Tháng 4-1967, tại xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, tôi được lệnh ngụy trang, trèo lên một cây to, cao 5m để quan sát địch. Tôi bị máy bay trinh sát L-19 của địch phát hiện, bắn pháo khói chỉ điểm cho máy bay khác đến ném bom. Tôi vừa tụt xuống mặt đất để chui vào hầm thì bom nổ. Cái cây tôi vừa trèo bị dính bom, còn căn hầm bị sập. Tôi phải bới đất ngoi lên. Tôi ôm súng AK bò được khoảng 10m thì bị choáng, máu chảy ra từ tai, mũi. Sau vài tiếng đồng hồ, tôi tỉnh lại.
Tháng 7-1967, chúng tôi được lệnh chuẩn bị xuất kích đánh địch trên Đường 76 từ Đông Hà lên, thì bom Mỹ đánh trúng hầm, khiến nóc hầm sập vào đầu làm tôi bất tỉnh. Hôm ấy, đồng chí Tuyển, quê ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh hy sinh.
Một tháng sau, tại làng Gia Bình (xã Gio An), máy bay B-52 Mỹ thả bom làm sập hầm. Anh Dương, quê Hải Dương hy sinh, còn tôi được đồng đội bới lên. Sau vài tiếng, tôi tỉnh lại, lau xong máu và xin ở lại cùng đơn vị tiếp tục chiến đấu.
Trên mảnh đất Gio An, tôi tham gia nhiều trận đánh ác liệt. Ngày 24-11-1967, tại địa bàn làng Hảo Sơn của xã Gio An, trước lúc bước vào trận đánh, tôi được kết nạp Đảng. Trận đánh hôm đó, tôi bị thương, viên đạn xuyên qua phần trên của cánh tay trái. Trong giây lát, tôi bị giật mình, cánh tay không thể nâng đầu ruồi để ngắm bắn được nữa. Tôi vừa nâng súng vừa bắn bằng tay phải, đồng thời rút lui theo đồng đội. Được vài trăm mét thì tôi bị choáng. Sau đó, không rõ ai đã khiêng tôi ra gần bến tắt của sông Bến Hải. Tôi được chuyển về điều trị, an dưỡng tại Đoàn 200, Quân khu 4. Sau 3 tháng, quân lực của bộ đội phòng không lại đón tôi về làm pháo thủ của Đại đội 10, Tiểu đoàn 15, Trung đoàn 284.
Giao thừa Tết Kỷ Dậu 1969, tại cửa rừng trên Đường 128A thuộc huyện Lằng Khằng, tỉnh Khăm Muộn (Lào), đại đội của chúng tôi bí mật hành quân vào tham gia chiến đấu ở Đường 9. Bỗng máy bay AC-130 của Mỹ xuất hiện tấn công. Bị tập kích bất ngờ, 4 đồng đội của tôi hy sinh. Tối Mồng Một Tết năm đó, tôi được lệnh cùng một đồng chí lái xe đưa các liệt sĩ về nước, chôn cất ở Bãi Dinh trên Đường 12A thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Khi cùng xe quay lại chiến trường, tôi nhận 40 hòm đạn pháo. Qua đèo Mụ Giạ, chúng tôi lại bị máy bay địch ném bom. Xe bị lật nhào, hất tôi và đồng chí lái xe xuống đường, bất tỉnh. Tôi được các nhân viên của trạm xá Binh trạm 12 đưa vào hang Lèn điều trị. Khoảng 10 ngày sau, tôi lại xin về đơn vị chiến đấu.
Lần ấy, tại trận địa Nậm Hơ, cũng trên đất Lào, tôi đang cùng 4 pháo thủ trên mâm pháo sục sạo mục tiêu. Bầu trời trong xanh, nắng gắt, địch lợi dụng sự phức tạp của địa hình rừng núi, điều khiển tia laser đưa bom rúc xuống mâm pháo phát nổ, hất pháo và các pháo thủ ra khỏi công sự. 3 pháo thủ hy sinh, gồm: Tùng quê Thanh Hóa, Khanh quê Nghệ An, Tự quê Hải Phòng; còn tôi bị hất ra chừng 10m, bất tỉnh. Khi đồng đội tìm thấy, họ phải cấp cứu liên tục, tim tôi mới đập lại bình thường. Binh trạm điều trị cho tôi khoảng một tuần rồi chuyển về nước. Sau đó, tôi lại về đơn vị chiến đấu.
12 giờ trưa 5-6-1972, trên địa bàn xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, tôi cùng Chính trị viên Chiến và chiến sĩ liên lạc Đức (hai người đều quê Thái Bình) đang ở trong hầm thì bom giội vào cửa, chúng tôi bị lấp sâu dưới đất chừng 2m. Hai tiếng sau, đơn vị đào bới đưa lên, tôi bất tỉnh còn hai đồng đội may mắn đều bình thường. Tôi được đồng đội đưa ra xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh điều trị. Sau khoảng một tháng, tôi lại quay về đơn vị.
4 giờ sáng 20-7-1972, tại sân bay Ái Tử, tỉnh Quảng Trị, cả đơn vị đang làm công sự để chuẩn bị đánh máy bay địch đổ bộ đường không. Bỗng máy bay B-52 của Mỹ trút bom dày đặc xuống đội hình. Hai chiến sĩ là Nga và Ngọ ở hầm tôi hy sinh. Tôi bị trúng mảnh bom, bất tỉnh. Đồng đội nhanh chóng phát hiện, tổ chức cấp cứu rồi chuyển ra Bắc. Đây là lần tôi bị thương nặng nhất, phải phẫu thuật phần bụng và chữa trị chân phải bị gãy. Từ đây, phải rời vị trí chiến đấu của người lính, tôi rất buồn.
Ngày đất nước thống nhất, trở về quê hương, trên cơ thể tôi đầy những vết sẹo, nhưng Tổ quốc đã có độc lập, tự do. Năm nay, tôi đã 72 tuổi, vẫn thường nghĩ rằng, bị thương nhiều lần nguy hiểm, nhưng vẫn may mắn so với những đồng đội mãi mãi không trở về. Tôi cũng luôn biết ơn những người đã cứu chữa mình, đồng thời mong rằng đất nước thân yêu của chúng ta không bao giờ có chiến tranh nữa.
(*) Thương binh hạng 1/4, hiện đang sống tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An
ĐẶNG SỸ NGỌC (*)