Thiếu tá Bùi Thị Song Thu, nhân viên tuyên truyền cho chúng tôi biết:
Năm 2000, Trưởng ban Sưu tầm Vũ Quang Thịnh được bác sĩ Trần Thất Nghiệp, nguyên cán bộ Bệnh viện Quân y 109 kể cho nghe một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất về những năm tháng chiến đấu bên nước bạn Lào. Đó là ca phẫu thuật ông thực hiện lấy đầu đạn M79 găm vào bắp đùi một chiến sĩ người Lào.
Đầu năm 1970, bác sĩ Trần Thất Nghiệp nhận nhiệm vụ sang chiến trường nước bạn Lào. Tháng 6-1973, ở mặt trận Đông Lào, sau một trận chống càn của địch, một chiến sĩ người Lào tên là Khăm Uôn được đưa đến trạm xá. Khăm Uôn bị một đầu đạn M79 găm trúng đùi phải. Đầu đạn đang trong tư thế chờ nổ. Tính mạng chiến sĩ ấy rất nguy hiểm vì nếu để lâu sẽ mất máu, còn nếu thực hiện ca mổ thì cả chiến sĩ và kíp mổ phải đối mặt với tử thần, bởi đầu đạn có thể nổ bất cứ lúc nào nếu kíp nổ đủ vòng quay vì có sự xê dịch. Bác sĩ Trần Thất Nghiệp lúc đó là đội trưởng đội phẫu quyết định phải mổ lấy đầu đạn cứu người. Một lán mổ biệt lập được dựng tạm. Bác sĩ Nghiệp và các y sĩ Lê Thị Mây, Nguyễn Văn Hưng trực tiếp thực hiện ca mổ.
Đầu đạn găm sâu vào phần thịt ở đùi người chiến sĩ và bị các dây cơ bọc lại. Vừa cẩn thận giữ đạn đúng theo tư thế, bác sĩ Nghiệp vừa dùng dao phẫu thuật chậm rãi mở rộng vết thương. Ở cách đó không xa, hàng trăm con mắt của đồng đội đổ dồn về lán phẫu thuật biệt lập. Hơn 3 giờ sau, mọi người thở phào nhẹ nhõm khi thấy cửa lán mở ra, bác sĩ Nghiệp cẩn thận bê khay cát ẩm (dùng để làm khuôn cố định đầu đạn) chứa đầu đạn đi ra ngoài. Khăm Uôn đã được cứu sống, sức khỏe dần hồi phục. Khi nghe tin các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Quân y 109 thực hiện thành công ca mổ khó, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã gửi thư khen.
Sau đó, đầu đạn ấy được bác sĩ Trần Thất Nghiệp nhờ cán bộ kỹ thuật vô hiệu hóa và phục chế lại thành mẫu quả đạn M79, mang theo suốt cả cuộc chiến đến khi trở về nước. Anh Thịnh đã đến gặp bác sĩ Nghiệp ở Bệnh viện Quân y 109 (khi ông còn đang công tác) để sưu tầm và đưa về trưng bày tại bảo tàng.
HÀ VIỆT