Tôi nhập ngũ năm 1970. Sau khóa huấn luyện, tôi và những học sinh, sinh viên quê ở tỉnh Ninh Bình nhập ngũ cùng đợt hành quân vào miền Nam chiến đấu, bổ sung cho Tỉnh đội Kiến Tường. Chiều 30-4-1975, sau khi chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng, tôi nhận lệnh đến Ban Tham mưu, Tỉnh đội Kiến Tường để nhận nhiệm vụ. Tới nơi đã thấy đồng chí Lê Thành Trung (Hai Trung), Tham mưu trưởng Tỉnh đội và các đồng chí trong Ban Tham mưu có mặt. Anh Hai Trung đến bắt tay tôi và giao nhiệm vụ: “Ngày mai, đồng chí có nhiệm vụ cùng đi với đoàn công tác Tỉnh đội về tỉnh lỵ Kiến Tường ở Mộc Hóa (nay thuộc thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) để nhận bàn giao. Nhớ chuẩn bị quân tư trang, súng ngắn và băng cấp cứu. Đồng chí có trách nhiệm tiếp quản trung tâm hành quân của địch”.
Mờ sáng 1-5-1975, tôi mang mặc chỉnh tề đợi đi làm nhiệm vụ. Khoảng 8 giờ, chúng tôi xuất phát từ căn cứ của Tỉnh đội ở rạch Đầu Sấu (nay thuộc xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An). Trưởng đoàn là đồng chí Trần Ngọc Nhóm (Ba Nhóm), Bí thư Tỉnh ủy Kiến Tường; thành phần tham gia khoảng 20 người gồm cả bên quân sự và dân sự. Tất cả lên một chiếc thuyền máy hướng về tỉnh lỵ Kiến Tường. Đến một doi đất đối diện đồn Bình Châu (một đồn trong hệ thống đồn bốt của địch, ở phía Tây thị xã Kiến Tường ngày nay), cả đoàn đứng chờ khoảng 10 phút thì một chiếc tàu chiến của địch cập bến. Tôi quan sát và nhận thấy điểm khác lạ là trên đỉnh cột cao nhất của tàu có lá cờ giải phóng tung bay. Một sĩ quan ngụy khá trẻ lên bờ, được hướng dẫn đến gặp chú Ba Nhóm. Hắn đứng nghiêm, rồi nói: “Tôi-Thiếu tá Giang, Đoàn trưởng, được lệnh của ngài Đại tá, Tỉnh trưởng Kiến Tường lên đón các ngài”.
    |
 |
Tác giả (ngoài cùng, bên trái) cùng các cựu chiến binh Tiểu đoàn 504, Tỉnh đội Kiến Tường. Ảnh: VIỆT HÀ
|
Chú Ba gật đầu và lấy trong bòng (cái túi lớn thay cho ba lô đựng vật dụng cá nhân có quai đeo vào vai) ra một cây thuốc lá nhãn hiệu “Ruby” đưa cho viên thiếu tá. Hắn mừng rỡ và cảm ơn rối rít, rồi nhiệt tình hướng dẫn đoàn lên tàu chiến để về tỉnh lỵ Kiến Tường. Dọc hai bên bờ sông, người dân đều nhìn đoàn Quân giải phóng ở trên tàu địch lại có cờ giải phóng với dáng vẻ cảnh giác. Thậm chí khi mấy anh cán bộ dân vận hô to: “Hoan hô miền Nam giải phóng!”; “Hoan hô Chính phủ Cách mạng lâm thời!”, người dân lập tức lảng đi. Tôi thầm nghĩ, cũng phải thôi, vì trước đó khoảng 4 ngày, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 của địch còn càn quét vùng này. Mà thêm tin giải phóng chưa về đến từng làng xóm nên nhân dân tưởng địch “giăng bẫy” hòng bắt bớ, giết hại những người theo cách mạng...
Khi tàu còn cách tỉnh lỵ Kiến Tường chừng 3km thì Đại tá, Tỉnh trưởng Kiến Tường Nguyễn Văn Huy cho một xuồng máy nhỏ dẫn đoàn cập bến ở cầu cảng Mộc Hóa. Từ cầu cảng, cả đoàn rời tàu lên bờ, tiếp tục hành quân bộ đến dinh Tỉnh trưởng cách đó non cây số. Gần đến nơi, chúng tôi thấy hai hàng lính ngụy quân phục chỉnh tề (không bồng súng), đứng ngay ngắn chào đón từ ngoài đường vào đến bậc thềm tư dinh Tỉnh trưởng.
Sau khi chào theo kiểu nhà binh, Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Huy nói: “Như quý vị đã biết, hôm qua ở Sài Gòn, chính quyền đã đầu hàng Quân giải phóng. Hôm nay, ở địa phương tỉnh Kiến Tường này, tôi tuyên bố chính quyền kể từ nay thuộc về chính quyền cách mạng tỉnh Kiến Tường”.
Tỉnh trưởng nói xong, khom mình nhường chỗ cho đồng chí Ba Nhóm lên phát biểu. Thay mặt chính quyền cách mạng, Bí thư Ba Nhóm phát biểu ngắn gọn, nêu rõ chính sách khoan hồng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau lời phát biểu của Trưởng đoàn Ba Nhóm, các sĩ quan và viên chức chính quyền ngụy vỗ tay rần rần, biểu thị niềm vui trước sự khoan hồng của chính quyền cách mạng.
Sau đó, Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Huy mời đoàn Quân giải phóng vào phòng khách để tiến hành nghi lễ bàn giao. Còn nhiệm vụ của tôi là theo một viên sĩ quan ngụy di chuyển đến trung tâm hành quân của địch, tiếp quản. Vừa đến nơi, một viên đại úy ngụy ra đón và đưa tôi đi nắm tình hình, bàn giao các khu vực cùng trang thiết bị...
Sau một ngày tất bật với nhiệm vụ kiểm kê, chưa kịp tranh thủ chợp mắt thì tiếng gà gáy báo ngày mới vang lên. Từ trung tâm hành quân của địch, tôi vươn vai bước ra ngoài sân và giật mình vì những tiếng hô vang của nhân dân Kiến Tường. Trước mắt tôi là dòng người tay cầm cờ Tổ quốc, cờ giải phóng, tỏa trên khắp đường phố đón mừng Kiến Tường giải phóng!
BÙI DUY HIỀN