Trung tá Trần Mạnh Cường nguyên là Chủ nhiệm Khoa Ngoại, Viện Y học Phòng không-Không quân. Ông sinh năm 1953, tại huyện Sóc Sơn, tỉnh Vĩnh Phú (nay thuộc Hà Nội). Năm 1970, ông thi vào Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y). Tốt nghiệp thủ khoa năm 1977, mặc dù đủ tiêu chuẩn được giữ lại trường làm công tác giảng dạy nhưng do chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông đã tình nguyện vào chiến trường và được phân công làm Đại đội trưởng quân y Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Đơn vị đóng quân ở Tây Ninh. Đến năm 1978, ông làm Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 1, khi đó đơn vị chưa có người thay thế vị trí Đại đội trưởng quân y trung đoàn nên ông tạm thời kiêm luôn chức vụ này. Vào khoảng 19 giờ ngày 22-4-1978, Binh nhì Phan Hữu Thúc của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1 được đồng đội đưa về cấp cứu trong tình trạng mất rất nhiều máu, quả đạn M79 chưa nổ đâm xuyên từ dưới gò má phải chếch lên hốc mắt trái đẩy lồi nhãn cầu lên khỏi hốc mắt, phải nhanh chóng hồi sức tích cực và phẫu thuật cấp cứu cho Thúc. Khó khăn lớn nhất đặt ra là nếu quả đạn nổ có khả năng gây tử vong cả cho thương binh và kíp mổ. Sau hội ý, ông Cường quyết định trực tiếp đứng mổ cùng một bác sĩ phụ và một người soi đèn.
    |
 |
Ông Trần Mạnh Cường (bên trái) và ông Phan Hữu Thúc gặp lại nhau vào năm 2020. Ảnh: TRẦN HỮU |
Ca mổ diễn ra dưới hầm. Trong khi đó, trên mặt đất, các bộ phận khác của đơn vị chờ đợi trong lo lắng. Ngày ấy, trang thiết bị y tế ở chiến trường rất đơn sơ. Người thương binh sốc nặng, không thể lấy ven ở tay nên bác sĩ Cường đã phải lấy ven chân của thương binh để truyền dịch. Ông Cường nhớ lại: “Tình huống vô cùng khẩn cấp. Tôi phải mở khí quản để Thúc thở. Ca mổ diễn ra trong vòng hai giờ đồng hồ và chúng tôi cố hết sức bảo toàn nhãn cầu cho thương binh”.
Rất may, với sự phối hợp ăn ý của kíp mổ, cuộc phẫu thuật cấp cứu thành công. Quả đạn M79 được lấy ra an toàn và nhanh chóng chuyển cho bộ phận hủy nổ. Sau đó, ông Cường cùng một đồng đội chuyển Binh nhì Phan Hữu Thúc về Viện Quân y 175 (nay là Bệnh viện Quân y 175) ở TP Hồ Chí Minh bằng xe cứu thương của đơn vị mất hơn 4 giờ đồng hồ. Sau khi bàn giao hồ sơ và thương binh cho bệnh viện, ông Cường quay lại chiến trường tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Năm 1979, ông Cường được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
    |
 |
Trung tá Trần Mạnh Cường. |
Đến năm 2020, sau 42 năm, nhờ thông tin của đồng đội, ông Cường và ông Thúc mới gặp nhau tại nhà riêng của ông Thúc ở xã Võng La, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Ông Cường kể: “Khi gặp mặt, tôi nhận ra ngay người thương binh ấy. Còn ông Thúc thì không thể biết tôi do khi được cấp cứu đã ở trong tình trạng hôn mê. Qua lời kể của ông Thúc, sau khi về Viện Quân y 175, được các bác sĩ cấp cứu, điều trị tích cực, hơn chục ngày sau ông đã hồi tỉnh. Sau đó, ông Thúc được đưa bằng máy bay ra Bắc và trải qua nhiều cuộc phẫu thuật ở các bệnh viện chuyên ngành. Điều tôi mừng nhất là được biết sức khỏe của ông Thúc hiện ổn định, có gia đình hạnh phúc với 2 người con và 4 đứa cháu. Từ ngày gặp lại, cứ khi nào rảnh rỗi, chúng tôi lại đến thăm nhau như những người thân trong gia đình”.
QUANG DUY