Nhớ lần tôi có chuyến đi thực tế khoảng một tuần với bộ đội Binh đoàn Trường Sơn mở đường 279 ở tỉnh biên giới phía Bắc. Trở về, tôi viết ngay một ký sự nhiều kỳ đặt tên là “Chọc thủng Khau Co” (Khau Co-đường đèo hiểm hóc nhất vùng Tây Bắc). Trưởng phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính Vũ Thụy khi duyệt tập bản thảo khá dày của tôi trước khi đưa lên Tổng biên tập duyệt lần cuối, tỏ ý không vui, bảo: “Sao cậu không viết bài phản ánh ngắn cho dễ đăng? Sếp Mân duyệt phơi-tông (feuilleton-tác phẩm đăng nhiều kỳ trên báo chí) kỹ lắm, đá bài là phí cả chuyến đi”. Tôi được phen lo lắng. Một tuần sau, trưởng phòng đem tập ký về và gọi tôi sang, rồi chỉ vào chữ “M” ký ở trang cuối, cười hỉ hả. Toàn bài không thấy sửa gì, có mỗi cái tít là thủ trưởng nhúng bút cho giản dị, dễ hiểu hơn: “Mở đường Khau Co” và ký sự của tôi được đăng 8 kỳ liền. Ngày đó, Thượng tá Bùi Biên Thùy, Phó tổng biên tập, nhiều năm sau là Bí thư Đảng ủy Báo Quân đội nhân dân đã dạy cánh phóng viên trẻ chúng tôi rằng: Nếu được anh Mân ký chữ “M” lí nhí ở góc trang bài viết thì thật hạnh phúc; còn anh phê “không được”, hay đơn giản là “0” thì chỉ còn cách mang bài về bò ra mà viết lại. Vậy là vừa vào nghề, tôi đã có được hạnh phúc rồi!

Lần khác, tôi được phân công viết tiểu phẩm cho Chuyên mục “Câu chuyện thứ bảy”. Đây là chuyên mục mới do chính Tổng biên tập Trần Công Mân khởi xướng, dành cho trang nhất tờ báo đặc biệt ra ngày thứ bảy hằng tuần và đã có nhiều người viết mục này bị thủ trưởng cho “ra rìa”. May mà bài của tôi không thấy Phòng Thư ký tòa soạn gọi thay bài hay sửa lại. Đến sáng thứ bảy ra báo, khi đọc bài, tôi mới ngã ngửa: Chỉ còn cái tít là của mình, nội dung hầu như được viết lại hoàn toàn. Một phóng viên kỳ cựu là bác Đỗ Chí được tiếng là cây bút cứng về tiểu phẩm, có lần kể: “Bài của tớ (cũng trong Chuyên mục “Câu chuyện thứ bảy”), thủ trưởng “bừa” lại, chỉ có câu mở đầu và câu kết là của mình, như chiếc áo sót mỗi cái khuy cũ, còn thay mới tất”. Tôi đọc kỹ và ngẫm nghĩ về “cái khuy” sót lại trong bài của mình mà tâm phục khẩu phục. Người duyệt bài hơn hẳn một cái đầu trong cách diễn giải, lập luận đào sâu vấn đề và cả trong bút pháp thể hiện.

Thiếu tướng Trần Công Mân quê ở xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 7-1945, vừa tròn 20 tuổi, ông tham gia cách mạng ở địa phương, sau đó nhập ngũ. Cuối năm 1964, đang là Chính ủy Trường Sĩ quan Công binh, ông được điều về tòa soạn Báo Quân đội nhân dân làm Phó tổng biên tập. Hơn 20 năm công tác ở Báo Quân đội nhân dân, trên cương vị Phó tổng biên tập rồi Tổng biên tập, đồng chí Trần Công Mân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ khi làm báo, hầu như không khi nào ông bỏ thói quen đọc tham khảo các tờ báo lớn tiếng Pháp, tiếng Anh do thư viện của Báo đặt mua hằng năm. Hầu như tháng nào cũng có phóng viên quốc tế đến tòa soạn số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Họ thường muốn thăm dò chính kiến, đánh giá tình hình thời cuộc thông qua người đứng đầu một tờ báo chính luận lớn của Việt Nam. Nhiều nhà báo, chính khách sau khi tiếp xúc với Tổng biên tập Trần Công Mân đều tỏ ý khâm phục khả năng nắm bắt cái mới, được diễn đạt bằng lối viết tiếng Pháp chuẩn mực, sinh động của ông. Những bài chính luận ông viết chủ yếu đăng trên Báo Quân đội nhân dân, viết do công việc thường nhật cần đáp ứng tính thời sự của một tờ báo chính trị-xã hội. Đôi khi ông cũng viết cho các báo khác do họ tín nhiệm đặt bài mà ông không thể thoái thác.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Trần Công Mân gắn huy hiệu tặng Tổng biên tập Báo Chiến sĩ Xô-viết,

Quân khu Xibian, Liên Xô (năm 1987). Ảnh tư liệu  

Sau ngày ông qua đời (25-3-1998), Hội Nhà báo Việt Nam tập hợp một số bài viết của ông thành cuốn sách dày gần 500 trang “Trần Công Mân-tác phẩm báo chí chọn lọc”. Có dịp đọc lại những bài viết của ông ở thể loại sở trường là ngôn luận, tiểu luận mới thấy một cách nhìn sáng rõ sự việc, sự kiện theo quan điểm của Đảng, Nhà nước, đồng thời còn có sự phát hiện vấn đề, những dự báo diễn biến thời cuộc tương lai. Chỉ với những bài báo ngắn đáp ứng tính thời sự ấy thôi, cũng hiển hiện trước mắt chúng ta một cây bút sắc sảo, đầy bản lĩnh!

Những bài viết được tập hợp trong cuốn sách trên đều ở giai đoạn những năm đầu của công cuộc đổi mới, luôn được đông đảo độc giả trong nước và kiều bào ở nước ngoài đón nhận, hoan nghênh. Ngày 3-10-1989, sau khi Báo Quân đội nhân dân đăng bài “Mở cửa” và việc khẳng định những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa” của ông với bút danh Tuấn Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã gửi thư biểu dương đến tòa soạn: Sau Nghị quyết Trung ương 7, có một số cán bộ sợ ta nói mạnh, lên án Mỹ thì họ sẽ không làm ăn với ta và cản trở các nước tư bản khác nữa. Bài báo “Mở cửa” và việc khẳng định những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa” của Tuấn Minh đã giải đáp rất rõ, rất đúng với những e ngại trên. Gửi lời hoan nghênh Tuấn Minh và Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân từ sau Hội nghị Trung ương 7 đã có một số bài tốt.

Ở thời điểm những năm cuối trên cương vị Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, ông không chỉ đóng vai trò “giữ gôn” như trước, mà xuất hiện “tả xung hữu đột” như một chiến sĩ thực sự trên mặt trận tư tưởng báo chí. Ông liên tục cho ra mắt bạn đọc loạt bài về các vấn đề nóng nhất của thời cuộc. Với tư cách công dân, tư cách đảng viên, ông bàn thẳng, bàn đích đáng vào một vấn đề lớn liên quan đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Cũng là một người làm báo chuyên nghiệp, cá nhân tôi cho rằng những vấn đề tác giả Trần Công Mân nêu ra với những dự báo chính xác cho tới tận ngày hôm nay.

PHẠM QUANG ĐẨU