Chúng tôi gặp Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xuân Tấu, nguyên Tư lệnh Binh chủng TTG-người tham gia trận đánh ở Tà Mây-Làng Vây cách đây 54 năm tại nhà riêng ở phố Đội Nhân, phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, TP Hà Nội). Năm 1963, sau khi nhập ngũ tại Trung đoàn 202 (nay là Lữ đoàn 202, Quân đoàn 1), chiến sĩ Lê Xuân Tấu được bổ sung về Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1. Cũng như nhiều đồng đội, anh đã viết đơn xung phong vào miền Nam chiến đấu (đi B), nhưng hai lần nộp đơn mà anh vẫn chưa được chấp thuận. “Ngày 22-6-1965, khi Trung đoàn 203 (nay là Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2) thành lập, tôi được điều về làm Trưởng xe tăng PT-76 số hiệu 555 thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 203. Và mãi tới lần thứ ba, tôi viết đơn xung phong đi B vào đầu năm 1967 mới được cấp trên chấp thuận. Trước khi đi, chúng tôi được nghỉ phép 15 ngày. Thời điểm đó, ai cũng lo bị ở lại, không được đi B nên 100% trả phép đúng và trước hạn”, Thiếu tướng Lê Xuân Tấu nhớ lại.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Lê Xuân Tấu (hàng đầu, thứ tư, từ trái sang) dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống bộ đội TTG (tháng 10-2019). Ảnh do nhân vật cung cấp 

Theo kế hoạch, ngày 14-10-1967, cấp trên quyết định chọn hai đại đội xe tăng PT-76 (Đại đội 3 và Đại đội 9) của Trung đoàn 203 thành một tiểu đoàn thiếu, mang phiên hiệu 198. Sau thời gian làm công tác chuẩn bị, Tiểu đoàn 198 bắt đầu hành quân từ huyện Lương Sơn (Hòa Bình), vượt gần 1.400km vào chiến trường miền Nam. “Một đêm, chúng tôi đến bến phà Linh Cảm (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), gặp đoạn đường khó nên phải mất nhiều giờ xe tăng mới qua sông La. 5 giờ sáng, chúng tôi phát hiện hai bên đường là rừng cây keo nên nhanh chóng giấu xe ở đó. Thấy vậy, bà con địa phương ra hỏi han. Nghe chúng tôi giải thích, bà con vui vẻ đồng tình: “Bộ đội đi chiến đấu thì bà con cho giấu quân trong rừng nhưng đừng để máy bay địch phát hiện, chúng sẽ thả bom hủy diệt cả cánh rừng này”. Sau đó, nhân dân còn cùng bộ đội chặt cành cây, ngụy trang giấu xe, xóa vết xích ngoài đường... Công việc kết thúc trước khi trời sáng hẳn. Nhờ sự cưu mang, giúp đỡ của người dân địa phương, đơn vị ông đã trú quân an toàn trước sự quần thảo, gầm rú của máy bay địch.

Theo lời Thiếu tướng Lê Xuân Tấu, ngày 21-1-1968, đơn vị ông hiệp đồng với bộ binh, công binh, hiệu chỉnh vũ khí, nạp đạn... chuẩn bị cho nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Tà Mây nhằm mở đường đưa lực lượng lớn của chiến dịch vào đánh Làng Vây và Tà Cơn. Để bảo đảm chắc thắng, cấp trên quyết định sử dụng Đại đội 3 phối thuộc cùng Trung đoàn 24 của Sư đoàn 304 tiêu diệt địch ở Tà Mây. “Khoảng 17 giờ ngày 23-1, đại đội xe tăng của ta bắt đầu xuất kích, tiến về căn cứ Tà Mây. Tôi chỉ huy xe tăng số hiệu 555 đi đầu đội hình nên quan sát được mọi hành động của công binh. Gần 12 giờ đêm, xe chúng tôi vẫn chưa vượt qua ngầm số 3. Tôi nhảy xuống xe kiểm tra thì được anh em công binh cho xem loại mìn vừa gỡ. Nhận thấy đây không phải mìn chống tăng nên tôi gọi điện xin phép chỉ huy đơn vị cho xe được vượt qua bãi mìn. Xe đi đến đâu mìn nổ đến đó, nhưng rất may không có xe tăng nào bị đứt xích”, Thiếu tướng Lê Xuân Tấu kể.  

leftcenterrightdel
 Vợ chồng Thiếu tướng Lê Xuân Tấu. Ảnh do nhân vật cung cấp

Để chúng tôi hiểu rõ hơn về trận đánh này, ông lấy giấy bút vẽ lại sơ đồ cuộc hành quân và diễn giải: “Rạng sáng 24-1-1968, cấp trên lệnh cho đơn vị dừng lại tổ chức trú quân, chỉ sử dụng hai xe tăng do tôi và anh Trần Văn Tuy chỉ huy tiến công vào căn cứ Tà Mây. Tuy nhiên, bất ngờ xe tăng 551 do đồng chí Tuy chỉ huy bị địch bắn đứt xích nên phải dừng lại. Xe tăng 555 cùng bộ binh tiếp tục tiến công vào sở chỉ huy địch. Hơn 8 giờ sáng hôm đó, quân ta đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Tà Mây...”.  

Sau chiến thắng Tà Mây, Tiểu đoàn 198 được lệnh tiếp tục tiến công cứ điểm Làng Vây. Đây là căn cứ phòng ngự rất kiên cố của địch, có hầm ngầm, hàng rào, lô cốt bê tông cốt thép; hàng rào phía tây và phía nam lên tới 5-7 lớp rào... Theo hiệp đồng, Đại đội 3 tấn công hướng Tây từ Lao Bảo sang trục Đường số 9; Đại đội 9 sử dụng xe tăng lội nước thả trôi trên dòng sông Sê Pôn. “Đêm lạnh, chúng tôi chứng kiến bộ đội công binh đầu quấn khăn trắng dầm mình dưới nước để dẫn đường cho xe tăng trôi theo dòng sông Sê Pôn. Quyết tâm của đồng đội, sự cố gắng của nhiều lực lượng đã thôi thúc chúng tôi quyết tâm chiến đấu và chiến thắng!”, anh hùng Lê Xuân Tấu xúc động.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Lê Xuân Tấu kể chuyện đánh trận ở Tà Mây - Làng Vây. 

Cầm tờ giấy vẽ vị trí tập kết, hướng tấn công của quân ta tại Làng Vây, Thiếu tướng Lê Xuân Tấu kể tiếp: “Theo kế hoạch hiệp đồng, 23 giờ 30 phút ngày 6-2-1968, quân ta nổ súng tấn công. Trước đó 15 phút, đơn vị chúng tôi đã ở cầu Bê Hiên, cách Làng Vây hơn 1km. Tuy nhiên, khi quân ta đồng loạt nổ súng, bộ binh chưa vượt qua cửa mở, xe tăng phải chi viện hỏa lực cho bộ binh mở cửa. Do hàng rào bùng nhùng, bộ binh đánh bộc phá ko đứt hết nên xe tăng 555 phải hai lần vào ra để dẫn dắt bộ binh... Khoảng 4 giờ sáng hôm sau, quân ta làm chủ hoàn toàn trận đánh ở Làng Vây. Chiến thắng Tà Mây-Làng Vây không chỉ có ý nghĩa chiến thuật mà còn có ý nghĩa chiến dịch-chiến lược, là trận đánh then chốt của bộ đội TTG, góp phần vào chiến thắng chung của Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh năm 1968”.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIÊN THÁI