Anh hùng Hán Duy Long sinh năm 1953 ở xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, có dáng người to cao. Một buổi chiều, khi đang học lớp 5A, Trường cấp 2 Hương Phúc (Hương Khê, Hà Tĩnh), lớp học của Long bị trúng bom B-52. Hơn 50 học sinh đang học tập trong lớp thì hơn 30 em vĩnh viễn xa rời cuộc sống. Còn Long may mắn chỉ bị chấn thương do sức ép của bom và ngất đi. Căm thù giặc, Long xung phong nhập ngũ khi mới 17 tuổi và được biên chế vào Tiểu đoàn K3 Tam Đảo. Ông Hợi cho biết: Ngay thời gian đầu về đơn vị, tuy là lính mới nhưng đồng chí Long đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Ở trận đầu đánh địch đi càn vào đúng hậu cứ đóng quân của Trung đội 1, Đại đội 1, tuy đối mặt với hơn 30 tên địch nhưng Long bình tĩnh đợi chúng co cụm, điểm hỏa quả mìn định hướng và ném lựu đạn tiêu diệt được nhiều tên. Đồng thời Long nhanh chóng cơ động về sở chỉ huy báo cáo tình hình, dẫn đường cho đơn vị đi phục kích, tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch này.

leftcenterrightdel
Anh hùng LLVT nhân dân Hán Duy Long (thứ hai, từ phải sang), CCB Nguyễn Văn Hợi (thứ ba, từ phải sang) cùng các đồng đội Tiểu đoàn K3 Tam Đảo. Ảnh: DƯƠNG THÙY

Nhờ những thành tích trên, năm 1972, Long được đề bạt chức vụ Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, Trung đội 1. Tối 9-7-1972, Hán Duy Long cùng Tiểu đoàn K3 vượt sông Thạch Hãn chốt giữ trong Thành cổ Quảng Trị. Ông kể lại:

- Khi nhận nhiệm vụ từ cấp trên, Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến đã quả quyết: “K3 Tam Đảo còn-Thành cổ còn”. Lời nói đó trong mỗi chúng tôi đã trở thành một lời thề giữ thành.

Với kinh nghiệm dày dạn trên chiến trường, khi được phân công chốt ở phía đông nam thành Quảng Trị, Hán Duy Long đã động viên tiểu đội nhanh chóng tổ chức đào công sự, hầm, hào chiến đấu. Nhờ vậy, dù ngày nào đạn pháo và bom địch cũng trút đổ xuống thành, nhưng tiểu đội vẫn an toàn. Sau nhiều lần tổ chức tấn công hòng mở đường tái chiếm thành cổ, ngày 23-8, địch sử dụng hơn 100 tên tập trung đánh vào hướng đông nam thành. Trận đánh diễn ra ác liệt, tuy chốt của Long chỉ có 3 người (Long và hai chiến sĩ Sự và Đằng) nhưng địch vẫn không thể tiến gần. Sau thời gian chiến đấu với quân địch đông hàng chục lần, anh bị thương, máu túa ướt vết thương vừa băng bó. “Cứ thế này thì mất chốt, mất thành. Phải dùng hỏa lực mạnh để chặn địch”-Long nghĩ khi thấy địch co cụm từng đám sau những bức tường. Giữa chiến sự nảy lửa, anh giao nhiệm vụ cho Sự cơ động dọc chiến hào, cứ khoảng 5m thì bố trí một quả đạn B40. Còn Đằng dùng súng yểm trợ cho Long và Sự tiêu diệt địch.

Nhớ về trận chiến ngày ấy, ông Đằng kể: “Theo phương án tác chiến, đồng chí Sự vừa đánh địch vừa lựa vị trí xếp đạn. Tôi theo sau, trước thì yểm trợ cho Sự, sau yểm trợ cho anh Long. Sự rải đạn, anh Long đến vị trí, nạp đạn và bắn. Sức công phá của đạn làm kẻ địch khiếp sợ. Chúng hoảng loạn bỏ chạy. “Anh Long ơi! Địch chạy rồi”-tôi mừng rỡ reo lên và gọi. Nhưng không thấy tiếng đáp trả, tiếng súng B40 cũng tắt ngấm. Tôi cơ động đến chỗ anh Long vừa bắn thì thấy anh nằm buông thõng súng trên mặt đất. Hóa ra, sau khi bắn một quả B41 và 9 quả B40 liên tục, anh Long bị bất tỉnh. Biết anh còn thở, tôi liền xốc anh về phía sau”.

 Nhắc đến chuyện đó, ông Long tươi cười cho biết:

- Khi Sự đặt đạn, tôi vừa bắn vừa bò lê, lăn trên mặt đất để đến nơi. Bắn riết đến khi thấy đất trời đảo lộn. Mở mắt ra thấy Chính trị viên Đại đội 9 Phan Xuân Sơn nắm chặt tay và động viên: “Đồng chí bị thương mà không rời trận địa. Tốt lắm!”. Rồi anh Sơn móc trong túi ra phong lương khô làm phần thưởng.

Sau trận đánh, ông Long vẫn ở lại giữ chốt cho đến ngày 25-8-1972 thì được chuyển về sau chữa trị. Hòa bình lập lại, ông kinh qua nhiều vị trí công tác và làm Chủ nhiệm Bộ môn Công tác Đảng, công tác chính trị ở Học viện Quân y. Năm 2012, ông nghỉ hưu.

VIỆT HÀ