Về với dân, xây dựng cơ sở

Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn, Phó chính ủy Quân khu 2 mở đầu cuộc trao đổi với chúng tôi với niềm tự hào: Tây Bắc là vùng địa linh nhân kiệt, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng. Riêng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trên địa bàn Tây Bắc đã diễn ra nhiều chiến dịch lớn và những trận đánh điển hình, hiệu suất chiến đấu cao, như: Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông với Chiến thắng Sông Lô oai hùng (tháng 10-1947); Chiến dịch giải phóng Tây Bắc (tháng 10-1952) và đặc biệt là thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” (năm 1954). Quân và dân Tây Bắc đã kết hợp, hiệp đồng chặt chẽ, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong chiến đấu; vừa chiến đấu, vừa xây dựng chính quyền cơ sở, vừa tuyên truyền vận động nhân dân đánh giặc, làm thất bại âm mưu chia rẽ đồng bào các dân tộc của địch; đồng thời tổ chức tiễu phỉ, trừ gian, bảo vệ địa bàn, xây dựng “thế trận lòng dân”, bảo đảm bí mật, tạo điều kiện cho bộ đội và các LLVT quân khu chiến đấu, giành thắng lợi.

Theo Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn, sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, để bảo vệ chính quyền cách mạng, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tham mưu đã điều động các đơn vị Vệ quốc đoàn lên Tây Bắc và tại một số tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 2 ngày nay, ta thành lập các đơn vị bộ đội chủ lực, cùng với lực lượng dân quân, tự vệ, du kích. Từ tháng 11-1945 đến tháng 4-1946, Bộ Tổng Tham mưu điều 7 đại đội Vệ quốc đoàn lên Tây Bắc để tăng cường lực lượng đánh địch ở Sơn La và khu vực biên giới Việt-Lào. Không chỉ đánh giặc, nhiệm vụ của các đơn vị bộ đội chủ lực còn phối hợp với các LLVT địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân, xây dựng địa bàn chiến đấu, giữ dân, giữ đất. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, quân Pháp tiến công lên Việt Bắc, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Trước tình hình đó, ngày 15-10-1947, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Phải phá cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp”. Để giam chân địch, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó, ta chủ trương phương châm tác chiến “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, đưa các đơn vị cấp đại đội về cơ sở xã, huyện để nắm tình hình, giúp địa phương xây dựng cơ sở chính trị, tổ chức lực lượng, huấn luyện cho dân quân, tự vệ, du kích, phối hợp hiệp đồng đánh địch. Hoạt động của các đại đội độc lập và các đơn vị vũ trang địa phương khiến cho quân địch từ thế “chủ động tìm diệt” thành “bị động đối phó”, bị tiêu hao sinh lực, buộc chúng phải đối phó trên khắp các chiến trường. Bên cạnh đó, việc đưa các đơn vị bộ đội chủ lực về địa phương, không chỉ giúp xây dựng, huấn luyện các LLVT địa phương mà còn xây dựng được “thế trận lòng dân” vững chắc, góp phần vào thắng lợi của các chiến dịch trên địa bàn.

leftcenterrightdel
Đoàn công tác Ban CHQS TP Yên Bái đến thăm hỏi cựu chiến binh Nguyễn Đức Thọ. Ảnh: KIÊN THÁI 

Nhớ về những năm tháng công tác ở cơ sở, ông Hoàng Đức Quân, sinh năm 1923, ở thôn 5, xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ kể: “Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tôi tham gia Đội tuyên truyền của xã Tây Sơn (nay là xã Yên Kiện). Ở đội, tôi được các đồng chí bộ đội đến hướng dẫn cách tuyên truyền vận động nhân dân; được huấn luyện quân sự, cách đánh du kích. Chúng tôi vận động nhân dân đóng góp lương thực, vật chất giúp đỡ bộ đội; làm trận địa giả nghi binh, giữ bí mật nơi đóng quân của bộ đội. Những hoạt động của Đội tuyên truyền đã góp phần vào thắng lợi của Chiến thắng Sông Lô, của Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947. Sau này, trên những cương vị Xã đội phó, Trưởng công an xã, Chủ tịch UBND và Bí thư Đảng ủy xã, tôi đã vận dụng những kinh nghiệm công tác, nhất là trong tuyên truyền, vận động nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”.

Ông Nguyễn Đức Thọ, sinh năm 1935, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 148 (nay thuộc Sư đoàn 316, Quân khu 2), hiện trú tại tổ 8, phường Đồng Tâm, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái bồi hồi nhớ lại: “Năm 1952, mới 17 tuổi, tôi xung phong nhập ngũ vào Trung đoàn 148. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, tôi biên chế về Tiểu đoàn 910, cùng đội hình trung đoàn tham gia Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, chiến đấu ở địa bàn các tỉnh Sơn La, Lai Châu, đánh chiếm đồn Pắc Ma, giải phóng huyện lỵ Quỳnh Nhai (Sơn La). Sau chiến thắng Tây Bắc, đơn vị tôi được điều động làm nhiệm vụ tiễu phỉ ở Tú Lệ, Khau Phạ (Yên Bái) và ở các huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) và Than Uyên (Lai Châu)... Thời gian này, đơn vị chúng tôi cử các tổ công tác đến địa bàn, vào từng nhà dân vận động, tuyên truyền cho gia đình kêu gọi con em không theo phỉ, không đi theo địch. Tết Quý Tỵ 1953, có một việc rất vui là theo yêu cầu của người dân, đơn vị tôi “chia” các tổ bộ đội sao cho đều để về ăn Tết với bà con. Chính sự gắn bó, tình quân dân cá nước đó đã giúp chúng tôi xây dựng được “thế trận lòng dân”, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, giữ an toàn vùng giải phóng”.  

Vận dụng trong xây dựng khu vực phòng thủ

“Gắn bó với dân, dựa vào dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là yếu tố mang tính nguyên tắc, nền tảng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong khu vực phòng thủ vững chắc”, Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn trở lại câu chuyện với chúng tôi. Những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 2 vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm đúc kết từ các cuộc kháng chiến, thực tiễn công tác quân sự, quốc phòng; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng toàn diện nền quốc phòng toàn dân, các thành phần thế trận của khu vực phòng thủ; đề ra các chủ trương, giải pháp, mô hình phù hợp với từng thời điểm, giai đoạn, từng vùng miền, gắn với yêu cầu nhiệm vụ. Để tạo nên thế trận phòng thủ liên hoàn, vững chắc, Quân khu 2 phối hợp với các địa phương tăng cường xây dựng các tiềm lực về chính trị, tinh thần; kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ; quốc phòng, an ninh; tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch, xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ.

leftcenterrightdel
Cán bộ Ban CHQS thị xã Nghĩa Lộ (Bộ CHQS tỉnh Yên Bái) trò chuyện với học sinh tại Tượng đài Chiến thắng Nghĩa Lộ. Ảnh: THU THỦY 

Trên cơ sở đặc điểm, điều kiện của từng vùng, khu vực và tỉnh, cơ quan quân sự các cấp tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các chương trình, dự án kinh tế theo hướng phát huy thế mạnh của địa bàn; phối hợp vận động nhân dân định canh, định cư, ổn định đời sống... LLVT quân khu đẩy mạnh các phong trào thi đua, hướng về cơ sở, đưa cán bộ, chiến sĩ LLVT về giúp các địa phương trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị; làm công tác dân vận; xây dựng nông thôn mới; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn... Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 2 đã và đang triển khai nhiều biện pháp đồng bộ trong xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc, như đưa cán bộ, đảng viên về tham gia sinh hoạt, xây dựng đảng, chính quyền ở địa phương. Các cơ quan quân sự, nhất là ban CHQS cấp xã, phường, thị trấn trực tiếp bám sát, nắm tình hình, làm nòng cốt trong tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, không chỉ về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng mà còn trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong công tác tuyển quân, quân khu chỉ đạo cơ quan, đơn vị lựa chọn công dân có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ văn hóa, năng lực tốt, bảo đảm cơ cấu vùng miền, dân tộc, qua đó huấn luyện, bồi dưỡng, khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, tiếp tục bồi dưỡng để trở thành cán bộ, hạt nhân phong trào cơ sở. Những năm qua, cùng với thực hiện luân chuyển cán bộ, quân khu còn lựa chọn cán bộ có năng lực, đưa về bồi dưỡng ở đơn vị chủ lực như Sư đoàn 316, sau đó điều động về công tác ở các cơ quan quân sự địa phương. Nhờ đó, cán bộ có năng lực tốt, phát triển toàn diện, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.

XUÂN GIANG