Diện mạo mới ở trung tâm đô thị
Dịp này, khi đặt chân đến TP Hồ Chí Minh, du khách không thể không dành thời gian bách bộ, thưởng lãm vẻ đẹp thông thoáng, hiện đại, sang trọng ở khu trung tâm đô thị. Tuyến đường Lê Lợi nối từ Nhà hát thành phố đến chợ Bến Thành là tâm điểm của sự đổi thay diện mạo khu vực trung tâm thành phố. Sau gần 8 năm phải phong tỏa, rào chắn tuyến đường để phục vụ cho việc thi công dự án tuyến metro số 1, khu vực này đã được giải phóng mặt bằng, thông xe trở lại. Cùng với quá trình hoàn thổ, tái tạo mặt bằng, chính quyền và cơ quan chức năng thành phố đã thực hiện dự án chỉnh trang đô thị với mục tiêu tạo điểm nhấn cho khu vực trung tâm theo hướng hiện đại, hội nhập, bảo tồn bản sắc văn hóa. Theo đó, diện mạo khu trung tâm thành phố ở khu vực này được thiết kế, tái lập thông thoáng, hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo hệ thống cảnh quan khang trang, xanh, sạch, đẹp, hài hòa với cảnh quan tổng thể. Sau một thời gian gấp rút thi công cả ngày lẫn đêm, tuyến đường Lê Lợi phía trước Nhà hát thành phố đã hoàn tất. Không gian văn hóa,
kiến trúc xung quanh Nhà hát thành phố được kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ, tạo thành một quần thể công viên văn hóa, kiến trúc hài hòa. Người dân thành phố và du khách có những khoảnh khắc thư thái, thả hồn bay bổng theo các thiết chế văn hóa lấy cảm hứng từ âm nhạc, đài sen, đài phun nước nghệ thuật... thấp thoáng dưới tán cổ thụ và những mảng xanh cây cỏ công viên mang bóng dáng thảo nguyên. Từ Nhà hát thành phố đến chợ Bến Thành, con đường Lê Lợi được quy hoạch, mở rộng thành đại lộ thênh thang, thẳng tắp. Bên cạnh những công trình kiến trúc cổ có tuổi đời hàng trăm năm đã được trùng tu, bảo tồn gần như nguyên trạng là hệ thống các tòa cao ốc hiện đại. Sự pha trộn, giao hòa giữa vẻ cổ kính, cổ điển và nét hiện đại của hệ thống các công trình kiến trúc dọc đường Lê Lợi làm mãn nhãn người dân và du khách.
    |
 |
Một đoạn đại lộ Bonard thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu
|
Hiện tại, không gian trước chợ Bến Thành đang được khẩn trương thi công. Theo phương án đã được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt, khu vực này sẽ được tái lập, thiết kế, xây dựng thành quảng trường sau khi công trình nhà ga metro số 1 thi công hoàn tất. Diện mạo quảng trường chợ Bến Thành sẽ khôi phục, kế thừa những điểm nhấn văn hóa trước đây, đồng thời hiện đại hóa thêm những hạng mục, mảng xanh đô thị theo hướng tiện lợi, thông thoáng về giao thông. Vị trí đặt Tượng đài Trần Nguyên Hãn trước đây sẽ được khôi phục nguyên trạng. Theo định hướng phát triển khu vực trung tâm thành phố, đường Lê Lợi nối từ Nhà hát thành phố đến chợ Bến Thành sẽ được quy hoạch thành phố đi bộ để kích cầu, phát triển du lịch. Như vậy, sau khi hoàn thành dự án tuyến metro số 1, toàn bộ khu vực này là một quần thể văn hóa kiến trúc liên hoàn, nối quảng trường-phố đi bộ Nguyễn Huệ, quảng trường Nhà hát thành phố-chợ Bến Thành và công viên bến Bạch Đằng. Đây là điểm đến du lịch hấp dẫn bậc nhất ở TP Hồ Chí Minh, nhằm níu chân du khách trong nước và quốc tế đến lưu trú, nghỉ dưỡng, tham quan, khám phá...
Dấu ấn lịch sử và thông điệp hội nhập
NSƯT Trần Vương Thạch, nguyên Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP Hồ Chí Minh, người có nhiều năm gắn bó với Nhà hát thành phố tâm sự rằng: Công trình hơn 120 năm tuổi này không chỉ là cái nôi, điểm sáng văn hóa-nghệ thuật mà còn là chứng nhân lịch sử quan trọng qua các thời kỳ. Nhà hát thành phố do người Pháp xây dựng sau khi đặt chân đến Sài Gòn xâm chiếm Nam Kỳ. Xuất phát từ nhu cầu đời sống văn hóa của nhà cầm quyền Pháp tại Sài Gòn, họ đã khởi công xây dựng nhà hát vào năm 1898 và khánh thành, đưa vào sử dụng từ năm 1900. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, công trình được trùng tu, tôn tạo, chuyển đổi công năng nhiều lần. Nơi đây từng được sử dụng làm trụ sở quốc hội (nhà hạ nghị viện) của ngụy quyền Sài Gòn trước năm 1975. Năm 1998, nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh, Nhà hát thành phố được trùng tu toàn diện, khôi phục nguyên trạng các hạng mục, chi tiết kiến trúc...
    |
 |
Đường Lê Lợi, đoạn phía trước Nhà hát TP Hồ Chí Minh hiện nay. THU MINH
|
Còn chợ Bến Thành là biểu tượng của giao thương kinh tế. Được người Pháp xây dựng từ năm 1912, chợ Bến Thành là trung tâm thương mại nổi tiếng nhất của vùng đất Sài Gòn-Gia Định xưa, TP Hồ Chí Minh ngày nay. Học giả An Chi, một trong những nhà nghiên cứu lịch sử-văn hóa nổi tiếng ở Thành phố mang tên Bác hiện nay cho biết: Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, khuôn viên chợ Bến Thành có nhiều cơ sở cách mạng. Nhiều gia đình làm nghề kinh doanh ở chợ đã ngụy trang, che giấu cán bộ. Nhiều trận đánh “xuất quỷ nhập thần” của Biệt động Sài Gòn tấn công vào các mục tiêu đầu não của địch ở trung tâm Sài Gòn đã sử dụng chợ Bến Thành làm nơi bí mật phát tín hiệu, hiệp đồng chiến đấu, ém quân và lui quân...
Vào thời kỳ đổi mới, trong quá trình xây dựng các phương án chỉnh trang đô thị, đã có một số ý kiến đề xuất xây dựng mới chợ Bến Thành theo mô hình trung tâm thương mại hiện đại cho tương xứng với tầm vóc đô thị, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, ý kiến này đã vấp phải sự phản đối của giới chuyên gia sử học, văn hóa, kiến trúc... Hình ảnh chợ Bến Thành có đồng hồ ở cửa nam đã trở thành biểu tượng của TP Hồ Chí Minh. Thay vì xây dựng mới, chợ Bến Thành đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã thống nhất phương án tiếp tục trùng tu, tôn tạo chợ Bến Thành trên cơ sở bảo tồn, giữ nguyên hiện trạng kiến trúc.
Các tài liệu khảo cứu về vùng đất Sài Gòn-Gia Định cũng ghi rõ, thời Pháp thuộc, đại lộ Lê Lợi có tên là đại lộ Bonard, đặt theo tên của vị Chuẩn đề đốc, sau là Phó đề đốc Hải quân Pháp. Khi đảm đương chức vụ thống đốc Nam Kỳ, Bonard đã chỉ đạo viên sĩ quan công binh tên là Coffyn quy hoạch thành phố Sài Gòn cho tương lai và ra lệnh khởi công xây dựng kênh đào Vành Đai (tiếng Pháp là Canal de ceinture), nối rạch Lò Gốm với rạch Thị Nghè. Tuy nhiên, do quá trình phát triển đô thị, tuyến kênh này đã bị lấp...
    |
 |
Nhà hát TP Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: XUÂN CƯỜNG
|
Sau khi thông xe tuyến đường Lê Lợi, lãnh đạo quận 1 cùng các sở, ban, ngành liên quan đã tổ chức gặp gỡ, tri ân người dân trong khu vực. Đó là những tiểu thương đã chịu nhiều thiệt thòi do sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn, chung sức đồng hành, ủng hộ chủ trương của thành phố trong suốt 8 năm rào chắn, phong tỏa tuyến đường để thi công tuyến metro số 1. Đồng chí Lê Đức Thanh, Chủ tịch UBND quận 1 đã chia sẻ với người dân, việc chỉnh trang đô thị khu vực này nhằm tăng tính tiện dụng cho không gian công cộng, kết nối nhà ga metro, thuận tiện cho các hoạt động tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa và tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng ngoài trời. Các công trình kiến trúc, thiết chế văn hóa thể hiện thông điệp nghĩa tình, đoàn kết, hướng tới mục tiêu phát triển, hội nhập. Bên trong vẻ đẹp sang trọng, hiện đại, diện mạo khu trung tâm đô thị giữ nguyên giá trị hồn cốt của lịch sử, văn hóa, chứa đựng và giữ gìn những giá trị văn hóa bản sắc của thành phố.
Trải qua hàng trăm năm phát triển, trên đại lộ Bonard xưa, đường Lê Lợi ngày nay, đường nét cổ kính của những công trình cổ và sắc màu, hình khối của những tòa nhà sang trọng, hiện đại được gắn kết bằng những gạch nối trong tình cảm, tình yêu thành phố của người dân và du khách muôn phương...
MINH THU