Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc quan tâm muốn tìm hiểu sâu hơn về cuộc khởi nghĩa này, đặc biệt là về những ngày cuối cùng của nghĩa quân và thủ lĩnh Đội Cấn. Đáp ứng yêu cầu đó, chúng tôi trân trọng giới thiệu những tư liệu khảo cứu qua bài viết mới của GS Lê Văn Lan.
Ngay trong đêm 30, rạng ngày 31-8-1917, trong bản “Tuyên ngôn thứ nhất” ký tên “Đại đô đốc Trịnh Văn Cấn” của cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên 100 năm trước, có một câu mà người đương thời cho rằng có thể đã vận vào số phận chung cuộc của vị thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa: “Nếu bất hạnh mà mục đích không đạt, đại công không thành, thì cuộc đời thà hy sinh tất cả, chúng ta cũng chẳng thiết sống làm gì cho nhục nhằn khốn khổ!”.
Đền thờ Đội Cấn ở Thái Nguyên. Ảnh: Đức Đạt
Thêm nữa, giữa hai chủ trương khác nhau ở lần họp bàn cũng ngay trong đêm 30, rạng ngày 31-8 về đường lối quân sự của những người đứng đầu cuộc khởi nghĩa, là: Sau khi đã chiếm và làm chủ được tỉnh lỵ Thái Nguyên thì nghĩa quân cần và sẽ phải đánh rộng ra các tỉnh xung quanh, mở mang địa bàn và lực lượng khởi nghĩa; hay là sẽ chỉ cố thủ, phòng ngự và giữ vững tỉnh lỵ Thái Nguyên, chống lại cuộc phản kích, hòng lấy lại tỉnh lỵ của địch; thì Đội Cấn-tên gọi phổ cập của thủ lĩnh cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên Trịnh Văn Cấn (vì đương chức Đội Nhất trong quân đội thực dân Pháp) lại quyết định: Ngả theo đường lối tập trung phòng thủ!
Vì thế, từ sáng sớm 2-9-1917, đặc biệt là vào ngày 4-9-1917, khi thực dân Pháp huy động một lực lượng quân sự rất lớn (gồm hơn 3.000 quan binh, được trang bị đủ hạng và kiểu vũ khí hùng hậu) sau mấy trận giao chiến ác liệt, đến ngày 5-9-1917, mặt trận phòng ngự của nghĩa quân đã bị phá vỡ. Đến trưa 5-9-1917, cho dù phải trả bằng một giá rất đắt, thực dân Pháp đã hoàn toàn chiếm lại được tỉnh lỵ Thái Nguyên, buộc nghĩa quân phải rút hết lực lượng ra ngoài.
Từ đây trở đi là chuỗi thời gian của “giai đoạn 2” cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên: Nghĩa quân phải “vận động chiến”, thực chất là bôn tẩu qua nhiều địa bàn để tránh né lực lượng truy kích và đàn áp của thực dân Pháp kéo dài đến 6 tháng (từ ngày 5-9-1917 đến 4-3-1918).
Địa bàn bôn tẩu chủ yếu của phần đông quân khởi nghĩa do thủ lĩnh Đội Cấn trực tiếp chỉ huy là bên này và bên kia dãy núi Tam Đảo, giữa Thái Nguyên và Vĩnh Yên; trong khi một số toán quân lẻ lại bạt xuống đến Phúc Yên, Bắc Ninh, cả Hà Đông, Hưng Yên và Hà Nam.
Tổng lực lượng nghĩa quân ở “giai đoạn 1” của cuộc khởi nghĩa và chiến đấu trong địa bàn tỉnh lỵ Thái Nguyên, theo thống kê trong hồ sơ lưu trữ, là hơn 600 người (gồm hơn 300 “lính khố xanh” và tù nhân yêu nước ở ngày bắt đầu khởi nghĩa, sau đấy thêm hơn 300 người-gồm nhân dân ở tỉnh lỵ và hơn 50 công nhân mỏ than Phấn Mễ, mỏ kẽm Lang Hít… đến tham gia) được trang bị 92 khẩu súng trường “Mút-cơ-tông Lebel” kiểu 1892, 75 súng trường kiểu 1874, 197 súng “Các-bin” kiểu 1874, 1 súng lục Lebel kiểu 1892, 16 thanh kiếm và 62.175 viên đạn… Nhưng khi sang đến “giai đoạn 2”-bôn tẩu và chiến đấu ở ngoài tỉnh lỵ Thái Nguyên thì không còn đầy đủ được như thế.
Trong khi đó, theo số liệu trong các tài liệu mật của Pháp, chỉ từ ngày 31-8-1917 đến 16-1-1918, chính quyền thực dân đô hộ đã huy động 36 sĩ quan người Âu, 124 hạ sĩ quan người Âu, 926 lính người Âu, 29 hạ sĩ quan người Việt, 1.597 “lính khố đỏ”, 300 “lính khố xanh”, 839 “lính dõng”, có pháo binh và tàu chiến yểm hộ, phối hợp với cả hệ thống quan lại tay sai từ cấp xã trở lên ở khắp các tỉnh có chiến sự, để truy kích và đàn áp nghĩa quân!
Trong các trận đánh phản kích, truy kích ấy, phía Pháp đã sử dụng đến 493 quả đạn đại bác, 60.028 viên đạn đại liên và trung liên, 162.816 viên đạn súng trường!
Cùng với thế và lực đều áp đảo tàn ngược như thế, kẻ địch còn dùng đến cả những thủ đoạn thật thâm độc và nham hiểm như ở trận Núi Pháo, ngày 21-12-1917, trước khi tấn công vào cánh nghĩa quân đang bị bao vây ở đây, chỉ huy người Pháp cùng bọn hào lý tay sai bắt được mẹ và vợ con Đội Cấn ở quê nhà: Làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, đã đưa họ đến cửa trận làm con tin để dụ hàng! Vấp phải thái độ kiên quyết kháng cự của Đội Cấn, giặc đã dã man tra tấn, đánh đập con tin khiến vị thủ lĩnh nghĩa quân phải cắn răng mà chiến đấu trong tiếng kêu khóc đau đớn của người thân từ bên ngoài vọng đến!
Vì thế dễ hiểu, khi sang đến thời gian đầu năm 1918, tình thế và lực lượng của nghĩa quân đã sa sút nhiều. Một phần lớn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ngay trong các trận đánh không cân sức. Nhiều người khác bị thương, bị đau ốm tật bệnh, phải rời quân ngũ, tá túc trong các xóm làng bên đường bôn tẩu, rồi bặt tăm. Một số chiến sĩ không may sa vào tay giặc, bị tống ngục, rồi đưa ra xét xử, thụ án tử hình hoặc lưu đày. Cũng có mấy kẻ không chịu nổi gian khó, hiểm nguy, đã hạ vũ khí đầu thú. Thành ra, đến lượt người hạ vũ khí cuối cùng, tên là Đội Giá, vào ngày 4-3-1918, thì đây đã là người và ngày chính thức đánh dấu sự cáo chung sau 6 tháng 6 ngày của lịch sử oanh liệt cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên, đúng 100 năm về trước.
Trong bối cảnh bi tráng đó, chung cuộc của thủ lĩnh Đội Cấn (Trịnh Văn Cấn) như thế nào?
Sách “Lịch sử Việt Nam, tập 7” của Viện Sử học (NXB Khoa học-Xã hội, H.2013, tr.578) viết: “Đội Cấn bị thương rất nặng ở chân, nhận thấy không còn khả năng chỉ huy cuộc khởi nghĩa, ông quyết định tự vẫn khi xung quanh chỉ còn 3, 4 đồng đội. Đội Cấn sai mấy người đào huyệt sẵn, rồi ông khăn áo chỉnh tề, đầu đội mũ, nằm ngay ngắn vào giữa (huyệt), tay phải cầm súng lục tự bắn vào ngực và ra đi mãi mãi, quyết không đầu hàng giặc. Đó là ngày 11-1-1918”.
Đây là những thông tin chính xác, trừ chi tiết về thời gian (tức: Ngày, tháng, năm tự tận của Đội Cấn).
Về thời gian đúng của sự kiện thủ lĩnh cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên tự tận, trong hồ sơ lưu trữ về một nghĩa quân tên là Nguyễn Văn Sỹ đã thông qua cha đẻ của mình, và cố đạo nhà thờ Hòa Loan (Vĩnh Yên), ra đầu thú tại Tòa Công sứ tỉnh Vĩnh Yên vào buổi chiều 9-1-1918, có ghi lại lời khai của Nguyễn Văn Sỹ, nói rằng: Vào khoảng 21 giờ ngày 5-1-1918, ở tại khu rừng Núi Pháo (Đại Từ, Thái Nguyên), khi Đội Cấn nằm ngủ chập chờn, cách Sỹ khoảng 3m, Sỹ đã dùng khẩu súng “Mút-cơ-tông” của mình để hạ sát thủ lĩnh cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên bằng hai viên đạn, bắn cách nhau mấy giây. Nghe tiếng súng nổ, có ba người là: Ba Nho (?), trước là tù phạm ở Nhà tù Thái Nguyên; Dương Văn Tuế, trước là “lính khố xanh” (số lính: 1134) đóng ở tỉnh lỵ Thái Nguyên; Nguyễn Hương Đài, trước là “Đội khố xanh” (số lính: 1327) cũng đóng ở tỉnh lỵ Thái Nguyên đang nằm cạnh Đội Cấn đã vùng dậy chạy trốn biệt tăm, bỏ lại ba khẩu súng “Mút-cơ-tông”. Sỹ đã đào huyệt, chôn Đội Cấn cùng 3 khẩu súng đó tại chỗ, rồi ra khỏi rừng Núi Pháo, đi đầu thú…
Theo lời khai và chỉ dẫn của Nguyễn Văn Sỹ, thực dân Pháp đã tổ chức cuộc tìm kiếm nơi chôn cất Đội Cấn từ sáng sớm 11-1-1918.
Kết quả là đã tìm được đúng và khai quật ngay tử thi của thủ lĩnh cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên. Nhưng có một số chi tiết trên thực địa không khớp với lời khai của Nguyễn Văn Sỹ, đã được nêu ra trong một bức thư mật, gửi Thống sứ Bắc Kỳ ngày 16-1-1918, của Công sứ Thái Nguyên, là: Tử thi được khâm liệm rất chu đáo bằng vải thêu, chăn, chiếu; mộ táng: Huyệt được đào rất cẩn thận và trước khi khai quật còn thấy rõ dấu vết than tro của một nghi thức tế lễ nghiêm chỉnh, phải có 3, 4 người cùng đồng lòng mới làm được như vậy.
Thi hài Đội Cấn ngay sau đó đã được đưa về tỉnh lỵThái Nguyên để tổ chức nhận diện một lần nữa. Đến khoảng 16 giờ ngày 11-1-1918 thì bắt đầu được pháp y khám nghiệm. Biên bản khám nghiệm ghi rõ: Thời điểm chết của tử thi là khoảng từ 4 đến 8 ngày, trước ngày 11-1-1918; có hai thương tích do đạn súng gây nên trên cơ thể tử thi: Một ở chân trái, bị từ khoảng 15 ngày trước khi chết, nên vết thương đã nhiễm trùng nặng, viêm tấy, hoại tử; và hai là thương tích ở ngực, do đạn cỡ 7,65mm, bắn ở cự ly sát gần, chính là thương tích đã dẫn đến cái chết ngay lập tức của tử thi.
Kết quả khám nghiệm pháp y này cho thấy, rõ ràng là lời khai của Nguyễn Văn Sỹ có nhiều phần bịa đặt (có thể là để “thêm công, nhẹ tội” khi đầu thú). Còn sự thực là: Ở trận Núi Pháo ngày 21-12-1917, trong khi chỉ huy chiến đấu, Đội Cấn đã bị trúng đạn của địch vào chân, nhưng trong điều kiện phải tiếp tục bôn tẩu trong vùng rừng núi, không được chữa chạy y tế nên thương tích ngày càng trầm trọng. Vì thế đến ngày 5-1-1918, thủ lĩnh cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên đã quyết định tự sát bằng khẩu súng lục Lebel 7,65mm, bắn vào ngực (khẩu súng này khi được khai quật từ đáy huyệt, thấy Đội Cấn vẫn nắm chặt trong tay), sau khi đã hạ lệnh cho 4 thuộc hạ (trong đó có Nguyễn Văn Sỹ) thi hành các động tác chu đáo chuẩn bị cho cái chết và cẩn trọng mai táng thi hài của mình.
Cố GS Dương Kinh Quốc-người đã tìm thấy và khai thác hồ sơ lưu trữ ký hiệu “AOM.Fonds RST, F68, số 36284, số 36258” để có được những thông tin vừa trình bày ở trên, trong bài viết: “Vài nét về cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917” (in ở sách “Khởi nghĩa Thái Nguyên, 80 năm nhìn lại”, Thái Nguyên, 1997, tr.341), kết luận: “Đội Cấn đã tự sát hồi 21 giờ ngày 5-1-1918 (tức ngày 23 tháng Mười Một năm Đinh Tỵ) tại Núi Pháo, trước sự hiện diện của 4 nghĩa binh còn lại bên cạnh ông, lúc bấy giờ”.
GS LÊ VĂN LAN