Khơi dậy sức dân

Vượt qua quãng đường hơn 80km từ TP Yên Bái đến thị xã Nghĩa Lộ, chúng tôi được các đồng chí trong Ban CHQS thị xã chờ sẵn để cùng đi thực tế lấy tư liệu tuyên truyền kỷ niệm 70 năm giải phóng Nghĩa Lộ (18-10-1952 / 18-10-2022). Thượng tá Đỗ Xuân Trường, Chính trị viên Ban CHQS thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Nghĩa Lộ trong Chiến dịch Tây Bắc là Phân khu Nghĩa Lộ theo cách gọi của quân Pháp. Quân Pháp xây dựng nhiều đồn bốt và trại (căng) ở Phân khu Nghĩa Lộ và được bảo vệ bởi nhiều đồn bốt xung quanh khu vực. Đợt 1 của Chiến dịch Tây Bắc (diễn ra từ ngày 14 đến 23-10), các đơn vị bộ đội chủ lực thuộc Đại đoàn 308, 312, 316 và Tiểu đoàn 910, Trung đoàn 148 (nay thuộc Sư đoàn 316, Quân khu 2) tiến công các đồn bốt trong phòng tuyến của quân Pháp và giải phóng Phân khu Nghĩa Lộ ngày 18-10. Phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực tác chiến, Huyện ủy và Huyện đội Văn Chấn chỉ đạo các đại đội bộ đội địa phương 85, 87, 97 và dân công, dân quân dẫn đường, đưa quân báo của các đại đoàn vào vùng địch để trinh sát, nắm tình hình.

Trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, huyện Văn Chấn huy động hơn 2.500 dân quân, dân công tham gia phục vụ chiến dịch; cung cấp gần 1.000 tấn lương thực, thực phẩm, muối cho bộ đội. Quân và dân huyện Văn Chấn, trong đó có Nghĩa Lộ đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, không quản gian khổ, hy sinh dưới làn bom đạn địch, vận chuyển hàng nghìn tấn đạn, vật chất hậu cần, kịp thời bổ sung cho các đơn vị chiến đấu.

leftcenterrightdel

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo phương án tác chiến đánh đồn Nghĩa Lộ trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Ảnh tư liệu 

Chúng tôi cùng đoàn công tác của Ban CHQS thị xã Nghĩa Lộ đến thăm gia đình cụ Hoàng Văn Trác, ở tổ 5, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ. Cụ Trác (1916-1990), nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308), sau được bổ nhiệm chức vụ Phó trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316), tham gia Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Cụ nhập ngũ tháng 12-1947, phục vụ quân đội đến năm 1960 thì chuyển ngành và gắn bó với vùng đất Nghĩa Lộ từ đó. Anh Hoàng Văn Hải, con trai của cụ Trác kể: “Khi còn sống, bố tôi thường kể về những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Tây Bắc, giải phóng Nghĩa Lộ. Ngày ấy, các đơn vị chủ lực được bộ đội địa phương, dân quân, du kích dẫn đường và vận động nhân dân giữ bí mật để trinh sát của các đơn vị vào Nghĩa Lộ nắm tình hình. Nhân dân còn giúp bộ đội thuyền, bè, mảng để vượt sông vào vị trí tập kết, chuẩn bị chiến đấu... Sau này, bố tôi phụ trách Phòng Khai hoang của tỉnh Nghĩa Lộ, ông làm việc nhiệt tình, trách nhiệm, với mong muốn vùng đất chiến trường xưa phát triển giàu đẹp!”.

Cùng ở thị xã Nghĩa Lộ, chúng tôi tới thăm gia đình cụ Bùi Đức Lạc (1927-1996), một trong những lão thành cách mạng của địa phương. Theo chị Bùi Thị Bích, con gái thứ tư của cụ Lạc kể: “Tôi đã đến Bảo tàng tỉnh Yên Bái tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu về phong trào cách mạng ở địa phương và những đóng góp của cha tôi đối với quê hương. Những năm kháng chiến chống Pháp, cha tôi là cán bộ hoạt động bí mật. Cụ đến các bản làng người Mông, người Thái... để vận động bà con ủng hộ cách mạng, ủng hộ kháng chiến, không đi lính và làm việc cho quân Pháp. Quân Pháp rao giá, ai bắt được cụ nộp cho chúng sẽ được thưởng nhiều bạc nén và muối. Nhưng cụ được bà con đùm bọc, che chở, bảo vệ, khi quân Pháp hay ngụy quân hỏi, bà con đều nói không biết. Cụ vận động bà con ủng hộ tiền của và vật chất cho bộ đội, cho kháng chiến”.

Tiếp lời chị Bích, Thượng tá Đỗ Xuân Trường cho biết thêm: Sách lịch sử của địa phương ghi nhận, trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân ủng hộ 622 con trâu, 1.368 con lợn, cùng các loại gia cầm và gạo, ngô, đậu, vừng cho bộ đội... Bằng việc khơi dậy sức dân, huy động nguồn lực trong dân, quân và dân Nghĩa Lộ đã góp phần bảo đảm cho Chiến dịch Tây Bắc thắng lợi.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Qua các giai đoạn lịch sử, Đảng bộ, quân và dân thị xã Nghĩa Lộ luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, tích cực xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Thượng tá Nguyễn Đức Thủy, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị xã Nghĩa Lộ khẳng định: Vận dụng kinh nghiệm từ các cuộc kháng chiến, các chiến dịch, các cấp ủy đảng, chính quyền, LLVT thị xã luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân. Cùng với làm tốt chức năng tham mưu với Thị ủy, HĐND, UBND thị xã, Ban CHQS thị xã còn tăng cường xây dựng, huấn luyện, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu của LLVT. Ban CHQS thị xã làm nòng cốt, phối hợp với các ban, ngành tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tăng cường xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ, xây dựng và phát huy “thế trận lòng dân” trong khu vực phòng thủ vững chắc.

Trong những năm qua, LLVT thị xã thường xuyên triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện các đối tượng theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, chú trọng đồng bộ, chuyên sâu với lực lượng thường trực; vững mạnh, rộng khắp với dân quân, tự vệ. Tỷ lệ dân quân, tự vệ của thị xã hiện chiếm 1,93% dân số; công tác quản lý, sắp xếp lực lượng dự bị động viên bảo đảm 100% đầu mối đơn vị, quân số đạt tỷ lệ 97,7%. Ban CHQS thị xã phối hợp với các ban, ngành tổ chức tốt công tác giáo dục quốc phòng, an ninh; 100% cán bộ được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh đúng quy định; quan tâm bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng bản và người có uy tín trên địa bàn... Nhờ đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác quốc phòng, quân sự địa phương được nâng cao; thực hiện các chỉ tiêu về quốc phòng, tuyển quân của thị xã đều đạt và vượt kế hoạch trên giao.

leftcenterrightdel

Cán bộ, nhân viên Ban CHQS thị xã Nghĩa Lộ và học sinh tham quan Tượng đài Chiến thắng Nghĩa Lộ (tháng 12-2021). Ảnh: THU DUY.

Để xây dựng, phát triển các tiềm lực trong khu vực phòng thủ, Đảng ủy Quân sự, Ban CHQS thị xã luôn quan tâm làm tốt công tác tham mưu, xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Cán bộ, chiến sĩ LLVT thị xã phối hợp, làm tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19. Ban CHQS thị xã hằng năm vào dịp lễ, tết tổ chức các đoàn công tác đến thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, hộ nghèo, khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ LLVT thường xuyên làm tốt công tác dân vận, tham gia giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; tích cực thực hiện Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Năm 2020, thị xã Nghĩa Lộ được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 2,12%.

“Trong tham gia giúp dân xóa đói, giảm nghèo, LLVT thị xã đã thực hiện tốt các mô hình: “Giúp dân xóa nhà tạm, dột nát”; “Thắp sáng làng bản”; “Nước sạch về bản làng”... Đến nay, 100% đồng bào các dân tộc được sử dụng nước sạch; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã và có trường học xây dựng cơ bản, 70% phòng học xây dựng kiên cố, bán kiên cố. Đời sống nhân dân nâng lên rõ rệt. Những kết quả trên góp phần tạo điều kiện để thị xã hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, khu vực phòng thủ vững chắc...”-Thượng tá Nguyễn Đức Thủy nhấn mạnh.

DƯƠNG HÀ