh thần và không ít lần định bỏ cuộc làm luận án tiến sĩ. Những lúc đó, thầy Nguyễn Bá Dương vừa là bác sĩ tâm lý, vừa là chuyên gia giáo dục đã giúp tôi tháo gỡ từng khó khăn, từng “nút thắt” trong suốt quá trình làm luận án. Thầy đã thắp lên trong tôi ngọn lửa tri thức, ý chí, nghị lực và niềm tin cuộc sống...”.
    |
 |
Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương chúc mừng nghiên cứu sinh Lê Thị Hồng Hạnh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, tháng 4-2021. |
Hiện tại, Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương vẫn đang công tác tại Tổng cục Chính trị; được tín nhiệm bầu là Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương hai khóa liên tiếp (2016-2021; 2021-2026). Ông cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu về đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng ở nước ta. Tuy công việc nhiều nhưng PGS, TS Nguyễn Bá Dương vẫn dành thời gian lên lớp giảng bài, công bố các công trình khoa học.
Mới đây, tháng 10-2021, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho ra mắt bạn đọc cuốn sách của ông với tựa đề “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng-Tiếng gọi từ trái tim, mệnh lệnh của cuộc sống”. Ông còn là người khơi nguồn, định hướng để hai con nối nghiệp “trồng người” và đang làm luận án tiến sĩ. Nhận xét về đồng nghiệp của mình, Trung tướng, TS Nguyễn Tiến Quốc, nguyên Giám đốc HVCT nói: “Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương là một thầy giáo tâm huyết, rất bản lĩnh, giản dị, khiêm tốn; là tấm gương sáng trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và viết sách...”.
Gần 35 năm giảng dạy tại Học viện Chính trị, Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương có 16 năm liên tục (1998-2015) là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 3 lần Chiến sĩ thi đua cấp toàn quân (2006, 2009, 2016) và Chiến sĩ thi đua toàn quốc (2011); được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2012); phong học hàm Phó giáo sư (2005), danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (2006), Nhà giáo Nhân dân (2014) và nhiều phần thưởng cao quý khác. |
THÁI KIÊN - YÊN BÌNH