“Thầy Bình là tấm gương sáng về sự tận tụy, yêu nghề. Đã về hưu gần 10 năm nay, nhưng mỗi tuần một buổi, thầy vẫn tự đi xe máy vào khoa để dạy tiếng Anh chuyên ngành cho sinh viên, học viên!”. Từ những lời giới thiệu của Đại tá, TS Phạm Xuân Nghĩa, Phó chủ nhiệm Khoa Vô tuyến-Điện tử, chúng tôi đã liên lạc với thầy Nguyễn Quốc Bình. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sau khi về thăm quê ở Hải Phòng, thầy Nguyễn Quốc Bình chưa thể trở lại Hà Nội. Qua điện thoại, giọng thầy vẫn đầy hào sảng và say mê khi nhắc đến những kỷ niệm về Bộ môn Thông tin, về sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học.

leftcenterrightdel
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Quốc Bình. 

Năm 1972, tốt nghiệp cấp 3, đỗ đầu trong số học sinh Hải Phòng trúng tuyển đi học nước ngoài, Nguyễn Quốc Bình cùng các bạn tập trung ở Đại Từ (Thái Nguyên) để chờ ngày lên đường. Thế nhưng, khi đơn vị quân đội tới tuyển quân, Quốc Bình và 22 bạn trong số ấy đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Thuộc diện chưa phải nhập ngũ vì mới 16 tuổi, cha là cán bộ cao cấp trong quân đội (Thượng tá, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn Bộ binh 350), anh trai là bộ đội đang chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, mặc dù rất muốn được ra nước ngoài học tập nhưng Nguyễn Quốc Bình vẫn không yên lòng đi học khi các bạn mình đều lần lượt gác bút nghiên để ra chiến trường. Và cùng với 13 người trong số học viên ấy, Nguyễn Quốc Bình được điều về học tập tại Trường Đại học KTQS (nay là Học viện KTQS). “Trong điều kiện thời chiến gian khổ, học viên chúng tôi đều ra sức cố gắng học tập và rèn luyện để trở thành người kỹ sư giỏi, chuẩn bị cho các nhiệm vụ mà quân đội và nhân dân trao cho sau khi tốt nghiệp. Không thể quên những ngày bom Mỹ giội vào đúng khu vực sơ tán của trường hay những đêm báo động hành quân bộ hàng chục ki-lô-mét. Những khó khăn ấy không thể khiến chúng tôi nhụt ý chí”, Đại tá Nguyễn Quốc Bình nhớ lại.

Thời chiến tranh, điều kiện vật chất còn nhiều thiếu thốn, ngoài lên lớp học chuyên môn, học viên còn phải tham gia xây dựng công sự, hầm, hào, lán, trại, rồi lại thức nhiều đêm liền để học và thi. Với sự phấn đấu không ngừng nghỉ, tháng 3-1978, tốt nghiệp với điểm trung bình tích lũy toàn khóa là 4.62/5, cao nhất lớp hữu tuyến khóa 7, Nguyễn Quốc Bình được giữ lại làm giáo viên tại Bộ môn Hữu tuyến (nay là Bộ môn Thông tin) của Khoa Vô tuyến-Điện tử. Đại tá Nguyễn Quốc Bình kể: “Về khoa vào thời điểm khó khăn, gian khổ. Trang thiết bị, phương tiện giảng dạy đều rất thiếu thốn, nhưng với lòng yêu nghề, say mê công việc chuyên môn, hướng tới phục vụ chiến đấu của quân đội mà chúng tôi không nề hà trước bất kỳ khó khăn, trở ngại nào”.

Lặng đi một lúc rồi thầy kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ: “Đó là chuyến đi phục vụ chiến đấu tại Thất Khê (Lạng Sơn) cuối năm 1984. Chúng tôi được giao khôi phục một số máy thông tin và bộ đàm đã cũ, hỏng, thử nghiệm tìm ra loại phù hợp với điều kiện tác chiến để trang bị cho tuyến chốt tiền tiêu của Sư đoàn 347, Quân đoàn 14. Trong suốt mùa hè năm đó, tôi và thầy giáo của tôi, Đại úy Vũ Văn Vượng, giảng viên của bộ môn hì hục sửa đống máy cũ, hỏng ấy. Dồn cái nọ vào cái kia, chúng tôi khôi phục được hơn 30 chiếc máy bộ đàm cầm tay loại UFT-431 của Cộng hòa dân chủ Đức, với một số ít máy PRC-25 chiến lợi phẩm thu được của Mỹ từ hồi chiến tranh, sau đó, đưa lên tuyến chốt tiền tiêu của Sư đoàn 347 để các đơn vị sử dụng”.

leftcenterrightdel

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Quốc Bình và các học viên hệ dân sự của Học viện Kỹ thuật Quân sự, năm 2014. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Các máy thông tin do thầy Bình và đồng nghiệp cung cấp đã được trang bị về các chốt, giúp chiến sĩ ta giữ vững liên lạc. Sau chuyến đi ấy, nhóm của thầy Bình được Học viện KTQS tặng giấy khen vì có thành tích phục vụ chiến đấu. Từ đó, mong muốn cháy bỏng được tham gia thiết kế, chế tạo ra vũ khí, trang bị cho quân đội theo Đại tá Nguyễn Quốc Bình suốt chặng đường công tác. Sau này, thầy đã tham gia vào nhiều đề tài nghiên cứu, thiết kế phương tiện, thiết bị phục vụ tác chiến cho các lực lượng vũ trang. Từ năm 2006, thầy tham gia làm cố vấn kỹ thuật cho Công ty Cổ phần Công nghệ Viettel (tiền thân của Viện Nghiên cứu Phát triển Viettel, Tổng công ty Công nghệ cao Viettel/VHT sau này). Cùng các cộng sự, thầy Bình đã có nhiều đóng góp trong việc đào tạo, xây dựng lực lượng, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, thiết kế và sự ra đời của những sản phẩm công nghệ, máy móc và thiết bị điện tử-viễn thông của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội hiện nay.

Là một sĩ quan kỹ thuật, thầy Bình hiểu rõ tầm quan trọng của trang bị, vũ khí, khí tài đối với xương máu của bộ đội. "Đặc thù ngành kỹ thuật, công nghệ cao yêu cầu đội ngũ cán bộ phải có vốn ngoại ngữ tốt để tiếp cận, làm chủ trang thiết bị và tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Từ năm 2001, tôi đã đề nghị cấp trên cho mở các lớp tiếng Anh chuyên ngành ngoại khóa cho học viên, theo phương châm người biết nhiều hơn giúp người biết ít hơn để cùng tiến bộ. Các học viên, sinh viên năm thứ tư chuyên ngành điện tử-viễn thông có mong muốn và khao khát học tập đều có thể đăng ký tham gia lớp học”, thầy Bình chia sẻ. Được sự ủng hộ của Học viện KTQS và Khoa Vô tuyến-Điện tử, lớp học không thu phí của thầy đã ra đời. Không chỉ có các học viên, sinh viên của khoa, nhiều sinh viên chuyên ngành điện tử-viễn thông các trường đại học trên địa bàn Hà Nội nghe tiếng thầy cũng đăng ký theo học. Hiện nay, bên cạnh công việc hướng dẫn nghiên cứu sinh, tham gia các hội đồng khoa học, thực hiện các đề tài, dự án phục vụ công nghiệp quốc phòng và tình nguyện làm việc cho các cơ quan nghiên cứu của quân đội. thầy Bình vẫn tâm huyết với lớp học tiếng Anh miễn phí của mình. Tròn 20 năm hoạt động, đã có hàng nghìn lượt sinh viên theo học. “Thời gian này, vì dịch Covid-19 mà các bạn sinh viên không được học trực tiếp mà phải học online, chính vì vậy, việc duy trì lớp học bị gián đoạn nhiều lần, song cứ hết giãn cách vì dịch bệnh thì tôi lại đi từ Hải Phòng lên dạy”, thầy Bình cho biết-“Dẫu có vất vả, song rất vui khi thấy các học viên tiến bộ không ngừng”.

THỦY TIÊN