Theo lời kể của CCB Nguyễn Văn Đức, tháng 9-1972, Trung đoàn 256 nhận nhiệm vụ nhanh chóng xây dựng lực lượng để đánh B-52. Cùng với 3 đại đội pháo 100mm huấn luyện chiến đấu, Tiểu đội báo vụ-tiêu đồ cũng gấp rút bước vào đợt tập huấn đặc biệt. Cả tiểu đội tập luyện thu các tín hiệu vô tuyến điện giả định những đường bay của B-52 sẽ đánh vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên theo các tình huống từ đơn giản đến phức tạp với nhiều tốc độ truyền tín hiệu vô tuyến điện khác nhau. “Hồi ấy, chúng tôi được cấp trên trang bị 2 máy thu vô tuyến tương đối hiện đại và không bị nhiễu sóng khi thu tín hiệu. Máy mở 24/24 giờ, trong khi chỉ có 3 người trực, lại không có lực lượng dự bị thay thế. Để đáp ứng nhiệm vụ canh trực, sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi ăn, ngủ, nghỉ ngay tại trung tâm chỉ huy. Anh em ở đây lúc nào cũng trong trạng thái tai nghe, mắt nhìn, tay ghi chép bất kể ngày đêm”, CCB Nguyễn Văn Đức nhớ lại. 

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đức (thứ ba, từ phải sang) cùng đồng đội thăm lại di tích trận địa của Đại đội 5, tại phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên. 

Hồi tưởng trận đánh bắn rơi máy bay B-52 đầu tiên trên bầu trời Thái Nguyên vào tối 24-12-1972, ông Đức sôi nổi kể: “Hơn 6 giờ tối, cấp trên phát tín hiệu máy bay đầu tiên là các máy bay gây nhiễu EB-66, rồi F-4 đi trước khoảng 15-20 phút. Tôi trực tiếp nghe thu máy chính và đi đường bay chính. Bên cạnh tôi là hai đồng chí Kiều và Vượng nghe thu máy phụ để bổ sung các thông số. Sau đó một lúc, tôi nhận được tín hiệu B-52 đã xuất phát, độ cao 10km, tôi báo cáo: “Có tín hiệu máy bay B-52 xuất hiện và di chuyển về miền Bắc nước ta, theo phương án 1”. Liên tiếp 3 tốp mục tiêu B-52 nối đuôi nhau theo 3 đường bay chính, rất ổn định. Thỉnh thoảng tôi thấy tín hiệu bị ngắt quãng, thay vì 3 phút báo một lần, có lúc 5 phút mới báo lại. Tuy nhiên, đường bay và độ cao của chúng hướng về Thái Nguyên không thay đổi. Mặc dù tín hiệu có đứt quãng nhưng tôi vẫn vẽ được đường bay chính xác. Ngay lập tức, cấp trên lệnh cho toàn đơn vị vào cấp 1. Lúc đó, tình hình rất căng thẳng, tôi chỉ tập trung thu nhận tín hiệu và đi đường bay. Trời rét căm căm, tôi đang khoác áo trấn thủ mà mồ hôi vẫn rịn trên trán. Sở chỉ huy im phăng phắc, cả ê-kíp trực chỉ huy chiến đấu của Trung đoàn tập trung xung quanh bàn tiêu đồ, chăm chú theo dõi đường bay của địch...”.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đức        

Ông Đức kể tiếp: “Sau hơn một giờ, khi tốp máy bay B-52 thứ hai vào đến tầm bắn khoảng 25-30km, thủ trưởng Huệ thét vào máy bộ đàm 2W: “Bỏ F-4. Đánh B-52. Bắn nhanh. Bắn!”. Nói thật, mọi lần nghe thấy thủ trưởng thét lên thì anh em chúng tôi hãi lắm. Không hiểu sao lần này chúng tôi lại thở phào nhẹ nhõm, bởi lúc này nhiệm vụ của báo vụ-tiêu đồ coi như đã hoàn thành. Đêm 26-12, địch quay lại tấn công, chúng tôi tiếp tục vẽ đường bay chính xác, góp phần giúp đơn vị lập thành tích “hạ gục” thêm một máy bay B-52 nữa...”.

Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976, ông Đức chuyển ngành về công tác tại Bưu điện tỉnh Thái Nguyên. Sau đó, ông được điều về làm cán bộ tổng hợp của Văn phòng UBND TP Thái Nguyên cho đến năm 2007 thì nghỉ hưu, hiện trú tại tổ 4, phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên. Ở tuổi 74, ông Đức vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và hiện nay vẫn tham gia ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 256. Dịp này, ông càng bận rộn hơn khi là nhân chứng lịch sử được nhiều trường học trên địa bàn mời tới nói chuyện. Với ông, đó vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm để góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Bài và ảnh: PHẠM THÙY ANH